Có một Trường Sa như thế (kỳ 2)

09:03, 24/03/2017

"Đôi khi chỉ nghe một tiếng gà gáy trưa thôi là thấy cả hồn quê rồi" - Trung tá Trần Minh Đức, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông trầm ngâm kể cho tôi nghe câu chuyện vì sao anh mang 2 chú gà "cồ đá" ra đây, đơn giản vì chỉ muốn nghe tiếng gà quê nhà. 

Hồn Việt ở Trường Sa
 
[links()] “Đôi khi chỉ nghe một tiếng gà gáy trưa thôi là thấy cả hồn quê rồi” - Trung tá Trần Minh Đức, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông trầm ngâm kể cho tôi nghe câu chuyện vì sao anh mang 2 chú gà “cồ đá” ra đây, đơn giản vì chỉ muốn nghe tiếng gà quê nhà. 
 
Ở Trường Sa, những người lính vẫn thường “góp nhặt” những hình ảnh, âm thanh của quê nhà mang ra đảo như thế, để rồi bất chợt đâu đó giữa những cánh sóng ở phía bình minh ấy, hồn quê vẫn hiện diện trong những tiếng gà gáy, chim hót, trong hồi chuông chùa vọng lại… đất liền - biển đảo dường như chẳng còn khoảng cách. 
 
Bầy trẻ nhỏ vui đùa ở bên chậu hoa sen ở đảo Trường Sa. Ảnh: D.T
Bầy trẻ nhỏ vui đùa ở bên chậu hoa sen ở đảo Trường Sa. Ảnh: D.T
Tổ quốc ở Trường Sa
 
Những ngày ở đảo Trường Sa, chúng tôi mới cảm nhận hết vẻ đẹp muôn sắc của “hòn đảo thủ đô” này. Là một Trường Sa vẫn hiên ngang, kiên cường giữa muôn trùng sóng nước, nhưng cũng thanh bình, yên ả như một ngôi làng trù phú ở một vùng quê nào đó nơi đất liền Tổ quốc. Là bởi tiếng gà gáy sáng, tiếng lạch bạch của bầy vịt nối đuôi nhau theo mẹ kiếm ăn, chú chó nằm ngủ lim dim trên thềm thi thoảng lại vểnh tai nghe ngóng, hay tiếng chuông, gõ mõ cầu nguyện từ chùa vọng lại… đó là những hình ảnh thật đời thường nơi đất liền mà cũng thật thú vị khi bắt gặp ở giữa đảo Trường Sa. Dường như những tiếng động, âm thanh ấy nối tâm hồn của những người lính nơi đảo xa lại gần nơi “chôn nhau cắt rốn”, bình dị mà gần gũi quá đỗi!
 
Đảo trưởng đảo Trường Sa - Trung tá Đỗ Thế Tuyến chia sẻ: “Có thể những hình ảnh này rất đỗi bình thường ở đất liền nhưng ở nơi đảo xa này, đó là một khoảng bình yên trong tâm hồn những người lính, mỗi ngày sau những giờ tập luyện, làm nhiệm vụ anh em thay nhau chăm vườn rau, cho gà ăn, chơi đùa với mấy chú chó đảo… là thấy như ở nhà. Để có được những vật nuôi, cây giống ra được tới đảo và nuôi trồng được là cả một kỳ công đấy, vì nơi này khắc nghiệt quá”. Quả thật, thời tiết ở Trường Sa cũng khắc nghiệt hệt như cái nắng gắt vị muối ở nơi này. Để rau xanh và các vật nuôi sống được, các chiến sỹ ở đây phải thay nhau chăm sóc, nâng niu lắm. Cho nên đã có lần ăn bữa cơm canh rau muống mà lính đảo “nhịn ăn đãi khách” là các phóng viên từ đất liền ra thăm đảo, Giáo sư Lê Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghẹn ngào: “Ăn miếng rau ngọt mà trào nước mắt, thấy mặn chát mồ hôi của những chàng trai trẻ, của những chỉ huy gắn bó với đảo hàng chục năm ròng”. Chỉ nghe nói chắc cũng cảm nhận nắm rau xanh ở đảo đã được đánh đổi bằng gì, nhưng tự mình trải qua mới thấy rau ở đây không tính bằng gam, kilogam mà bằng những giá trị to lớn không thể cân đong nổi. 
 
Ở Trường Sa là như thế, hồn Tổ quốc thiêng liêng có máu đào của bao nhiêu chiến sỹ ngã xuống, có nước mắt, mồ hôi của đồng đội, đồng chí và có cả một hồn quê bình dị, gẫn gũi giữa những cánh sóng phía bình minh.
 
Đi lễ chùa, một nét văn hóa Việt luôn được gìn giữ ở Trường Sa. Ảnh: D.T
Đi lễ chùa, một nét văn hóa Việt luôn được gìn giữ ở Trường Sa. Ảnh: D.T
Gần lắm Trường Sa ơi!
 
Những ngày sống trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhóm phóng viên chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện của những người lính, của những người dân trên đảo và cả của những phóng viên đã hơn một lần ra đây. Với một người được đi lần đầu như tôi, câu chuyện nào cũng thú vị cả. Tôi nhớ như in cảm giác xúc động lần đầu đặt chân lên đảo Trường Sa, sóng “dữ” tàu không thể cập cảng, trên chiếc xuồng CQ vượt sóng vào đảo, đồng nghiệp Tuấn Linh đã lần thứ 2 ra đảo nói với tôi: “Nhớ lần đầu ra đây, gọi điện về vợ hỏi có xa không, chỉ trả lời ngắn gọn rằng gần lắm, không xa bằng nỗi nhớ đâu”.
 
Có lẽ đúng như vậy, Trường Sa gần lắm, chỉ xa bởi những nỗi nhớ cứ dằng dặc từ phía biển. Gần là bởi hồn Tổ quốc luôn hiện hữu nơi đây, trong ý chí kiên cường một lòng hy sinh cho Tổ quốc của các chiến sỹ, khoảng cách địa lý tuy trăm hải lý như gần lại mà nỗi nhớ, niềm thương về đất liền lại như dài ra theo những cánh sóng.
 
Những buổi trưa nắng gắt, các phóng viên hay rủ nhau sang ngồi dưới tán cây chùa Trường Sa. Nơi đây cũng thanh tịnh, bình yên như bao ngôi chùa khác ở đất liền, là chốn tâm linh của người dân trên đảo và các chiến sỹ. Chị Lê Thị Trúc Hà - Người dân đảo Trường Sa tâm sự: “Ở đây các hộ dân và các chiến sỹ thường đi chùa lắm, đi để cầu an và cũng như thấy mình gần hơn với đất liền qua các truyền thống sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người Việt mình. Đặc biệt, với các em bé nhỏ ở đây, chúng tôi cũng dạy dỗ, cho các bé tìm hiểu văn hóa thuần Việt trong nếp sinh hoạt hằng ngày”. 
 
Theo các cư dân ở đây kể lại, ngày mùng một tết Nguyên đán hàng năm thì cán bộ, chiến sỹ và người dân ở đây đều mặc trang phục truyền thống như áo dài, quân phục để đi lễ chùa, cầu một năm mới an lành. 
 
Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn - Chính trị viên đảo Trường Sa cũng bùi ngùi tâm sự: Đến đảo nào trong quần đảo Trường Sa cũng vậy, hồn phách của văn hóa Việt hiện diện trong từng bữa ăn, cây trồng, vật nuôi, tâm hồn mỗi người lính đảo. Có cả khí phách kiên cường, anh dũng bao đời truyền lại cũng ăn sâu trong dòng máu của mỗi chiến sỹ đang ngày đêm bám biển, giữ đảo. 
 
Như một nhà văn Nga đã từng viết: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu… Lòng yêu nhà, yêu xóm làng, yêu miền quê trở nên yêu Tổ quốc”, và chúng tôi hiểu có một hồn quê của Việt Nam giản dị, gần gũi như thế ở Trường Sa.
 
Và mỗi lần nghĩ về nơi ấy, những câu hát trong bài ca Tổ quốc nhìn từ biển vẫn như vang lên trong tâm hồn những người Việt: 
 
“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước 
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
 
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.
 
Ghi chép: DIỄM THƯƠNG