Có một Trường Sa như thế (kỳ 4)

09:03, 28/03/2017

Những câu chuyện về Trường Sa cứ kể mãi không hết trong lòng những người đã đến đây và ra về như tôi. Nghĩ về nơi ấy, tim lại như thấy rất gần, hồn dân tộc, thiêng liêng sóng nước, lá cờ bạc nắng gió giữa đảo xa vẫn cứ phấp phới trong tâm hồn…

Trường Sa - những chuyện chưa kể
 
[links()] Những câu chuyện về Trường Sa cứ kể mãi không hết trong lòng những người đã đến đây và ra về như tôi. Nghĩ về nơi ấy, tim lại như thấy rất gần, hồn dân tộc, thiêng liêng sóng nước, lá cờ bạc nắng gió giữa đảo xa vẫn cứ phấp phới trong tâm hồn…
 
Cột mốc chủ quyền thiêng liêng. Ảnh: D.Thương
Cột mốc chủ quyền thiêng liêng. Ảnh: D.Thương
Những cột mốc chủ quyền thiêng liêng
 
Hành trình đến 7 đảo phía Nam quần đảo Trường Sa của chúng tôi đều mang nhiều cảm xúc, kỷ niệm. Ở mỗi đảo là mỗi cảm xúc khác nhau nhưng có một điểm chung nhất khi đến tất cả các đảo, ấy là sự xúc động khi nhìn thấy cột mốc thiêng liêng - cột mốc chủ quyền Việt Nam với lá cờ đỏ sao vàng trước nắng gió vẫn hiên ngang phấp phới màu đỏ sao vàng nổi bật giữa trời.
 
Cảm giác vượt ngàn hải lý để đến với Trường Sa, đặt chân lên đảo, chạm tay vào cột mốc chủ quyền, nghe gió lồng lộng từ biển mà mắt cay xè, tim thổn thức vì thương quá một Tổ quốc giữa trùng khơi, hình ảnh người chiến sỹ Hải quân chắc tay súng đứng canh gác bên cạnh cột mốc chủ quyền, mắt kiên định nhìn về phía trước giữa trời xanh, biển xanh, nắng gắt sao thiêng liêng và tự hào quá. Đứng trước cột mốc chủ quyền, tôi nghe giai điệu: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ. Ta vẫn vượt qua” hào hùng khôn tả. 
 
Đảo trưởng đảo Trường Sa - Trung tá Đỗ Thế Tuyến chia sẻ: Cột mốc chủ quyền là nơi trang trọng nhất ở mỗi đảo, mọi hoạt động thiêng liêng (chào cờ, duyệt binh…) đều diễn ra trước cột mốc. Những cột mốc trên mỗi hòn đảo đều nhuộm mồ hôi và máu của bao chiến sỹ đã ngã xuống, giữ đảo, bảo vệ đảo. Và mỗi người lính đang ngày đêm giữ đảo cũng là những cột mốc sống mạnh mẽ, vững vàng, sẵn sàng hy sinh để giữ từng tấc đất quê hương.
 
Người “canh trời” Trường Sa
 
“Tôi đã đến Trường Sa”, những câu từ ngắn gọn mỗi khi có đồng nghiệp hay ai đó nhắc đến Trường Sa nhưng lại chất chứa bao nhiêu nỗi nhớ, niềm tự hào của một người con đất liền ra thăm “Tổ quốc giữa trùng khơi” như tôi. Đến Trường Sa để nghĩ lớn lao hơn, để thấy mình cần phải làm gì xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ Hải quân, để thấy nghĩa của từ đồng bào được học từ thuở nhỏ thiêng liêng và tha thiết đến chừng nào.

Chúng tôi gọi các anh - những người lính Phòng không ở Trường Sa là những người “canh trời” Trường Sa. Những người lính vẫn ngày đêm thầm lặng cùng các lực lượng khác bảo vệ bình yên vùng trời - vùng biển Trường Sa, những người lính ít được biết đến hơn, nhưng những trái tim đằng sau màu áo xanh biếc màu trời ấy là biết bao hy sinh, quyết tâm kiên cường vì Tổ quốc. Đó là các cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 11 (Trung đoàn 292, Sư đoàn 377) và Đội Bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa thuộc Sư đoàn 370. Họ là những người quan sát và phát hiện kịp thời các mục tiêu trên không từ xa, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời đất nước nơi đảo xa.

 
Đến Trạm ra đa 11, chúng tôi cứ thắc mắc mãi tại sao tất cả cửa ở đây đều được dán ni lông, máy móc thiết bị luôn được phủ khăn mỏng, giữ gìn cẩn thận. Đại úy Cao Đình Phương, Chính trị viên Trạm ra đa 11 giải đáp rằng: Đó là cách những người lính ở đây giữ gìn máy móc trang thiết bị. Gió biển toàn hơi muối quần áo phơi còn hư, chứ nói gì các máy móc, muối vào là hoen rỉ hết cả. Lại ở trong điều kiện xa xôi, giữ máy móc như giữ người yêu ấy các nhà báo ạ”. Ở giữa biển khơi, thời tiết khắc nghiệt với nắng to, gió dữ, hơi mặn ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và hoạt động của khí tài. Do đó, cán bộ, chiến sĩ trong trạm phải thường xuyên chăm lo, tích cực thực hiện tốt công tác bảo dưỡng mọi mặt. Đồng thời chủ động phát hiện và tự sửa chữa hỏng hóc để đảm bảo khí tài luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất. Nói rồi anh dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh đơn vị, các chiến sỹ Phòng không ở Trường Sa cũng như bao đơn vị khác, cũng chăm lo đời sống các chiến sỹ như anh em ruột thịt, những vườn rau xanh ngắt, vài chú lợn béo và một bầy vịt xiêm là tài sản chung mà các anh, em ở đây ai cũng quan tâm nâng niu.
 
Khi nhắc về Trường Sa thì hình ảnh được nhớ đến đầu tiên trong tâm tưởng của nhiều người Việt là những chiến sỹ Hải quân đang ngày đêm chắc tay súng, bám biển, giữ đảo. Nhưng bảo vệ Trường Sa ngày nay không chỉ có những chiến sĩ của Quân chủng Hải quân mà còn có những chiến sĩ của Quân chủng Phòng không - Không quân. Đơn vị được ví như “mắt thần” giữ biển, những cánh sóng canh trời, thầm lặng giữ biển. Trung tá Đặng Thanh Hải, Trạm trưởng Trạm ra đa 11 chia sẻ: Vượt qua hết mọi khó khăn các chiến sỹ vẫn luôn kiên cường “bám đài, bám sóng” để kịp thời phát hiện các mối nguy từ vùng trời, đảm bảo an ninh trên không cho vùng biển Tổ quốc”.
 
Hơi ấm “đảo chìm”
 
Ra Trường Sa, đến những đảo nổi xúc động bao nhiêu thì đến những đảo chìm càng thương bấy nhiêu. Trên những hòn đảo nhỏ như những tòa lâu đài giữa biển, các chiến sỹ ngoài nhiệm vụ với Tổ quốc còn phải tự tính toán từng chút một cho từng bữa rau, giọt nước ngọt trên đảo. Lần nào đón đoàn ra thăm là lần ấy cả đảo như một ngày hội, chiến sỹ nào cũng rạng rỡ, hân hoan, là bởi đặc thù của đảo chìm nên “hơi ấm” của các đoàn đến thăm cũng là một niềm vui rất lớn của lính đảo chìm.
 
Đúng như tên gọi “đảo chìm”, nơi ấy chỉ là những bãi san hô lúc thủy triều xuống và mênh mông sóng vỗ khi thủy triều lên, trên đảo không thể tìm thấy một nắm đất tự nhiên vì đảo được xây dựng trên nền san hô nằm dưới mực nước biển. Đảo chỉ có duy nhất một ngôi nhà làm nơi sinh hoạt, chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Đảo trưởng đảo Đá Lát - Đại úy Phan Văn Bình chia sẻ: Điểm chung của các đảo chìm có kiến trúc khá giống nhau, từ cầu cảng, nơi cập xuồng, dẫn vào là bia chủ quyền, đến khu nhà bếp, phòng ở, hội trường. Phía trên nóc của tòa nhà duy nhất ấy là lá cờ đỏ sao vàng. Mỗi khi trời mưa bão, sóng cao vài mét đổ vào đảo, các chiến sĩ phải đóng kín cửa để ăn cơm, có những cuộc điện thoại về đất liền phải hét to để át tiếng sóng biển. Cũng không như đảo nổi, anh em muốn tập thể dục, chạy bộ cũng không thể, chỉ biết mỗi ngày đàn, tập tạ hay chăm sóc các bể rau”.
 
Chuyến thăm nào lên các đảo chìm cũng vội, vì di chuyển từ tàu bằng xuồng vào đây mất rất nhiều thời gian và phải canh thủy triều lên cao xuồng mới chạy vào được, cho nên mỗi lần vào đảo chìm chỉ vài tiếng rồi lại trở ra. Vậy mà những hòn đảo ấy cho chúng tôi biết bao nhiêu cảm xúc. Giữa biển khơi bao la những cái vẫy tay chào tạm biệt và hòn đảo cứ nhỏ dần, xa dần khi xuồng rời đi mà ai cũng xúc động không nói nên lời. 
 
“Tôi đã đến Trường Sa”, những câu từ ngắn gọn mỗi khi có đồng nghiệp hay ai đó nhắc đến Trường Sa nhưng lại chất chứa bao nhiêu nỗi nhớ, niềm tự hào của một người con đất liền ra thăm “Tổ quốc giữa trùng khơi” như tôi. Đến Trường Sa để nghĩ lớn lao hơn, để thấy mình cần phải làm gì xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ Hải quân, để thấy nghĩa của từ đồng bào được học từ thuở nhỏ thiêng liêng và tha thiết đến chừng nào. Những câu chuyện về Trường Sa vẫn cứ viết tiếp trong những trang sử hào hùng của dân tộc và trong trái tim mỗi người Việt Nam, và tôi cũng vậy, nghĩ về nơi ấy vẫn cuộn lên bao nhiêu cảm xúc không thể diễn tả. Chỉ biết rằng, có một Trường Sa như thế - một phần máu thịt, đậm hồn dân tộc giữa muôn trùng lớp sóng phía bình minh.
 
Ghi chép: DIỄM THƯƠNG