Để học sinh trung học phổ thông "nghe - nói" được tiếng Anh

05:03, 09/03/2017

Không chỉ chuẩn hóa năng lực cho toàn bộ giáo viên ngoại ngữ của trường theo khung chuẩn châu Âu, Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt còn mời giáo viên bản ngữ tại các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn đến thực hành kỹ năng nghe - nói cho học sinh.

Không chỉ chuẩn hóa năng lực cho toàn bộ giáo viên ngoại ngữ của trường theo khung chuẩn châu Âu, Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt còn mời giáo viên bản ngữ tại các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn đến thực hành kỹ năng nghe - nói cho học sinh.
 
Học sinh đang thực hành kỹ năng nói với giáo viên nước ngoài. Ảnh: V.T
Học sinh đang thực hành kỹ năng nói với giáo viên nước ngoài. Ảnh: V.T
Nhiều hoạt động trong năm 
 
Là trường đạt chuẩn quốc gia có truyền thống hiếu học lâu đời của thành phố Đà Lạt, Trung học phổ thông (THPT) Bùi Thị Xuân (thành phố Đà Lạt) cũng chính là một trong 3 trường THPT đầu tiên trong tỉnh Lâm Đồng thực hiện dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm cho học sinh từ năm học 2013 - 2014, đến niên học 2015 - 2016, trường được xây dựng thành đơn vị điển hình trong đổi mới dạy và học ngoại ngữ của ngành Giáo dục Lâm Đồng. 
 
Năm học 2016 - 2017 này, THPT Bùi Thị Xuân có 1.585 học sinh trong các khối lớp từ 10 đến 12; có 97 cán bộ, giáo viên, công nhân viên đang công tác tại đây, trong đó có 87 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy.
 
Để thực hiện chương trình dạy tiếng Anh 10 năm, nhà trường tổ chức cho học sinh lớp 10 đăng ký đầu vào sau đó tổ chức kiểm tra, chỉ những học sinh đủ chuẩn mới được chọn vào các lớp này. “Vì là chương trình thí điểm chưa triển khai rộng nên trường chỉ chọn 2 lớp mỗi khối” - cô Nguyễn Thị Bảo Khuyên, Phó Hiệu trưởng cho biết. Các lớp này sẽ được duy trì từ lớp 10 đến lớp 12. Trong năm học này trường có 5 lớp, khoảng 200 học sinh đang học theo chương trình này. 
 
“Thầy giỏi mới có trò giỏi” - trường nhiều năm nay liên tục cử giáo viên giảng dạy môn ngoại ngữ tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực do ngành tổ chức hằng năm, có giáo viên tham gia khóa học tổ chức ở ngoài nước. Đến nay, toàn bộ 10/11 giáo viên tổ ngoại ngữ của trường đều đạt chuẩn C1 theo khung chuẩn châu Âu.
 
Nhà trường cũng ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ, trong đó có chương trình mới. Trường hiện có 3 phòng nghe - nhìn hiện đại, 1 phòng đa phương tiện phục vụ việc học tiếng Anh; có hệ thống máy tính để giáo viên - học sinh tra cứu lẫn thi tiếng Anh qua mạng; nhiều lớp học trong trường được trang bị hệ thống loa có thể kiểm tra tiếng Anh phần nghe cho học sinh. Thư viện trường được trang bị nhiều sách ngoại văn phục vụ dạy và học, ôn tập, thi tiếng Anh theo chuẩn B1châu Âu khung năng lực ngoại ngữ bậc 3. 
 
Bên cạnh việc học ngoại ngữ tại lớp, nhà trường hằng năm còn tổ chức rất nhiều hoạt động chuyên môn trong trường cho cả thầy và trò. Với giáo viên ngoại ngữ, trường mời các nhà quản lý, giảng viên ngoại ngữ có kinh nghiệm của các trường đại học đến nói chuyện, tập huấn về chương trình, giới thiệu các phương pháp giảng dạy mới. Với học sinh, nhà trường tổ chức tuần lễ “Toàn trường nói tiếng Anh”, thi hùng biện tiếng Anh, thi hát tiếng Anh, thi tiếng Anh Olympic, IOE. Riêng học sinh của các lớp học theo chương trình tiếng Anh 10 năm trường còn tổ chức thi tiếng Anh trực tuyến OSE, tổ chức lớp ngoài giờ cho học sinh thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. 
 
Mời giáo viên bản ngữ
 
Một trong những điểm hạn chế cố hữu của học sinh phổ thông Việt Nam khi học tiếng Anh lâu nay là 4 kỹ năng “nghe - nói - đọc - viết” không đều. Trong khi 2 kỹ năng “đọc và viết” tương đối ổn với nhiều học sinh bậc THPT thì đại đa số đều rất yếu 2 kỹ năng “ nghe - nói”. Đơn giản vì các lớp học khá đông học sinh, giáo viên phải chạy đua với thời gian ít ỏi trong từng tiết dạy để kịp với chương trình, học sinh vì thế rất ít cơ hội thực hành 2 kỹ năng nghe - nói.
 
Chính vì vậy, bên cạnh tăng cường các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, nhà trường lâu nay còn phối hợp với các trung tâm Anh ngữ tại Đà Lạt để mời các giáo viên người nước ngoài đến dạy tại lớp đang theo chương trình tiếng Anh 10 năm của trường nhằm nâng cao kỹ năng nghe nói cho học sinh. 
 
Nhờ cách làm này, theo cô Khuyên, học sinh trong trường đã tự tin hẳn lên, trong giao tiếp, nhiều em đã có thể nói chuyện trôi chảy với thầy cô giáo và với giáo viên bản ngữ bằng tiếng Anh trong nhiều chủ đề, năng lực sử dụng tiếng Anh được cải thiện đáng kể.
 
Theo đánh giá của Ban Giám hiệu trường, hầu hết học sinh tham gia chương trình tiếng Anh 10 năm của trường đến cuối năm học 12 đều đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi đánh giá năng lực đầu ra do Bộ Giáo dục tổ chức. Trong năm học 2015 - 2016 vừa qua, đã có 25 học sinh theo chương trình 10 năm của trường đậu chứng chỉ B1 - B2 Cambridge quốc tế.
 
Theo cô Khuyên, vẫn còn có không ít những khó khăn cho các lớp ngoại ngữ theo chương trình 10 năm hiện nay tại trường. Trước nhất, do thời lượng tiếng Anh mỗi tuần dành cho học sinh vẫn còn ít vì các em phải dành thời gian hoàn tất các môn học khác theo qui định nên chưa có nhiều thời gian luyện tập nâng cao các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe - nói. Cùng đó, kinh phí dành cho chương trình mời giáo viên bản ngữ còn hạn chế nên chưa tăng được nhiều giờ rèn luyện nói - nghe hơn cho học sinh. 
 
“Chúng tôi đặt mục tiêu cho tất cả các học sinh tham gia chương trình khi tốt nghiệp bậc THPT đều có thể sử dụng tốt 4 kỹ năng nói - đọc - nghe - viết tiếng Anh, sử dụng được khả năng ngoại ngữ trang bị trong trường để phục vụ cho việc học tiếp lên bậc cao hơn lẫn cho nghề nghiệp của mình sau này” - cô Khuyên khẳng định.
 
VIẾT TRỌNG