Di Linh tiếp tục đầu tư phát triển vùng DTTS

09:03, 29/03/2017

Di Linh là địa phương có số lượng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đông nhất tỉnh Lâm Đồng. Toàn huyện hiện có 28 DTTS, với trên 60.000 người, chiếm hơn 36% dân số toàn huyện; trong đó, đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên chiếm phần lớn...

Di Linh là địa phương có số lượng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đông nhất tỉnh Lâm Đồng. Toàn huyện hiện có 28 DTTS, với trên 60.000 người, chiếm hơn 36% dân số toàn huyện; trong đó, đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên chiếm phần lớn. Thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã thường xuyên quan tâm đến việc chăm lo phát triển toàn diện vùng DTTS; đặc biệt là đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bồi dưỡng nguồn nhân lực... Tuy vậy, toàn huyện hiện còn 2 xã và 13 thôn DTTS thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
 
Bà con DTTS trong huyện được hỗ trợ phân bón để phát triển sản xuất. Ảnh: X.Long
Bà con DTTS trong huyện được hỗ trợ phân bón để phát triển sản xuất. Ảnh: X.Long
Theo bà Lâm Thị Phước Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh: Trong những năm vừa qua, huyện Di Linh đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo được quan tâm củng cố và phát huy. Công tác giảm nghèo trong vùng DTTS tiếp tục được quan tâm. Mặt bằng dân trí và mức sống xã hội được nâng dần. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được phát huy. Giáo dục, đào tạo luôn được quan tâm đầu tư phát triển. Cơ sở vật chất trường lớp được bố trí hợp lý theo phân bố dân cư. Công tác khám, chữa bệnh trong vùng DTTS được quan tâm thực hiện. Hàng năm, bà con DTTS nghèo, cận nghèo và vùng khó khăn được cấp trên 25.000 thẻ bảo hiểm y tế. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn ổn định. Vai trò, trách nhiệm của các già làng, trưởng bản, người có uy tín được nâng cao; luôn gương mẫu đi đầu trong việc nhắc nhở, vận động bà con trong buôn làng, dòng tộc nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng và không tin, không nghe, không làm theo sự xúi giục của các thế lực thù địch…
 
Trong giai đoạn 2010 - 2015, bằng các chương trình và dự án đầu tư, huyện đã tổ chức được trên 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và nhiều cuộc hội thảo đầu bờ cho đông đảo bà con các DTTS tham dự. Toàn huyện đã giao khoán 37.270 ha rừng cho 1.479 hộ DTTS sống gần rừng quản lý, bảo vệ... Huyện đã xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc và gia cầm...; thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất (mua phân bón, máy móc thiết bị nông nghiệp) cho 2.757 hộ với trên 5 tỷ đồng; hỗ trợ 207 con bò, trị giá trên 1,6 tỷ đồng; trợ cước vận chuyển 440 tấn phân hóa học, 864 tấn bắp; hỗ trợ 246 máy nông nghiệp phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 11 tỷ đồng; thực hiện các chính sách hỗ trợ làm nhà ở với kinh phí trên 18 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí làm 1.050 giếng đào, 13 giếng khoan mới, nâng cấp 8 giếng khoan, mở rộng nâng cấp 2 hệ thống nước tự chảy và xây 50 bể chứa nước, với kinh phí 7,73 tỷ đồng...
 
Riêng trong năm 2016, theo Phòng Dân tộc, huyện Di Linh đã tiếp tục triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ trong vùng DTTS. Trong đó, Chương trình 135 đã đầu tư trên 6,6 tỷ đồng để triển khai Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Các dự án này đã được đầu tư tại 2 xã ĐBKK Sơn Điền, Gia Bắc và 13 thôn ĐBKK (tại các xã Đinh Lạc, Tân Lâm, Bảo Thuận) để thực hiện 15 hạng mục, công trình đường giao thông nông thôn trong khu dân cư và khu vực sản xuất (gồm 7 công trình chuyển tiếp, 8 công trình mới); hỗ trợ phân bón, nông cụ và con giống để phát triển sản xuất; hỗ trợ cấp nước sinh hoạt và hỗ trợ bố trí dân cư. Thực hiện việc trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên (theo Quyết định số 62 của UBND tỉnh Lâm Đồng), toàn huyện có 937 em được trợ cấp khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín; chính sách giải quyết cho vay theo Quyết định 54 /2012/QĐ - TTg và thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp cho 1.124 hộ nghèo theo Quyết định 102/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Thực hiện chính sách xã hội, trong năm 2016, huyện Di Linh đã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề tổ chức 4 lớp đào tạo nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, đan len, may mặc... cho hơn 100 học viên là lao động nông thôn; bình xét và lập hồ sơ 30 hộ nghèo để đề nghị Vietinbank Chi nhánh Bảo Lộc hỗ trợ làm nhà ở; xây dựng và triển khai các dự án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
 
Nhờ được sự quan tâm nói trên, đời sống của đồng bào trong vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm và hiện còn 14,43% (theo tiêu chí mới).
 
XUÂN LONG