Kỷ vật vô giá của người lính già

08:03, 20/03/2017

95 tuổi, là người duy nhất còn sống trong số 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam; mặc dù không còn minh mẫn nhưng người lính già Tô Đình Cắm còn nhớ như in những kỷ vật, kỷ niệm về quãng đời hoạt động của mình, những kỷ niệm về người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, anh Văn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

95 tuổi, là người duy nhất còn sống trong số 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam; mặc dù không còn minh mẫn nhưng người lính già Tô Đình Cắm còn nhớ như in những kỷ vật, kỷ niệm về quãng đời hoạt động của mình, những kỷ niệm về người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, anh Văn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến thăm ông vào những ngày giữa tháng 3/2017, tôi đã được nghe ông kể về chiếc áo khoác - kỷ vật mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng ông.
 
Ông Tô Đình Cắm với chiếc áo khoác kỷ niệm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng. Ảnh: Đ. Huy
Ông Tô Đình Cắm với chiếc áo khoác kỷ niệm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng. Ảnh: Đ. Huy
Chiếc áo khoác đơn giản nhưng là vật vô giá đối với ông, bởi nó là món quà mà người anh cả của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh Văn, đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ông vào năm 1997.
 
Tên thật của ông là Tô Văn Cắm, nhưng có lẽ những cái tên Tô Đình Cắm, Tô Tiến Lực, Tô Đình Lực gắn bó với ông nhiều nhất, bởi đó là những cái tên do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho ông từ những ngày đầu ông theo cách mạng. Nói về chiếc áo khoác, ông Cắm nghẹn ngào: “Cái này không mặc đâu, để làm kỷ niệm. Lâu lắm mới được gặp nhau, đó là năm 1997, anh Văn tặng cái áo này làm kỷ niệm”.
 
Là người dân tộc Tày, sinh năm 1922 tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, từ khi 13, 14 tuổi ông Tô Đình Cắm đã tham gia các tổ chức Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc. Sau này, ông được ông Nông Văn Lạc - là cánh tay phải của Đại tướng Võ Nguyên Giáp giác ngộ, đưa vào hàng ngũ 34 chiến sỹ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo năm 1944 thì ông Cắm càng có nhiều cơ hội được gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi biết ông Cắm tham gia cộng sản, bọn tay sai của Pháp ở Tam Kim đã treo giá “săn đầu” ông với giá 300 kg muối. Kể về những ngày hoạt động gian khổ ông như vui hơn: “Khổ lắm, phải luồn lách trong rừng nhưng được đồng bào giúp đỡ nên đều vượt qua”.
 
Chia tay với quân ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ bởi vết thương quá nặng khi tham gia Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950, năm 1991, người lính già cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng vào sinh sống tại thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh.
 
Tuổi đã cao, sức đã yếu, giờ đây người lính già Tô Đình Cắm vui vầy với con cháu. Nhiều đoàn thể, tổ chức của địa phương cũng thường xuyên đến thăm ông. Ông bảo “Còn nhớ ông, đến thăm, trò chuyện là vui lắm rồi”. 
 
Những ngày tháng 3 này, tháng của những hoạt động Đoàn Thanh niên kể về câu chuyện chiếc áo khoác của người lính già Tô Đình Cắm để thấy được một thời hào hùng và oanh liệt của một thế hệ trẻ xả thân vì đất nước.
 
ĐỨC HUY