Lâm Đồng: Hiệu quả trong công tác quản lý lễ hội

08:03, 30/03/2017

Lâm Đồng là tỉnh miền núi có 43 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có khoảng 24% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên có kho tàng lễ hội khá phong phú. 

Lâm Đồng là tỉnh miền núi có 43 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có khoảng 24% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên có kho tàng lễ hội khá phong phú. 
 
Ở Lâm Đồng hiện có 3 loại hình lễ hội chính: Lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo và lễ hội hiện đại. Lễ hội dân gian được tổ chức không nhiều với quy mô nhỏ và chỉ trong phạm vi một tổ chức hoặc một vài tộc người ở thôn, buôn như: Lễ hội Rằm tháng Giêng tại thác Pongour huyện Đức Trọng, lễ Pơthi của người Chu Ru và người K’Ho ở K’Long, huyện Đức Trọng, lễ Nhô Wer của cộng đồng K’Ho Srê ở Di Linh… Lễ hội hiện đại do cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức định kỳ và có quy mô cấp tỉnh như: Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Cồng chiêng, Festival Hoa Đà Lạt…
 
Lễ hội cồng chiêng là một nét đặc sắc của Lâm Đồng. Ảnh: N.Ngà
Lễ hội cồng chiêng là một nét đặc sắc của Lâm Đồng. Ảnh: N.Ngà
Nỗ lực giữ vững giá trị lễ hội
 
Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lâm Đồng, những năm qua, để quản lý chặt chẽ hoạt động của lễ hội, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động lễ hội; Sở đã phối, kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương để triển khai, tổ chức các lễ hội cũng như thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
 
Theo số liệu thống kê của Ban Tuyên giáo Trung ương, cả nước hiện nay có hơn 8.000 lễ hội. Trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian, hơn 300 lễ hội lịch sử, hơn 500 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài… Địa phương có nhiều lễ hội nhất là Hà Nội với 1.095 lễ hội, địa phương ít nhất là Lai Châu với 17 lễ hội.

Để nâng cao nhận thức cho mọi người dân về lễ hội và nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách đại đoàn kết dân tộc, tự do tín ngưỡng về tôn giáo dân tộc; trong năm 2016, các cơ quan chức năng đã tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lễ hội; giới thiệu về nguồn gốc, giá trị, nội dung của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh. Thông tin sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS về công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội, giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội nhất là những lễ hội có quy mô lớn, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa để huy động nguồn lực trong tổ chức lễ hội…

 
Theo đánh giá của Phòng Quản lý Văn hóa thuộc Sở VHTT&DL, nhiều năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở Lâm Đồng được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Nhà nước. Đó là kết quả của sự chỉ đạo thống nhất từ cấp ủy đảng đến chính quyền các cấp (bất cứ lễ hội nào cũng thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức lễ hội) để triển khai theo tinh thần thiết thực, hiệu quả, không phô trương, tiết kiệm, an toàn. Cũng do đặc thù lễ hội ở Lâm Đồng không có nhiều lễ hội truyền thống, hay lễ hội tôn giáo quy mô lớn nên tránh được tình trạng hỗn loạn vì… tranh cướp. Các lễ hội dân gian, tôn giáo được tổ chức trang nghiêm, trang trọng, không có hiện tượng đặt tiền lên bàn thờ xin quẻ, xin lộc… hay các biểu hiện mê tín dị đoan.
 
Các lễ hội hiện đại được tổ chức gắn với mục tiêu thu hút và phát triển du lịch cũng được tổ chức thành công và hiệu quả. Lượng khách đến với Lâm Đồng trong mỗi kỳ Festival hoa luôn tăng cao là một minh chứng sống động cho điều đó. 
 
Tuy vậy, qua thực tế khảo sát các lễ hội trên địa bàn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác quản lý, tổ chức một số chương trình lễ hội còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác triển khai thực hiện còn chưa nhịp nhàng, bị động. Một số chương trình trong các lễ hội chưa mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc, vùng… nên chưa thực sự tạo dấu ấn, hiệu ứng xã hội chưa cao. Đó cũng là lý do việc thu hút xã hội hóa trong tổ chức lễ hội cũng có phần bị hạn chế.
 
Các giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội dân gian như giáo dục truyền thống văn hóa, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, củng cố tinh thần đoàn kết của các dân tộc chưa được khai thác thường xuyên. Một số lễ hội dân gian còn được phục dựng mang nặng tính sân khấu hóa. Người dân đến với lễ hội chủ yếu để xem chứ chưa thực sự tham gia vào các hoạt động của lễ hội, bởi vậy chưa phát huy được vai trò là chủ nhân của lễ hội.
 
Các lễ hội hiện đại được tổ chức gắn với mục tiêu thu hút và phát triển du lịch. Trong ảnh: Festival Hoa Đà Lạt 2015. Ảnh: P.Nhân
Các lễ hội hiện đại được tổ chức gắn với mục tiêu thu hút và phát triển
du lịch. Trong ảnh: Festival Hoa Đà Lạt 2015. Ảnh: P.Nhân
Tiếp tục thắt chặt quản lý lễ hội
 
Sau khi Bộ VHTT&DL ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản về việc này với các chỉ đạo cụ thể. Trong đó có nội dung yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường quản lý công tác tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với các lễ hội đã được cấp phép nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời điều chỉnh nội dung tổ chức phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Không tổ chức nghi thức “Đâm trâu” trong các lễ hội truyền thống của địa phương. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành kinh doanh văn hóa phẩm trái phép cũng như thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. 
 
Các lễ hội được tổ chức hiệu quả là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đồng thời giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần quảng bá và thúc đẩy ngành du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng nói chung.
 
NGỌC NGÀ