Một người say mê sưu tầm di sản văn hóa vật thể đồng bào dân tộc thiểu số

09:03, 02/03/2017

Theo chân chủ nhân ngôi nhà 18 Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, TP Đà Lạt từ tầng trệt lên lầu 3, chúng tôi choáng ngợp trước một di sản văn hóa vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc, đến miền Trung, Tây Nguyên "đồ sộ" mà chủ nhân này say mê sưu tầm trong gần 15 năm qua. Chủ nhân ngôi nhà này là anh Ngô Quang Vũ (1962).

Theo chân chủ nhân ngôi nhà 18 Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, TP Đà Lạt từ tầng trệt lên lầu 3, chúng tôi choáng ngợp trước một di sản văn hóa vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ các tỉnh miền núi phía Bắc, đến miền Trung, Tây Nguyên “đồ sộ” mà chủ nhân này say mê sưu tầm trong gần 15 năm qua. Chủ nhân ngôi nhà này là anh Ngô Quang Vũ (1962).
 
Anh Ngô Quang Vũ với các di sản văn hóa vật thể đồng bào DTTS do anh sưu tầm. Ảnh: H.V.M
Anh Ngô Quang Vũ với các di sản văn hóa vật thể đồng bào DTTS do anh sưu tầm. Ảnh: H.V.M

Anh Vũ không phải là cán bộ văn hóa, cũng không phải là nghệ nhân, nhưng lại là người say mê và mong muốn góp phần bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào DTTS nước nhà. Do vậy, trong quá trình công tác trong ngành điện lực Lâm Đồng, có điều kiện đi dây đi đó trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (nói riêng), cả nước (nói chung), thậm chí thông qua bạn bè gần xa, anh “say mê” tìm hiểu, sưu tầm các di sản văn hóa vật thể của đồng bào DTTS. Anh Vũ kể: “Vì “cái máu” say mê sưu tầm mà lâu nay anh luôn “cháy túi”, vì thấy được di sản nào độc đáo, mang tính nghệ thuật cao là quyết tâm mua cho bằng được. Buổi đầu vợ cũng không vui, nhưng khi thấy chồng say mê sưu tầm quá cũng dần cảm thông, rồi “đam mê” theo chồng từ thủa nào chẳng nhớ. Thế nên, đến nay “gia tài” di sản văn hóa vật thể của đồng bào DTTS của anh chị có thể được xếp vào hàng “đại gia” trong giới những người sưu tầm. Anh Vũ vừa thống kê, vừa dẫn chúng tôi đi giới thiệu những di sản văn hóa vật thể của đồng bào DTTS rất đa dạng, phong phú của anh.
 
Về các di sản văn hóa vật thể đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, có các dụng cụ phục vụ sinh hoạt văn hóa, săn bắt, trồng trọt, sinh hoạt, lễ hội như bộ cồng chiêng của người K’Ho, Mạ, Chu Ru, Ê Đê; lao đâm trâu; tù và; kèn; sáo; đàn; kèn sừng trâu; nhạc cụ gõ; nhạc cụ trống; các dụng cụ mây tre như gùi; sành đất nung như chóe rượu cần, lu đựng ước, các đồ trang sức phụ nữ... Đối với đồng bào Chăm có các di sản dao, kiếm, các loại nhạc cụ đá, trúc, tre, các tượng đá, các nữ thần, tượng các vũ nữ Chăm, lin ga, doni Chăm... Đối với đồng bào các dân tộc phía Bắc là các dụng cụ săn bắt, trồng trọt, các dụng cụ bằng đá, mây tre, trang sức xà tích... Các di sản văn hóa vật thể của đồng bào các DTTS thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của các DTTS, các tập tục, tín ngưỡng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang dấu ấn sâu đậm về đời sống vật chất, tinh thần của các sắc tộc ngàn đời nay. 
 

Đặc biệt, trong bộ sưu tập của anh Vũ còn có trên 1.000 tấm ảnh lưu lại các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng, tôn giáo, các lễ hội, các hoạt động sản xuất, vui chơi, giải trí của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Trong đó có những tấm ảnh được thực hiện ngay khi bác sĩ Yersin mới tìm ra Đà Lạt.
 
Ngoài ra, anh Ngô Quang Vũ còn sở hữu các tác phẩm đá nghệ thuật. Nhưng điều ghi nhận hơn, chính là sự say mê tìm hiểu văn hóa các DTTS thông qua các di sản văn hóa vật thể, các tấm ảnh còn lưu lại của các du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học, các nghệ nhân, các người đam mê sưu tầm khi họ tìm đến ngôi nhà 18 Nguyễn Văn Trỗi để thỏa lòng đam mê nghiên cứu.
 
Điều đáng tiếc theo anh Vũ cho biết, là ngôi nhà của anh không đủ diện tích, vị trí để tạo dựng một không gian triển lãm đúng nghĩa. Vì vậy, hiện nay, anh đang tìm kiếm một mặt bằng rộng hơn, ở vị trí thuận lợi để tổ chức thành điểm trưng bày hấp dẫn, thu hút khách tham quan và giới nghiên cứu văn hóa, dân tộc đến những người gần xa trong - ngoài nước. Hy vọng, một ngày không xa, mong muốn của anh Ngô Quang Vũ sẽ trở thành hiện thực!
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ