Những cây phượng tím đầu tiên của Đà Lạt

11:03, 08/03/2017

(LĐ online) - Mùa xuân, Đà Lạt rực rỡ màu hoa mai anh đào và phượng tím, hai loại cây hoa thân mộc phổ biến được thành phố trồng làm cây cảnh dọc theo các con đường dọc ngang Đà Lạt, tạo nên nét duyên dáng đặc trưng của thành phố hoa mỗi độ xuân về. Có nhiều bài viết đã giới thiệu nguồn gốc hai cây hoa này nhưng đối với cây phượng tím, những người sống lâu năm ở Đà Lạt vẫn còn phân vân.

(LĐ online) - Mùa xuân, Đà Lạt rực rỡ màu hoa mai anh đào và phượng tím, hai loại cây hoa thân mộc phổ biến được thành phố trồng làm cây cảnh dọc theo các con đường dọc ngang Đà Lạt, tạo nên nét duyên dáng đặc trưng của thành phố hoa mỗi độ xuân về. Có nhiều bài viết đã giới thiệu nguồn gốc hai cây hoa này nhưng đối với cây phượng tím, những người sống lâu năm ở Đà Lạt vẫn còn phân vân.
 
Trước khi nhân giống vô tính thành công và cây phượng tím được trồng trên các trục đường chính của thành phố vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Đà Lạt chỉ có 3 cây phượng tím: Một cây trên dải công viên vào chợ mới. Một cây trước nhà hàng Thủy Ta. Một cây ở vườn Bích Câu. Thành phố Đà Lạt có nhiều loại hoa, nhất là mai anh đào, đào, mimoza… những cây phượng tím ít được người dân chú ý. Đó là những cây phượng tím do kỹ sư Lương Văn Sáu mang giống từ Pháp về, gieo ươm và trồng thực nghiệm. (Kỹ sư Lương Văn Sáu, quê quán Tịnh Biên, Châu Đốc, An Giang, tốt nghiệp trường Canh nông Versailles, Pháp, Hội viên Hội Hoa hồng nước Pháp. Ông từng phụ trách trại ươm giống hoa, trại ươm giống rau và trưởng ty nông vụ tỉnh Tuyên Đức thời Ngô Đình Diệm).
 
Cây phượng tím trước chợ Đà Lạt phát triển tốt, hai nhánh xèo tán phủ một vòng diện tích khá lớn. Trước đây, hai bên đường vào chợ là hai dải công viên, mỗi kỳ phượng tím nở hoa, người dân Đà Lạt và du khách có dịp thưởng lãm vẻ đẹp của loại hoa mới trong khi cây hoa bên Thủy Tạ và ở vườn Bích Câu ít người biết đến. Hai dải công viên trên đường vào chợ dần dần bị các công trình xây dựng lấn chiếm, chắn tầm nhìn của người ngắm hoa. Hiện nay, các cửa hàng bán buôn bao hết chung quanh, cây phượng tím có nguy cơ bị xóa sổ nếu không có những biện pháp can thiệp, bảo quản.
 
Cây phượng trồng ở vườn hoa trước nhà hàng Thủy Tạ (Theo ông Nguyễn Hữu Tranh cho biết ông Lương Văn Sáu đặt tên là vườn Tao Đàn) và cả cây phượng tím ở vườn Bích Câu (tên vườn hoa thành phố trước năm 1975) có nhiều thông tin dễ gây nhầm lẫn. Hiện nay, theo các tài liệu công bố thì hai cây này được cố Kỹ sư Lương Văn Sáu chiết cành từ cây trước chợ đem trồng từ năm 1994. Nhưng theo những người sống lâu năm ở Đà Lạt thì từ trước năm 1975 họ đã thấy có 2 cây này. 
 
Cây trước nhà hàng Thủy Tạ chỉ lên thân một, cây bị đổ trong trận bão hơn mười năm trước đây, được nhân viên công ty cây xanh cưa dọn sạch tán, chỉ giữ lại gốc và dựng chống lên. Bây giờ cây đã phát tán và cho hoa. Nhìn tán cây còn nhỏ nhiều người dễ tin đây là cây mới trồng.  
 
Cây phượng tím ở vườn Bích Câu thì nay vẫn còn nhưng ít người chú ý, trong khi các tài liệu công bố thì cho là đã chết. Vườn Bích Câu là vườn hoa của Thành phố Đà Lạt trước năm 1975 (vị trí khác với vườn hoa thành phố bây giờ). Thời đó có người gọi là vườn Bích Câu, có người gọi là vườn hoa Đà Lạt. Cố kỹ sư Lương Văn Sáu trồng cây phượng tím thứ 3 ở vườn Bích Câu, nhiều tài liệu công bố là vườn hoa thành  phố Đà Lạt làm nhiều người hiểu lầm là vườn hoa Đà Lạt hiện nay. Thời gian kỹ sư Lương Văn Sáu trồng cây phượng tím thứ 3 ở vườn Bích Câu thì vị trí vườn hoa bây giờ chỉ là trại ươm giống hoa do ông phụ trách.Vườn Bích Câu và trại ươm giống hoa cách nhau một con đường nhựa. Vườn hoa thành phố Đà Lạt hiện nay xây dựng trên đất trại ươm giống hoa cũ. Khi có vườn hoa Đà Lạt mới, vườn Bích Câu ngày càng hoang phế. Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng đã cải tạo vườn Bích Câu thành vườn cảnh của hội. Cây phượng tím ở vườn Bích Câu, trước đây có 3 nhánh tỏa rộng. Đất ở đây chắc không phù hợp (ứ sình, nước) nên cây phát triển kém. Bây giờ một nhánh đã chết, cây chỉ còn 2 nhánh, Hội Sinh vật cảnh vẫn chăm sóc nhưng cây không phát triển, có nguy cơ chết.
 
Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tranh, nhà Đà Lat học uy tín, là bạn thân của cố kỹ sư Lương Văn Sáu, người biết rất rõ những công trình của người bạn đã cống hiến cho Đà Lạt, nhất là việc di thực thành công nhiều giống hoa quí hiếm về Đà Lạt, ông cũng ngạc nhiên về những thông tin về những cây cây phượng tím gây giống đầu tiên và những chi tiết trong tiểu sử của người bạn mình. Người dân thành phố hoa tri ân những con người làm đẹp thành phố đang cần những tiếng nói đúng đăn hơn về những thành tựu tôn vinh vẻ đẹp xứ ngàn hoa.
 
Mỗi độ xuân về, phượng tím cùng mai anh đào bừng nở điểm tô hương sắc làm đẹp thành phố, tạo vẻ duyên dáng đặc trưng cho thành phố hoa miền đất lạnh. Thiết nghĩ những cây đầu dòng của chúng cần được trân trọng bảo quản như một chứng tích lịch sử của Đà Lạt. Mấy năm trước, khi thành phố mở con đường đi bộ từ cầu Ông Đạo lên đường Hồ Tùng Mậu, đã phá bỏ một cây mai anh đào cổ thụ được trồng trong đợt thử nghiệm đầu tiên vào những năm thập niên 30 thế kỷ trước. Người dân Đà Lạt đã tỏ thái độ không đồng tình. Bây giờ đối với những cây phượng tím đầu dòng, nếu để mất đi người dân thành phố nói riêng, và cả nước nói chung, chắc còn nhiều tiếc rẻ hơn.  
 
NGUYÊN VŨ