Quản lý, bảo vệ rừng - nhìn từ Bảo Lâm

09:03, 16/03/2017

Mấy năm gần đây, nhất là năm 2016, huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương "nóng" của Lâm Đồng về chuyện phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Điển hình như vụ phá rừng ở khu vực Thủy điện Đồng Nai 5 xảy ra vào tháng 7/2016… 

Mấy năm gần đây, nhất là năm 2016, huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương “nóng” của Lâm Đồng về chuyện phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Điển hình như vụ phá rừng ở khu vực Thủy điện Đồng Nai 5 xảy ra vào tháng 7/2016… Nhằm khắc phục vấn đề này, huyện Bảo Lâm đã đề ra các giải pháp phải bảo vệ cho bằng được diện tích rừng hiện có, duy trì độ che phủ rừng 53%; kiên quyết đấu tranh, xử lý kiên quyết, kịp thời các vụ vi phạm lâm luật và giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng. Tăng cường công tác tuần tra, truy quét để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR), nhất là các hành vi phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm, số diện tích, số lâm sản thiệt hại so với năm 2016; không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn. Gắn công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), phát triển diện tích rừng với chăm lo, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm áp lực vào rừng; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 
 
Rừng thông trồng mới ở Bảo Lâm. Ảnh: Nguyên Thi
Rừng thông trồng mới ở Bảo Lâm. Ảnh: Nguyên Thi
Thực trạng và nguyên nhân hạn chế
 
Trước thực trạng vi phạm Luật BVPTR gia tăng, Bảo Lâm đã có nhiều nỗ lực trong công tác QLBVR. Theo UBND huyện Bảo Lâm: Năm 2016, huyện đã ban hành 180 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác QLBVR; giải quyết nhiều vụ nổi cộm về QLBVR; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng. Huyện giải tỏa trên 121 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép của những năm trước đây do các đơn vị chủ rừng, nhất là các chủ rừng ngoài quốc doanh quản lý yếu kém. Trong năm, phá rừng trái pháp luật giảm 8 vụ, diện tích thiệt hại giảm gần 28 ha (riêng phá rừng do ken cây đổ hóa chất giảm 6 vụ). Tình hình khai thác lâm sản trái phép tăng số vụ nhưng lâm sản thiệt hại giảm trên 11 m3. Việc mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép giảm 29 vụ, lâm sản thiệt hại giảm 63,54 m3 gỗ so với năm 2015. Đồng thời, công tác trồng rừng, trồng cây phân tán cũng được quan tâm. Toàn huyện trồng trên 383 ha rừng, 100.430 cây phân tán; điều tra, trấn áp, triệt phá nhiều băng nhóm phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ. 
 
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác QLBVR ở huyện Bảo Lâm vẫn còn hạn chế, yếu kém. Đó là: Tình trạng vi phạm Luật BVPTR tại lâm phần của một số chủ rừng, nhất là đơn vị chủ rừng ngoài quốc doanh vẫn diễn ra do buông lỏng quản lý, không bố trí đủ lực lượng, năng lực và điều kiện để làm nhiệm vụ QLBVR. Có tình trạng sang nhượng đất trái phép, tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp, chủ rừng. Công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp của UBND các xã, thị trấn có rừng còn hạn chế, một số vụ việc không phát hiện kịp thời.
 
Về nguyên nhân khách quan, trước hết là tình trạng dân di cư tự do lớn, dân số cơ học tăng nhanh; nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nhu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh… ngày càng cao, từ đó gây áp lực lên diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực rừng là đúng, song có nhiều doanh nghiệp không thực hiện theo giấy phép kinh doanh, năng lực quản lý yếu kém để xảy ra phá rừng. Bên cạnh đó, diện tích rừng, đất rừng của Bảo Lâm giáp ranh với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh, các huyện giáp ranh với Bảo Lâm (Đắk Glấp, Đắk Glong - Đắk Nông) diện tích rừng còn lại rất ít nên “lâm tặc” đổ xô về địa bàn Bảo Lâm phá rừng, khai thác lâm sản trái phép với hình thức ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Đối tượng này có vũ khí “nóng”, sẵn sàng chống đối quyết liệt với lực lượng thi hành công vụ, trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở (Ban Lâm nghiệp, kiểm lâm địa bàn) rất mỏng, cơ cấu tổ chức, chế độ đãi ngộ, trang bị chưa phù hợp với tình hình thực tế.  
 
Cùng với nguyên nhân khách quan, công tác QLBVR còn bất cập bởi các nguyên nhân chủ quan. Thể hiện: Cấp ủy, chính quyền một số xã có rừng chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Công tác quản lý điều hành của một số xã còn yếu, không nắm chắc tình hình, chưa huy động hệ thống chính trị cấp xã thực hiện nhiệm vụ QL, BVR. Các đơn vị chủ rừng ngoài quốc doanh năng lực tài chính yếu, chậm triển khai dự án theo giấy phép đầu tư, lực lượng QLBVR hầu như không có. Đa phần các dự án giao, cho thuê rừng không có trụ sở làm việc tại địa phương, không có trạm chốt bảo vệ rừng, không chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm dẫn đến rừng bị phá, không phát hiện ngăn chặn kịp thời. Công tác điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm hiệu quả chưa cao, số lượng vụ việc không phát hiện được đối tượng còn nhiều. Ban Lâm nghiệp xã tuy đã kiện toàn song hoạt động chưa hiệu quả, ngại va chạm, chưa tham mưu tốt cho chính quyền sở tại. Lực lượng kiểm lâm nhất là kiểm lâm địa bàn chưa thực hiện hết vai trò trách nhiệm, có lúc còn chủ quan trong công tác QLBVR. Điều cần khắc phục nữa là, công tác tuyên truyền và vận động, thuyết phục trong các tầng lớp nhân dân của các xã, thị trấn; các phòng, ban, đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao, còn sa vào hình thức. 
 
Rừng thông trên đường vào vùng sâu huyện Bảo Lâm. Ảnh: Bùi Trưởng
Rừng thông trên đường vào vùng sâu huyện Bảo Lâm. Ảnh: Bùi Trưởng
Những biện pháp quyết liệt
 
Nhằm khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong công tác QLBVR, huyện Bảo Lâm xác định phải tiếp tục thực hiện nghiêm và có hiệu quả Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 30-CT/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác QLBV và PTR giai đoạn 2015 - 2020. Trên cơ sở đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Trong công tác lãnh đạo, điều hành luôn đặt nhiệm vụ BVPTR là của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện, nhằm chặn đứng tình trạng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất rừng, khai thác rừng trái phép. Phối hợp với các ban, ngành chức năng của huyện tuyên truyền, vận động cộng đồng (thôn, buôn) nhận khoán, QLBVR, trồng rừng hưởng lợi hằng năm. Vận động nhân dân tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống, không nghe theo kẻ xúi giục để phá rừng làm rẫy, gây mất an ninh - trật tự. Đưa tiêu chí QLBVR để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 
 
Để giữ rừng phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nhất là trách nhiệm của Đảng ủy, UBND xã, thị trấn; Hạt Kiểm lâm, Ban Lâm nghiệp. Chủ tịch UBND xã, đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện khi để xảy ra phá rừng, cháy rừng ở địa phương.  
 
Bảo Lâm cũng đang triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm pháp luật về đất đai. Chỉ đạo thống kê toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép xây dựng phương án xử lý, giải quyết cụ thể, kiên quyết phục hồi lại diện tích rừng bị lấn chiếm. Huy động lực lượng trên địa bàn ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; điều tra, triệt phá các đối tượng cầm đầu, hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái pháp luật; xử lý nghiêm và kiên quyết những phần tử tiếp tay, bao che hoặc kích động, lôi kéo chống người thi hành công vụ. Cùng với tổ chức thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Bảo Lâm sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của nhà nước về giao khoán QLBVR, bố trí đất sản xuất cho nhân dân, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo chương trình 30a/CP, 135… Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống, hạn chế tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, các dự án phi chính phủ đầu tư cho lĩnh vực BV, PTR. Hằng năm, ngân sách huyện bố trí một phần kinh phí hợp lý cho công tác trồng rừng, trồng cây phân tán trên diện tích được giải tỏa hoặc diện tích đất trống, đồi trọc…     
 
ĐAN THANH