Rừng và đất rừng Tây Nguyên đang bị tranh chấp

08:03, 20/03/2017

Trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, hiện đang có gần 282.896 ha rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp đang bị tranh chấp, chiếm 8,43% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp. Đó là kết quả rà soát hiện trạng rừng mới đây của Bộ NN&PTNT công bố. 

Trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, hiện đang có gần 282.896 ha rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp đang bị tranh chấp, chiếm 8,43% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp. Đó là kết quả rà soát hiện trạng rừng mới đây của Bộ NN&PTNT công bố. 
 
Rừng và đất rừng trong tình trạng bị xâm lấn (ảnh chụp tại rừng phòng hộ Đa Nhim, ngày 4/3/2017). Ảnh: M.Đạo
Rừng và đất rừng trong tình trạng bị xâm lấn (ảnh chụp tại rừng phòng hộ Đa Nhim, ngày 4/3/2017). Ảnh: M.Đạo
Các tổ chức quản lý chủ yếu
 
Ở Tây Nguyên, diện tích rừng và đất rừng hiện nay vẫn chủ yếu giao cho các tổ chức quản lý. Cụ thể, tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao quản lý, sử dụng là 2.945.687 ha, chiếm 87,82% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Trong đó, các Ban Quản lý rừng (BQLR) phòng hộ, BQLR đặc dụng quản lý 1.231.914 ha; các tổ chức quản lý, bảo vệ 1.240.196 ha; các hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ 75.770 ha; cộng đồng thôn, buôn quản lý 29.926 ha và UBND các xã quản lý 367.881 ha.
 
Tuy nhiên, do việc thực hiện công tác giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng (BVR) ở Tây Nguyên trong thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế, nên diện tích rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp hiện đang bị tranh chấp lên đến 282.896 ha, chiếm 8,43% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp. Trong đó, tranh chấp trong diện tích đất đã giao quyền sử dụng đất là 197.365 ha, chiếm 70%; tranh chấp thuộc diện tích chưa giao quyền sử dụng đất là 85.261 ha, chiếm 30%. Diện tích đất đang tranh chấp tập trung chủ yếu tại các BQLR phòng hộ với 56.456 ha; các doanh nghiệp nhà nước là 51.750 ha; rừng do UBND các xã quản lý là 164.920 ha và diện tích rừng thuộc các chủ rừng khác quản lý…
 
Bộ NN&PTNT đã giao cho Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức thiết lập dữ liệu tài nguyên rừng quốc gia; hướng dẫn các địa phương, tổ chức cập nhật diễn biến rừng; kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân liên quan cập nhật, theo dõi diễn biến rừng hàng năm. Với UBND các tỉnh, thành phố, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị giao UBND cấp huyện, cấp xã, chủ rừng thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBVPTR) theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó, sử dụng kết quả kiểm kê rừng làm cơ sở để khởi tạo dữ liệu ban đầu và cập nhật diễn biến rừng hàng năm. Đồng thời, các tỉnh, thành cần tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, trong đó tập trung rà soát diện tích rừng ngoài quy hoạch ba loại rừng. Và làm rõ nguyên nhân, xem xét các tổ chức, cá nhân liên quan đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2015. 
 
Những chỉ đạo của Thủ tướng
 
Cũng từ kết quả điều tra kiểm kê được Bộ NN&PTNT công bố cuối tháng 7/2016: tổng diện tích tự nhiên của 5 tỉnh Tây Nguyên là 5.464.377 ha; diện tích có rừng là 2.561.969 ha. Tỉ lệ độ che phủ rừng đứng đầu là tỉnh Kon Tum với 62,3%; kế đến là Lâm Đồng với 53,1%; Gia Lai 40,3%; Đắk Lắk 39,2% và Đắk Nông 39,1%.
 
Tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016, Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên tập trung triển khai và có giải pháp phù hợp phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch BV&PTR được giao. Theo đó, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt ba giải pháp trọng yếu: Thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ tự nhiên và nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên; Không chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai; Không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp. Đồng thời, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các dự án trồng rừng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp từ năm 2006 đến nay, đề xuất giải pháp phù hợp. Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng quy định. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi. Bên cạnh đó, tăng cường và đẩy mạnh các biện pháp giảm nghèo, đảm bảo cuộc sống của người dân sống trong và gần rừng ổn định; tăng cường các biện pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm, thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở không bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch.
 
Lâm Đồng quyết tâm giảm 20% số vụ vi phạm luật
 
Với tỉnh Lâm Đồng, ngoài Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác QLBV&PTR, quản lý lâm sản” được coi là chỉ đạo toàn diện và đầy đủ nhất trong lĩnh vực QLBV&PTR trên địa bàn. Gần đây, sau khi có báo cáo và đề xuất của Ban chỉ đạo về kế hoạch BV&PTR tỉnh, ngày 23/1/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp tục có Văn bản số 470/UBND-LN về việc tiếp tục tăng cường công tác QLBV&PTR, quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh. Văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND huyện, thành phố; các đơn vị chủ rừng trên địa bàn “tập trung thực hiện quyết liệt, đầy đủ, có hiệu quả” các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 6055/UBND-LN ngày 3/10/2016 về việc tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30 nêu trên và Thông báo số 02/TB-UBND ngày 3/1/2017 kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tại Hội nghị tổng kết công tác QLBVR, PCCCR; trồng rừng, trồng cây phân tán 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017...
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan và địa phương “thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện công tác QLBVR hàng tháng”. 
 
Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập biên bản 1.471 vụ vi phạm Luật BV&PTR; giảm 406 vụ (bằng 21,6%) và diện tích giảm 472.744 m 2 (27,4%) so cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, so với mùa khô 2014-2015, đã tăng 1 vụ và diện tích cháy tăng 37,56 ha. Đặc biệt, cháy rừng tự nhiên tăng lên 16 vụ, diện tích cháy tăng 29,78 ha và cháy rừng trồng tuy số vụ không tăng nhưng cũng tăng diện tích cháy đến 43,78 ha. Còn trong tháng 2/2017, trên địa bàn toàn tỉnh, tuy số vụ vi phạm giảm 27 vụ (28,4%), tuy nhiên, diện tích phá rừng lại tăng lên 10.720 m 2, bằng 16,2% so với cùng kì năm 2016…
 
Trao đổi với Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, Phó Chi cục Võ Danh Tuyên cho biết, đơn vị đã tham mưu cho các cấp nhiều văn bản và kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác QLBV&PTR hiệu quả hơn nữa. Riêng trong ngành đã và đang triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017. Mục đích là “Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, chương trình, dự án về quản lý, BVR, PCCCR; phấn đấu năm 2017 giảm 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR so với năm 2016”, ông Tuyên nói. 
 
MINH ĐẠO