"Sân chơi" của nữ nhà giáo

08:03, 03/03/2017

Được Sở GDĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng tổ chức 5 năm/lần, hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" là một "sân chơi" mang tính nghề nghiệp dành riêng cho nữ nhà giáo. Ở đó, các cô giáo đã thể hiện được vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn cũng như phẩm chất, năng lực của nữ nhà giáo trong giai đoạn đổi mới.

Được Sở GDĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng tổ chức 5 năm/lần, hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” là một “sân chơi” mang tính nghề nghiệp dành riêng cho nữ nhà giáo. Ở đó, các cô giáo đã thể hiện được vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn cũng như phẩm chất, năng lực của nữ nhà giáo trong giai đoạn đổi mới.
 
Các cô giáo duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: T.Hương
Các cô giáo duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: T.Hương
Là 1 trong 4 gương mặt đại diện cho nữ nhà giáo ngành Giáo dục Bảo Lâm xuất sắc sau vòng thi cấp huyện và được chọn tham dự hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” cấp tỉnh năm 2017, cô giáo Ka Huyền - Trường Mầm non Ánh Dương chọn cho mình bộ áo dài với những họa tiết dân tộc độc đáo. “Là một trong số ít nữ giáo viên người DTTS tham gia hội thi này, em thấy đây là một sân chơi rất bổ ích, trải qua những phần thi đã giúp em tự tin hơn và học hỏi được nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào quá trình giảng dạy của mình”, cô Ka Huyền chia sẻ.
 
Các cô giáo đã thể hiện được vẻ đẹp và sự duyên dáng trong phần thi trình diễn áo dài truyền thống và trang phục tự chọn. Rời bục giảng, các cô “vào vai” những người mẫu trên “sàn catwalk” dưới ánh đèn lung linh. Những tà áo dài quen thuộc hàng ngày vẫn mặc đến lớp, các cô đã đem đến hội thi bộ sưu tập với đầy đủ sắc màu xuân - hạ - thu - đông mang đậm phong cách vùng miền. Có những bộ áo dài được thiết kế công phu theo nhiều chủ đề khác nhau như biển đảo quê hương hay hoa sen - quốc hoa của Việt Nam, có bộ áo dài trên nền đỏ thắm hiện lên sắc vàng hình chữ S nổi bật... Trong những tà áo dài, các cô giáo thướt tha duyên dáng đã tôn lên được vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam. Trong trang phục tự chọn, các cô cũng khéo léo lựa cho mình những “bộ cánh” lộng lẫy tô điểm cho “vườn hoa” thêm rực rỡ. 
 
Tham gia cuộc thi, mỗi cô giáo đều đem theo “hành trang” dự thi của mình một tài lẻ. Cô thì uyển chuyển trong điệu múa dân gian, cô thì ngọt ngào trong lời ca tiếng hát, cô lại hát kết hợp vẽ phác họa, có cô ngâm thơ, có cô kể những câu chuyện xúc động lòng người, có cô thể hiện sự khéo léo qua những bình hoa... Đặc biệt, phần thi năng khiếu của hội thi lần này một số cô giáo biểu diễn những loại hình độc đáo như ảo thuật, vũ kịch, chèo... tạo nên một sân khấu sinh động, hấp dẫn.
 
Nhưng các phần thi công phu này chỉ chiếm 50% số điểm, 50% còn lại dành cho phần thi chuyên môn và xử lý tình huống sư phạm. Đây là một “sân chơi” mang tính nghề nghiệp nên các cô giáo đã đầu tư khá nhiều vào phần thi này. Nhiều đề tài có tính thực tiễn cao với những giải pháp mới, được đúc rút trong quá trình thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học theo Nghị quyết 29 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” như: “Một số giải pháp giúp học sinh yêu thích, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử” của cô giáo Triệu Thị Thơ - Trường PT DTNT Đức Trọng, giải pháp hữu ích “Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh THPT thông qua công tác chủ nhiệm lớp” của cô giáo Đặng Như Quỳnh - Trường THPT Gia Viễn (Cát Tiên) hay “Ứng dụng CNTT vào một số trò chơi học tập môn Toán lớp 1” của cô giáo Phan Thị Hoàng Oanh - Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Lạc Dương), “Đổi mới phương pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ trong trường mầm non” của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình - Trường Mầm non Liêng Srônh (Đam Rông)... 
 
Được Ban giám khảo đánh giá cao qua các phần thi, đặc biệt là phần thi chuyên môn với đề tài “Tích hợp giáo dục giới tính - giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên trong dạy học sinh học 11 tại Trường THPT Lộc Thanh”, cô giáo Lê Tuyết Sương - Trường THPT Lộc Thanh (Bảo Lộc) đã thể hiện được sự tự tin, sáng tạo trong cách trình bày. Chưa hết xúc động khi đoạt giải nhất hội thi, cô tâm sự: “Tôi rất vui khi được xướng tên đoạt giải nhất, đây thực sự là sân chơi để nữ giáo viên chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu. Tôi đã được học hỏi rất nhiều qua hội thi để từ đó phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người” của mình”.
 
“Qua 6 lần tổ chức thì năm nay hội thi có chất lượng tốt nhất, đa số các thí sinh đều có sự chuẩn bị công phu. Đây là hoạt động mang tính ngành nghề, là sân chơi để các nữ nhà giáo nâng cao chuyên môn cũng như tiếp cận công nghệ, qua đó, đổi mới phương pháp dạy học. Đồng thời, các cô giáo đã thể hiện được sự duyên dáng không những trên bục giảng mà còn tài năng, khéo léo trong đời sống hàng ngày, là phẩm chất những người phụ nữ Việt Nam hiện đại”, bà Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng cho biết. 
 
TUẤN HƯƠNG