Tây Nguyên đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

08:03, 14/03/2017

Đến cuối năm 2016, tổng cộng có 126 xã, chiếm khoảng 21% tổng số xã của 5 tỉnh Tây Nguyên đã về đích nông thôn mới.

Đến cuối năm 2016, tổng cộng có 126 xã, chiếm khoảng 21% tổng số xã của 5 tỉnh Tây Nguyên đã về đích nông thôn mới.
 
Lâm Đồng đang dẫn đầu Tây Nguyên về số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) với 58 xã trong tổng số 117 xã trong tỉnh; kế đến là Gia Lai với 30 xã; Đắk Lắk với 20 xã, Kon Tum với 13 xã và thấp nhất trong các tỉnh Tây Nguyên là Đắk Nông với 5 xã. 
 
Chỉ tính trong năm 2016, toàn vùng đã có thêm 49 xã đạt chuẩn NTM trong đó Lâm Đồng có thêm 18 xã, Đắk Lắk thêm 13 xã, Gia Lai đạt thêm 9 xã, Kon Tum đạt thêm 5 xã và Đắk Nông có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM.
 
Người dân Tà Nung - xã vùng ven Đà Lạt đang tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: V.Trọng
Người dân Tà Nung - xã vùng ven Đà Lạt đang tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: V.Trọng
Gia Lai: Không huy động quá sức dân
 
Là tỉnh đứng thứ nhì khu vực Tây Nguyên với 30 xã đạt chuẩn NTM, những năm qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được Gia Lai triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ. UBND tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương đã làm tốt việc huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi bộ mặt nông thôn trong tỉnh một cách rõ rệt. 
 
Chỉ tính trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, Gia Lai đã huy động trên 18 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư hơn 3,9 nghìn tỷ đồng và vốn huy động đạt hơn 14,2 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn này, Gia Lai đã có 21 xã đạt 19 tiêu chí; 24 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 68 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 70 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong năm 2016 vừa qua, Gia Lai tiếp tục có thêm 9 xã về đích. 
 
Theo giao ước thi đua năm 2017, 5 tỉnh Tây Nguyên phấn đấu đến cuối năm 2017, toàn vùng Tây Nguyên có 170 xã đạt chuẩn NTM cùng 2-3 huyện đạt chuẩn được công nhận huyện NTM.

Chủ trương của Gia Lai trong xây dựng NTM là không huy động quá sức dân, không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, người dân trên địa bàn đã phát huy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, tích cực đóng góp công sức, ngày công lao động, hiến đất, cùng đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 
Gia Lai đang đưa ra mục tiêu trong 4 năm tới - đến năm 2020, sẽ nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 80 xã, chiếm trên 43% tổng số xã của tỉnh này, trong đó 4 địa phương trong tỉnh là thành phố Pleiku, 2 thị xã An Khê và Ayun Pa cùng huyện Đak Pơ phấn đấu hoàn thành việc xây dựng NTM. 
 
Để đạt được điều này, Gia Lai có kế hoạch huy động trên 15,3 nghìn tỷ đồng, trong đó một nửa đến từ ngân sách nhà nước, phần còn lại sẽ được huy động từ các nguồn khác nhau như vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn đóng góp của cộng đồng. 
 
Cùng đó, tỉnh này cũng lên kế hoạch phát triển 7 xã vùng biên giới giáp với Campuchia tại các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông. Đó là những xã nghèo, đa số đồng bào dân tộc, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Để giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng NTM, Gia Lai sẽ chi khoảng 900 tỷ đồng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo vệ an ninh biên giới, đưa nơi đây vươn lên. 
 
Đắk Lắk: Tiến độ chậm 
 
Là thủ phủ của Tây Nguyên với vùng chuyên canh cà phê lớn nhất nước cùng rất nhiều loại nông sản có giá trị nên Đắk Lắk có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Tuy nhiên, những năm gần đây, tỉnh này đã đối mặt với nhiều khó khăn, thu ngân sách nhiều năm không đạt kế hoạch đề ra, nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, thu hút vốn đầu tư trên địa bàn chưa nhiều, tiến độ xây dựng NTM còn chậm.
 
Trong năm 2016, Đắk Lắk có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn trong tỉnh hiện nay lên 20 xã, chiếm khoảng 13% số xã hiện có. Tiến độ xây dựng NTM như trên vẫn chưa đạt theo kế hoạch của tỉnh này đề ra trước đó. (Theo kế hoạch, đến cuối 2016, Đắk Lắk phải có 15% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM, tương ứng với 23 xã).
 
Trong xây dựng NTM, Đắk Lắk cho biết đến nay đã huy động khá tốt sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là nâng cao được vai trò chủ thể của người dân. Trong năm 2016, tỉnh này đã huy động cộng đồng dân cư sửa chữa trên 15 km đường liên xã, làm mới 86 km đường bê tông, 80 km đường cấp phối trục thôn, làm mới và sửa chữa 270 km đường liên thôn, kiên cố hóa 21 km kênh mương, xây dựng 2 công trình đập dâng, nâng cấp 5 trạm bơm, làm 4 nhà văn hóa xã, xây 42 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, 2 chợ xã, 4 sân thể thao xã, xây mới 6 trường mẫu giáo cùng nhiều công trình dân sinh khác...
 
Tính tổng cộng trong năm 2016 người dân Đắk Lắk đã đóng góp trên 80 tỷ đồng, doanh nghiệp góp hơn 30 tỷ đồng cho các công trình dân sinh. Điển hình như huyện Krông Pắc huy động gần 12 tỷ đồng, trên 3.500 ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; thành phố Buôn Mê Thuột cấp hỗ trợ trên 3500 tấn xi măng cho các xã làm 24,7 km đường giao thông nông thôn.
 
Trong 4 năm đến, Đắk Lắk đang đưa ra mục tiêu khoảng 40% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM; từ 2-3 huyện đạt chuẩn NTM cấp huyện. Trong số các xã còn lại ít nhất có 35 xã đạt từ 15-18 tiêu chí trở lên, không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí.
 
Đẩy nhanh tiến độ 
 
Cùng với Đắk Lắk, 2 tỉnh Kon Tum và Đắk Nông cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh mình.
 
Với Kon Tum, tỉnh này đang đưa ra kế hoạch mỗi xã trong tỉnh mỗi năm trong thời gian đến phải đạt thêm ít nhất từ 1-2 tiêu chí, đồng thời tập trung đầu tư vào các xã có điều kiện và khả năng để các xã này đạt chuẩn trước; phấn đấu đến 2020 có thêm 25 xã nữa đạt chuẩn NTM.
 
Riêng Đắk Nông sẽ phấn đấu trong năm 2017 có thêm 6 xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM.
 
VIẾT TRỌNG

Theo giao ước thi đua năm 2017, 5 tỉnh Tây Nguyên phấn đấu đến cuối năm 2017, toàn vùng Tây Nguyên có 170 xã đạt chuẩn NTM cùng 2-3 huyện đạt chuẩn được công nhận huyện NTM.