Thi đua yêu nước từ những việc làm nhỏ nhất

08:03, 07/03/2017

Một cặp vợ chồng hiến cả ngàn mét vuông đất để làm đường giao thông, một lão nông dám bứt phá sản xuất rau giống dù mọi người xung quanh vẫn trồng rau thương phẩm, nhiều hộ nông dân biết hợp sức lại thành lập tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất…, tất cả đã góp phần tạo nên một phong trào thi đua yêu nước thiết thực từ những việc làm nhỏ nhất, sát với thực tế cuộc sống. 

Một cặp vợ chồng hiến cả ngàn mét vuông đất để làm đường giao thông, một lão nông dám bứt phá sản xuất rau giống dù mọi người xung quanh vẫn trồng rau thương phẩm, nhiều hộ nông dân biết hợp sức lại thành lập tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất…, tất cả đã góp phần tạo nên một phong trào thi đua yêu nước thiết thực từ những việc làm nhỏ nhất, sát với thực tế cuộc sống. 
 
Vườn sản xuất rau giống của ông Nguyễn Văn Dực tại phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc). Ảnh: Đ.Anh
Vườn sản xuất rau giống của ông Nguyễn Văn Dực tại phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc). Ảnh: Đ.Anh
Sinh ra và lớn lên tại huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng), do cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên năm 2000, ông Nguyễn Văn Dực cùng với vợ con vào phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) lập nghiệp. Ban đầu, cũng như những người dân di cư tới đây trước, ông Dực bắt tay vào trồng rau màu để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, nhận thấy vùng rau của Bảo Lộc ngày càng mở rộng trong khi nguồn cung ứng rau giống lại chủ yếu được lấy từ nơi khác về hoặc bà con tự gieo ươm bằng hạt, ông Dực đã trăn trở muốn tạo một vườn rau giống tại chỗ.
 
Một lần, được Phòng Kinh tế và Trung tâm Nông nghiệp TP Bảo Lộc đưa đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau tại Đức Trọng, Đà Lạt, khi về, ông đã “nuôi mộng” xây dựng vườn ươm rau giống trên giá thể giống như nông dân Đà Lạt đã làm. Khi đang lo lắng về nguồn đầu tư thì ông nhận được sự hỗ trợ từ phía UBND TP Bảo Lộc, thế là ông mạnh dạn vay thêm vốn để làm 2.000 m2 nhà kính với đầy đủ thiết bị, máy móc với kinh phí 600 triệu đồng (nhà nước hỗ trợ 120 triệu đồng). Hàng năm, vườn ươm của ông Dực sản xuất khoảng 300.000 rau giống các loại. Đặc biệt, vườn rau giống của ông là nơi cung ứng giống rau chính cho Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn phường Lộc Sơn.
 
“Từ khi có vườn rau của tôi, người dân nơi đây đã dần thay đổi tập quán sản xuất rau từ gieo ươm hạt sang trồng bằng cây giống ươm sẵn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cây rau của chúng tôi đã trở thành hàng hóa không chỉ tại khu vực TP Bảo Lộc và các vùng xung quanh mà còn có mặt ở các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Bản thân tôi đã từng trải qua giai đoạn gian khó nên thường xuyên giúp đỡ những hộ khó khăn bằng cách cho mua thiếu rau giống về trồng, đến khi thu hoạch thì mới trả tiền với giá thấp hơn giá tôi bán ra thị trường. Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật với bà con lối xóm, nhờ đó mà tình đoàn kết gắn bó hơn với ước mong cùng làm giàu trên quê hương thứ hai” - ông Dực chia sẻ. 
 
Việc cần làm trong thời gian tới là cần đặt thêm một cụm thi đua trong khối doanh nghiệp.
 
Cùng xuất phát điểm khó khăn, chị Hồ Thị Tuyến lại chọn con đường lập nghiệp bằng cách trồng đa cây. Năm 1991, chị Tuyến lập gia đình và cùng chồng về phường I (TP Bảo Lộc) sinh sống. Cuộc sống vất vả khi cả gia đình chỉ sống dựa vào nguồn thu từ việc buôn bán nhỏ. Được sự hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất của Hội Nông dân, chị Tuyến cùng chồng đã mạnh dạn trồng xen sầu riêng với một số loại cây ăn trái khác. Để lấy ngắn nuôi dài, chị đã trồng thêm khoai mì, nuôi gia cầm dưới tán cây ăn trái. Đến nay, qua thời gian tích lũy, gia đình chị Tuyến đã có 6 ha trồng cà phê, sầu riêng và cây ăn trái với thu nhập bình quân hàng năm là 1,2 tỷ đồng. Gia đình chị cũng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động và khoảng 20 lao động thời vụ.
 
Chị Tuyến cho biết: Trong quá trình sản xuất, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và thương lái ép giá. Do đó, để xây dựng được một mô hình mang tính bền vững thì phải biết quan tâm đến môi trường xung quanh, phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, không ngại gian khổ mà luôn phải nêu cao tình thần dám nghĩ dám làm”. 
 
 Còn rất nhiều những gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước được kể đến, như: Bà Tạ Thị Loan (xã Đại Lào), ông Nguyễn Văn Lập (xã Đam Bri), ông Trịnh Văn Sỹ (xã Lộc Thanh)... Cùng với các cá nhân thì phong trào thi đua yêu nước ở Bảo Lộc còn ghi nhận nhiều tập thể điển hình. Đó là: Liên đoàn Lao động TP Bảo Lộc, cán bộ và nhân dân phường II, phường Lộc Tiến, Ban chỉ huy Quân sự TP Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc... và một số tổ hợp tác. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Phụng, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, năm nào TP Bảo Lộc cũng phát động và triển khai phong trào thi đua yêu nước nhưng còn khép kín trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan nhà nước và gần đây là mở rộng ra một số hội với phong trào nông dân sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ, làm thế nào để phong trào thi đua yêu nước trở thành phong trào toàn dân. Đặc biệt, Bảo Lộc đang trên đường trở thành đô thị loại II trước năm 2020, là một đô thị chức năng của khu vực Nam Lâm Đồng. Thế nhưng, “hình bóng” của công nghiệp và dịch vụ trong phong trào thi đua yêu nước lại hoàn toàn không có. Trong khi đó, có rất nhiều doanh nghiệp có đóng góp lớn cho TP Bảo Lộc về giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm... Do đó, việc cần làm trong thời gian tới là cần đặt thêm một cụm thi đua trong khối doanh nghiệp.
 
Để phong trào thi đua yêu nước thực sự đi vào chiều sâu thì ngoài việc phát động rộng rãi cần phải có nội dung và lộ trình phù hợp với từng cơ quan, đơn vị. Hội đồng thi đua thành phố xây dựng và bổ sung các nội dung thi đua, rà soát và đặt ra mục tiêu thi đua cụ thể cho từng đơn vị phấn đấu. 
 
ĐÔNG ANH