Thực hiện đồng bộ, toàn diện, quyết liệt để lập lại trật tự, an toàn giao thông

08:03, 30/03/2017

Năm 2017 là Năm An toàn giao thông (ATGT) có chủ đề "Xây dựng văn minh giao thông trong thanh, thiếu niên" với tinh thần "Tính mạng con người là trên hết". Để hạn chế tai nạn GT và chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia GT trên địa bàn, Thường trực Tỉnh ủy có Công văn 1434-CV/TU, ngày 23/3/2017 đề ra một số nhiệm vụ yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các ban của Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban ATGT tỉnh sớm triển khai thực hiện.   

Năm 2017 là Năm An toàn giao thông (ATGT) có chủ đề “Xây dựng văn minh giao thông trong thanh, thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”. Để hạn chế tai nạn GT và chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia GT trên địa bàn, Thường trực Tỉnh ủy có Công văn 1434-CV/TU, ngày 23/3/2017 đề ra một số nhiệm vụ yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các ban của Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban ATGT tỉnh sớm triển khai thực hiện.   
 
Trong 5 năm qua, Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch bảo đảm trật tự, ATGT, do vậy tai nạn GT giảm trên 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm nay, tình hình ATGT có nhiều diễn biến phức tạp, toàn tỉnh xảy ra 46 vụ TNGT (tăng 5 vụ so với cùng kỳ), làm 41 người chết (tăng 15 người so với cùng kỳ), 24 người bị thương (giảm 4 người). Trong đó có những vụ tai nạn GT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tình hình vi phạm ATGT xảy ra nhiều; hoạt động xe chở hàng quá tải diễn biến phức tạp… Mới đây nhất vào sáng 27/7, hai xe khách giường nằm của nhà xe Phương Trang và Thành Bưởi đụng độ nhau tại QL 20 (thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh). Sau khi va chạm, xe Thành Bưởi tiếp tục chạy vào sân nhà dân và tông vào em bé 14 tuổi đang đi bộ. Hậu quả của vụ tai nạn làm em bé và một nữ hành khách bị chết, 2 nhà dân và hai xe đều bị hư hỏng nặng… Trong các nguyên nhân còn có việc một số cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng chưa thực sự vào cuộc trong công tác bảo đảm TTATGT. 
 
Khắc phục tình trạng trên, Công văn 1434-CV/TU yêu cầu trước hết, phải nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm trật tự, ATGT. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần thực hiện đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải là người gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định bảo đảm trật tự, ATGT cũng như quy định trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm trong thực thi công vụ. Yêu cầu quan trọng nữa là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, biện pháp phòng tránh tai nạn GT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT”; gắn việc xây dựng “Văn hóa giao thông” vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, đi đôi với phê phán các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật về trật tự, ATGT. Phát huy tốt vai trò cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT, xây dựng văn hóa GT. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong công tác giáo dục học sinh chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT; xây dựng văn hóa GT cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, cần tích cực huy động các nguồn đầu tư thực hiện các quy hoạch về GT; rà soát, thay thế, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ, hệ thống bảo đảm ATGT; nghiên cứu, tổ chức GT, phân luồng khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng GT. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn các tiêu cực trong công tác đăng kiểm, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát trọng tải xe; yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải tăng cường năng lực vận tải nhất là chất lượng phương tiện và người điều khiển để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của nhân dân. Tiếp theo, phải tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục các biện pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn GT. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tăng cường tuần tra lưu động; xây dựng phương án bố trí lực lượng ứng trực trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là bố trí đầy đủ lực lượng tuần tra kiểm soát trên các tuyến quốc lộ có tỷ lệ tai nạn GT cao; tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo đảm ATGT, nhất là các hành vi có tần suất vi phạm cao và phổ biến. 
 
Cùng với các nhiệm vụ trên, các cấp ủy, chính quyền và các ngành hữu quan phải tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò trách nhiệm của Ban ATGT các cấp; tăng cường nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo, chỉ huy; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực đối với lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, ATGT, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, những cán bộ dung túng, bao che, bảo kê cho lái xe, chủ xe vi phạm luật về trật tự, ATGT.
 
ĐAN THANH