Thực trạng tài nguyên nước ở Lâm Đồng

09:03, 23/03/2017

Lâm Đồng nằm trong khu vực có lượng mưa lớn, địa hình núi có độ dốc lớn, chia cắt mạnh nên mạng lưới sông, suối khá phong phú. Tuy nhiên, trong một thời gian dài chưa chú trọng đến quản lý và bảo vệ cũng như quy hoạch sử dụng tài nguyên nước (TNN) nên dẫn đến những biểu hiện suy thoái TNN cả về số lượng lẫn chất lượng. 

Lâm Đồng nằm trong khu vực có lượng mưa lớn, địa hình núi có độ dốc lớn, chia cắt mạnh nên mạng lưới sông, suối khá phong phú. Tuy nhiên, trong một thời gian dài chưa chú trọng đến quản lý và bảo vệ cũng như quy hoạch sử dụng tài nguyên nước (TNN) nên dẫn đến những biểu hiện suy thoái TNN cả về số lượng lẫn chất lượng. 
 
Chất lượng và số lượng của tài nguyên nước phụ thuộc vào việc bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp. Ảnh: M.Đ
Chất lượng và số lượng của tài nguyên nước phụ thuộc vào việc bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp.
Ảnh: M.Đ
 
Chất lượng nước suy giảm
 
Toàn tỉnh hiện có khoảng 60 sông, suối có chiều dài trên 10 km; mật độ sông suối 0,18 - 1,1 km/km2. Có 7 hệ thống sông chính: Cam Ly, Đa Nhim, Đạ Huoai, Đa Dâng, Đồng Nai, La Ngà và Krông Nô. Hệ thống hồ tương đối dày đặc, phần lớn là các hồ nước nhân tạo. Theo số liệu tại Dự án Điều tra, đánh giá TNN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2016, toàn tỉnh có 212 hồ chứa, 5 liên hồ chứa, 22 hồ chứa thủy điện và gần 1.000 km kênh, mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Hiện trạng khai thác, sử dụng TNN như sau: Đối với sinh hoạt đô thị, kết hợp cho sản xuất công nghiệp chủ yếu là nguồn nước mặt với tổng công suất khai thác 64.510 m 3/ng.đ; trong đó khai thác từ nước ngầm 16.160 m 3/ng.đ; khai thác từ nước mặt là 48.350 m 3/ng.đ. Đối với nông thôn, khai thác sử dụng nước mặt với 62 công trình cấp nước tự chảy và 2.313 công trình cấp nước phân tán; 16.246 hộ sử dụng nước từ sông, suối, nước máy. Khai thác sử dụng nước dưới đất 242 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó 173 giếng khoan và 159.774 công trình cấp nước phân tán. Đối với nông nghiệp, tính đến năm 2014, từ nguồn nước mặt và nước dưới đất ước tính khoảng 605 triệu m 3/năm. Lĩnh vực du lịch sinh thái, khai thác với 201 cơ sở. Với thủy điện, khai thác sử dụng 18 công trình thủy điện lớn lấy từ nước mặt với lưu lượng máy phát điện khoảng 1.108 m 3/s.  
 
Tình hình cấp phép khai thác, sử dụng và xả thải vào nguồn nước: Lâm Đồng đã cấp phép khoảng 178 công trình khai thác, sử dụng TNN và xả thải vào nguồn nước. Trong đó, 169 công trình khai thác sử dụng TNN và 9 công trình xả thải vào nguồn nước; 14 giấy phép hành nghề khoan giếng. Tổng lượng khai thác đã được cấp phép là 54.439 m 3/ngày đêm; trong đó, nước dưới đất khoảng 5.121 m 3/ngày đêm và nước mặt khoảng 49.318 m 3/ngày đêm. Tổng lượng xả thải lớn nhất vào khoảng 2.111 m 3/ngày đêm. 
 
Hiện tại đã có nhiều thông số vượt, thậm chí vượt nhiều lần QCVN quy định. Với các sông, một số thông số gây ô nhiễm đáng quan tâm như TSS, coliform, COD, N-NH4+ nhóm các chất ô nhiễm hữu cơ và thông số Fe tổng. Dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất nông nghiệp và hoạt động khai khoáng. Do đó, cần có những chiến lược, biện pháp quản lý, xử lý các chất thải tại các khu vực này một cách hiệu quả, nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực đối với môi trường. Ở các hồ, nhìn chung đã bị ô nhiễm bởi các thông số hóa, lý, vi sinh và diễn biến trong các năm từ 2010 đến năm 2014 theo hướng tăng dần. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do chịu tác động bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp, các hoạt động sinh hoạt của người dân sống xung quanh khu vực các hồ và chất thải đô thị. 
 
Lượng mưa tại Lâm Đồng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Có những vùng mưa rất lớn như Bảo Lộc, Di Linh, nhưng có vùng mưa rất ít. Lượng mưa trong mùa mưa chiếm tới 85-90% tổng lượng mưa năm, có năm mưa lớn, mưa liên tục. Mùa khô, lượng mưa chỉ chiếm 10-15% tổng lượng mưa năm, có những năm 2-3 tháng liền không mưa hoặc mưa không đáng kể. Vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến các mục đích dân sinh cũng như phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Qua khảo sát, vấn đề cạn kiệt của sông suối, ao hồ trên địa bàn tỉnh vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa hết sức nổi cộm. Đặc biệt, tài nguyên rừng đã ảnh hưởng đến TNN rất trầm trọng. Rừng là tuyến phòng hộ lưu vực, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, duy trì tính ổn định và màu mỡ của đất, điều hòa khí hậu, độ ẩm và giữ nước, cản bớt nước chảy bề mặt. Rừng là nguyên nhân chính để giảm bớt lũ lụt, hạn hán, bảo tồn nguồn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, điều tiết sinh thủy cho hệ thống sông lớn và tăng cường trữ lượng của nguồn nước ngầm. Việc giảm diện tích rừng đầu nguồn ảnh hưởng đến TNN rất rõ; nhất là 3 huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) phải chịu lũ lụt thường xuyên ở cường độ cao; hiện tượng rửa trôi, xói mòn ngày càng gia tăng ở ven các sông lớn...
 
Nước dưới đất là một hợp phần quan trọng của TNN. Hiện, trữ lượng nước dưới đất trong tỉnh cung cấp một lượng không nhỏ trên tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho toàn tỉnh. Do vậy, ô nhiễm nước dưới đất có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống của con người. Nguyên nhân ô nhiễm sinh học cho môi trường nước chủ yếu là phân rác, nước thải sinh hoạt, xác chết sinh vật, nước thải các bệnh viện v.v… Nước còn bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. 
 
Nhu cầu nước ngày một tăng cao
 
Trước hết, đó là gia tăng nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho dân sinh và du lịch, tiếp đến là gia tăng nhu cầu dùng nước cho phát triển một số ngành công nghiệp. Theo quy hoạch sử dụng đất đến 2020, đất cho phát triển khu/cụm công nghiệp tăng 3 lần so với 2010; tăng 1,5 lần so với 2015. Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đến 2020, một số ngành công nghiệp được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển và sẽ sử dụng nước khá nhiều như: sản xuất alumin, chế biến nông sản, thực phẩm (cà phê ướt, rau, củ…), chế biến khoáng sản (kaolin…), công nghiệp nhẹ (dệt, may, thủ công mỹ nghệ mây tre đan…), phát triển thủy điện bậc thang. Các lĩnh vực này đòi hỏi cần dùng rất nhiều nước và thải ra một lượng nước thải khoảng 50 - 80% nhu cầu dùng nước, cũng là những mối đe dọa tiềm tàng đến ô nhiễm môi trường nước.
 
Bên cạnh đó, còn là sự tác động của hoạt động khai thác khoáng sản. Sự gia tăng tổng lượng nước thải từ nông nghiệp. Trong đó, một số ngành nông nghiệp chủ đạo cần sử dụng nước trên địa bàn tỉnh như: chăn nuôi bò sữa, gia súc, gia cầm, rau, hoa, nuôi trồng thủy sản… Tương quan việc nhu cầu dùng nước là mức độ nước thải, chất thải nông nghiệp tăng lên. Nước thải nông nghiệp tuy có mức độ nguy hại không cao, nhưng lại có khối lượng lớn. Ngoài các chất hữu cơ trong chăn nuôi, nước thải trồng trọt có chứa một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, các chất này về lâu dài sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước nếu không nâng cao kiến thức, nhận thức và ý thức của người nông dân. Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu là thời tiết ngày một nóng lên, hạn hán xảy ra nặng nề đang là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp. Vì vậy, việc tính toán nhu cầu dùng nước và lượng nước thải trong nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn bởi vì nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chủ đạo của tỉnh. 
 
Bảo vệ rừng để giữ nguồn nước 
 
Đã đến lúc, cần có những kế hoạch dự báo căn cơ hơn về chất lượng TNN. Trong đó, đến năm 2020, các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh sẽ đón nhận một lượng chất thải từ nhiều nguồn khác nhau như: công nghiệp, nông nghiệp, khai thác khoáng sản, sinh hoạt,… Do đó nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao. Với nước ngầm, theo dự báo dân số nông thôn vào năm 2020 (với tiêu chuẩn dùng nước là 80 - 100 lít/người.ngày), trong đó nước dưới đất chiếm khoảng 30%. Hiện, nước ngầm tầng nông đang có dấu hiệu bị ô nhiễm vi sinh tại hầu hết các vị trí quan trắc do ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt và chăn nuôi. Dự kiến số lượng vật nuôi sẽ tăng nhanh trong những năm tới, đồng nghĩa với lượng chất thải chăn nuôi sẽ gia tăng. Nếu lượng chất thải này không được thu gom và xử lý theo quy định thì trong tương lai, nguồn nước dưới đất của tỉnh sẽ tiếp tục bị ô nhiễm vi sinh và có thể sẽ càng nghiêm trọng.
 
Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Lương Văn Ngự cho rằng: Lâm Đồng là tỉnh duy nhất có dòng sông Đồng Nai nằm ở thượng nguồn; không bị ảnh hưởng của tỉnh hay quốc gia nào, nhờ đó nguồn nước không bị xâm hại ngoại lai. Vì vậy, không ai giữ gìn nguồn nước này bằng tỉnh Lâm Đồng. Công tác quản lý, bảo vệ là do chính mình, không ai thay thế được. Cũng vì thế, đừng đổ lỗi cho ai, đừng vin cớ vào biến đổi khí hậu mà cho rằng nguồn nước Lâm Đồng bị ô nhiễm. “Chúng ta làm chưa đúng thì chúng ta phải có trách nhiệm điều chỉnh cho đúng. Không có gì bằng phải bảo vệ rừng; cùng đó là tập trung có những giải pháp, biện pháp xử lý nguồn nước thải. Sông của Lâm Đồng đưa lại nguồn nước sạch và an toàn để không chỉ tỉnh Lâm Đồng mà còn cho cả khu vực Đông Nam Bộ thụ hưởng. Mình phải biết trân trọng chính tài nguyên của mình, không ai khác. Chúng tôi cũng đã cảnh báo nhiều lần về nguồn nước tại các hồ trên địa bàn Lâm Đồng đã và đang bị ô nhiễm”, ông Ngự nhấn mạnh.  
 
ĐẠO PHAN