Tiếp động lực cho sinh viên khởi nghiệp

09:03, 29/03/2017

Thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, tiêu biểu là cuộc thi "Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard" thường niên, Trường Đại học Yersin Đà Lạt đã thổi bùng ngọn lửa đam mê khởi nghiệp cho nhiều sinh viên ngay khi đang ngồi trên ghế giảng đường. 

Thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, tiêu biểu là cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard” thường niên, Trường Đại học Yersin Đà Lạt đã thổi bùng ngọn lửa đam mê khởi nghiệp cho nhiều sinh viên ngay khi đang ngồi trên ghế giảng đường. 
 
Thông qua cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh”, Hiếu đã mạnh dạn mở trang trại bò sữa ngày càng phát triển. Trong ảnh: Hiếu (thứ hai từ phải qua) tiếp đoàn chuyên gia nông nghiệp Đức đến tham quan trang trại bò sữa VH. Ảnh: T.Hương
Thông qua cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh”, Hiếu đã mạnh dạn mở trang trại bò sữa ngày càng phát triển. Trong ảnh: Hiếu (thứ hai từ phải qua) tiếp đoàn chuyên gia nông nghiệp Đức đến tham quan
trang trại bò sữa VH. Ảnh: T.Hương
Truyền cảm hứng cho sinh viên
 
Sau 5 kỳ tổ chức, cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard” đã giúp cho 29 dự án của sinh viên được thực hiện và bước đầu đạt được những thành công nhất định. Nói như đại diện Tổ chức L’appel và Tập đoàn Pernod Ricard - nhà tài trợ chính cho cuộc thi: “Khởi nghiệp chính là cơ hội trải nghiệm tốt của nhiều bạn trẻ. Khởi nghiệp trong sinh viên là mảnh đất màu mỡ ươm mầm thành công nếu có điều kiện thuận lợi để các “mầm” này nảy lộc”. 
 
Với giải thưởng mỗi năm từ 250 - 290 triệu đồng, cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard” được Trường Đại học Yersin Đà Lạt tổ chức thường niên là môi trường lý tưởng giúp sinh viên hình thành những ý tưởng khởi nghiệp. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt nhấn mạnh: “Với quyết tâm cao, ý tưởng tốt và dám thử thách chính mình cộng thêm cơ hội cọ xát từ các cuộc thi, chắc chắn các bạn sinh viên sẽ tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp. Điều tiếp thêm động lực cho các em chính là quan điểm thông thoáng hơn của cộng đồng về khởi nghiệp, rằng không có điều gì gọi là thất bại khi khởi nghiệp, quan trọng là sự nỗ lực không ngừng để thực hiện hoài bão đến cùng của mình. Đây cũng là những điều mà Trường Đại học Yersin Đà Lạt truyền cảm hứng cho các sinh viên đang theo học tại trường”. 
 
Hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh
 
Từ những ngày còn là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Yersin Đà Lạt, thay vì như nhiều bạn trẻ khác mong muốn ra trường sẽ xin được một công việc nhà nước ổn định thì Phạm Văn Hiếu lại ấp ủ ước mơ trở thành một doanh nghiệp. Và lĩnh vực kinh doanh Hiếu chọn là bò sữa, đây không phải là mô hình mới ở Tu Tra, Đơn Dương quê em. Bởi vậy, Hiếu đã mày mò nghiên cứu và quyết định sẽ mở một trang trại bò sữa theo hướng mới, điều mà trước đây chưa có người nuôi bò sữa nào làm. Đó là ý tưởng cho bò nghe nhạc để kích thích bò tiết sữa. 
 
Nhưng khó khăn lớn nhất của Hiếu không phải là kinh nghiệm, mà là nguồn vốn. Thế là khi cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh” được Trường Đại học Yersin phát động, Hiếu đã đăng ký tham gia với ý tưởng “Trang trại chăn nuôi bò sữa VH”. Bằng cách thể hiện thuyết phục và tính khả thi cao, dự án của Hiếu đã đoạt giải nhì với số tiền thưởng 90 triệu đồng. Cùng với số tiền thưởng này, Hiếu đã mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư để mở một trang trại nhỏ ngay sau khi vừa ra trường. 
 
Đến nay, trang trại của Hiếu đã có 13 con bò HF thuần chủng và 5 con khác đang khai thác sữa hàng ngày với doanh thu mỗi năm khoảng 350 triệu đồng. Đây chưa phải là số tiền lớn nhưng trang trại của Hiếu đã dần được nhiều người biết đến bởi cách nuôi bò sữa “lạ”. Và chính cái “lạ” này đã giúp cho hiệu quả chăn nuôi cao hơn, đó cũng là lý do trang trại của em được một tổ chức nước ngoài đến tham quan và mời em qua để học hỏi thêm kinh nghiệm với chi phí được bao trọn gói. Điều Hiếu tâm đắc nhất đến lúc này không phải là số tiền kiếm được mà là dám “dấn thân” thông qua cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh”. 
 
Một dự án khác cũng được hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh qua cuộc thi này là “Phát triển cà phê nguyên chất Thái Châu” của cựu sinh viên Trường Đại học Yersin Trương Thị Minh Phương. Thuận lợi của Phương là đã có cơ sở trước đó, cộng với 120 triệu đồng tiền thưởng cho giải nhất, Phương đã đa dạng hóa mặt hàng như trà ô long, ca cao, hạt mắc ca Lâm Đồng, hồng giòn Đà Lạt… Hiện cơ sở của Phương đang là điểm đến của nhiều du khách khi tới Đà Lạt. 
 
Với tư duy khác và sự mạnh dạn thể hiện ý tưởng tại cuộc thi, Hiếu cũng như Phương và nhiều bạn trẻ khác đã dần khẳng định sự lựa chọn con đường tương lai bằng sự khởi nghiệp của mình là đúng đắn.
 
TUẤN HƯƠNG