Đà Lạt đạt 51% độ che phủ rừng vào năm 2020

08:04, 10/04/2017

Hiện, TP Đà Lạt có 26.182 ha đất lâm nghiệp, gồm 20.914 ha rừng phòng hộ và 5.268 ha rừng sản xuất; tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2016 đạt 47,6%. Để đạt độ che phủ 51% vào năm 2020 theo Nghị quyết số 02/NQ-THU của Thành ủy đề ra, Đà Lạt cần thực hiện quyết liệt nhiều kế hoạch và giải pháp, từ quản lý, bảo vệ đến trồng mới rừng ngay năm 2017. 

Hiện, TP Đà Lạt có 26.182 ha đất lâm nghiệp, gồm 20.914 ha rừng phòng hộ và 5.268 ha rừng sản xuất; tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2016 đạt 47,6%. Để đạt độ che phủ 51% vào năm 2020 theo Nghị quyết số 02/NQ-THU của Thành ủy đề ra, Đà Lạt cần thực hiện quyết liệt nhiều kế hoạch và giải pháp, từ quản lý, bảo vệ đến trồng mới rừng ngay năm 2017. 
 
Người dân vi phạm hành vi dựng nhà và san ủi trái phép trên đất lâm nghiệp Phường 7 tháng 6/2016. Ảnh: Minh Đạo
Người dân vi phạm hành vi dựng nhà và san ủi trái phép trên đất lâm nghiệp Phường 7 tháng 6/2016.
Ảnh: Minh Đạo
Phát huy những thành quả của năm 2016
 
TP Đà Lạt có diện tích tự nhiên 39.438,8 ha; trong đó, đất quy hoạch lâm nghiệp 26.182 ha, chiếm 66,57%. Diện tích có rừng hơn 18.767 ha; trong đó, rừng tự nhiên hơn 13.500 ha, rừng trồng hơn 4.000 ha. Rừng TP Đà Lạt vừa là rừng phòng hộ, rừng cảnh quan và giữ vai trò rất quan trọng đối với phát triển ngành kinh tế du lịch tỉnh. 
 
Năm 2016, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBVPTR) của Đà Lạt đã đạt được khá nhiều thành tựu. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật được tiếp tục duy trì. Việc giao khoán QLBVR, trồng và chăm sóc rừng cơ bản thực hiện tốt, trồng cây phân tán đạt và vượt kế hoạch. Đà Lạt cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải tỏa tại các điểm nóng về lấn chiếm, tái lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp (thu hồi được 27,931 ha diện tích đất rừng). TP cũng đã phát hiện lập biên bản 96 vụ vi phạm Luật BV&PTR, giảm 101 vụ so với năm 2015. Trên địa bàn đã xảy ra 137 vụ vi phạm lấn chiếm, hủy hoại, xây dựng nhà trại trái phép trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích 43,971 ha (giảm 64 vụ so với năm 2015). 
 
Mùa khô năm 2015-2016, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của Đà Lạt được tăng cường nên trên địa bàn chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng với diện tích 6,2 ha, giảm 4 vụ và 5,5 ha so với mùa khô 2014-2015, và chỉ là cháy cỏ cây thực bì dưới tán rừng. 
 
Những số liệu trên rất đáng biểu dương và cần tiếp tục được phát huy trong năm 2017, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết QLBVPTR của Thành ủy, giai đoạn 2017-2020. 
 
Để phát huy những mặt làm được, đồng thời, cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để khắc phục. Đó là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa mang lại hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, người dân sống gần rừng, ven rừng chưa thực sự tự nguyện và tích cực tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng là biểu hiện cụ thể. Công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm, cưỡng chế giải tỏa trong lĩnh vực quản lý đất đai vẫn chậm. Tình trạng tái lấn chiếm đất lâm nghiệp sau giải tỏa còn xảy ra trên các địa bàn phường, xã nhưng chậm phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy số vụ và mức độ thiệt hại từ cháy rừng đã giảm như nêu trên, nhưng hầu hết không bắt được đối tượng vi phạm. Vấn đề vai trò, trách nhiệm của chủ rừng vẫn đang là tình trạng chung như nhiều địa bàn trong tỉnh Lâm Đồng. Đó là một số chủ rừng, cán bộ được giao nhiệm vụ còn thiếu trách nhiệm trong QLBV; chưa tích cực tổ chức trồng lại rừng và chưa hiệu quả trong QLBV đối với diện tích đã được giải tỏa...
 
2017 - năm đầu của lộ trình tăng độ che phủ lên 51%
 
Nhiệm vụ đầu tiền là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, và bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, đạt hiệu quả cao; đặc biệt chú trọng các địa bàn dễ xảy ra điểm nóng và trong suốt thời kỳ cao điểm của mùa khô hanh. Cùng đó là thực hiện các nhiệm vụ về QLBVR, bảo vệ đất lâm nghiệp trên địa bàn rốt ráo. Đơn cử như xác định ngay đâu là các trọng điểm, điểm nóng về PCCCR, phá rừng, khai thác rừng... Đẩy mạnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội theo Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 4/3/2009 của UBND tỉnh, Quyết định số 1/QĐ-UBND ngày 16/7/2010 của UBND TP Đà Lạt. Hơn nữa, các cấp ủy và chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả hơn về nội dung chỉ đạo từ các văn bản quan trọng như: Chỉ thị 30/CT-TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Chỉ thị 13/CT-TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và Văn bản 4613/UBND-LN ngày 9/8/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng về triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
 
Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cụ thể trong năm 2017, theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San là: Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, bổ sung, hoàn thiện các quy chế phối hợp, tăng cường kiểm tra, truy quét tại các vùng giáp ranh giữa TP Đà Lạt với các huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và Lạc Dương; chú trọng tại các vùng trọng điểm thường xảy ra vi phạm phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Phường 5, Phường 7 và xã Tà Nung. 
 
“Năm 2017, TP Đà Lạt đặt ra nhiệm vụ ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm tài nguyên rừng, phấn đấu giảm ít nhất 10% mức độ thiệt hại về diện tích rừng bị xâm hại, bị cháy, khối lượng lâm sản bị thiệt hại, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm so với năm trước”. Ông Tôn Thiện San - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết.
 
Những nhiệm vụ khác mà TP Đà Lạt tiếp tục thực hiện trong năm 2017 là: chú trọng tiến độ thực hiện các dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; công tác QLBVPTR của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư... Đối với nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm, UBND TP Đà Lạt đã xác định trọng điểm, điểm nóng thường xảy ra vi phạm trong thời gian tới rất cụ thể để các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương liên quan có trách nhiệm với vai trò của mình. Về chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đó là địa bàn các phường 4, 7, 12 và các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành, Tà Nung. Về khai thác khoáng sản có liên quan đến phá rừng là địa bàn 4 phường: 5, 7, 8 và 12. Về mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép gồm các phường 3, 4, 5, 7 và các xã Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường và Trạm Hành. 
 
Song song công tác QLBVR, năm 2017, TP Đà Lạt cũng đặt ra một số chỉ tiêu kế hoạch cụ thể về PTR. Đó là trồng rừng thay thế, trồng rừng sau giải tỏa 158 ha; trồng cây phân tán 30.000 cây; xúc tiến tái sinh rừng 95,79 ha; chăm sóc rừng trồng đối với năm 2 là 169 ha, năm 3 là 88,83 ha và năm 4 là 110,8 ha. 
 
Với những kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác QLBVPTR năm 2017, hy vọng TP Đà Lạt sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Đây là bàn đạp để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Thành ủy Đà Lạt đặt ra trong giai đoạn 2016-2020: Giữ vững diện tích rừng hiện có; giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu trồng mới, khoanh nuôi tái sinh khoảng 600 ha; trồng 200.000 cây phân tán và đến năm 2020 độ che phủ rừng đạt 51%. Hàng năm giảm ít nhất 10% mức độ thiệt hại về: diện tích rừng bị xâm hại, bị cháy; khối lượng lâm sản và diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm so với năm trước. 
 
MINH ĐẠO