Gặp mặt chiến sỹ đặc công năm xưa

09:04, 12/04/2017

Cách đây đúng 50 năm, ngày 19/3/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Trường Bổ túc Cán bộ Dân tộc Trung ương (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - khu vực I) để xem bộ đội trình diễn kỹ thuật, chiến thuật và công bố thành lập Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của lục quân Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp quản lý, chỉ đạo. 

Cách đây đúng 50 năm, ngày 19/3/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Trường Bổ túc Cán bộ Dân tộc Trung ương (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - khu vực I) để xem bộ đội trình diễn kỹ thuật, chiến thuật và công bố thành lập Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của lục quân Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp quản lý, chỉ đạo. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt, bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng vượt qua, khắc phục cho kỳ được”.
 
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 200c đặc công Quân khu VI - Lâm Đồng chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: T.N
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 200c đặc công Quân khu VI - Lâm Đồng chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: T.N
Lúc bấy giờ binh chủng có 9 tiểu đoàn đặc công, 1 trường bổ túc cán bộ và 3 cơ quan. Phát huy truyền thống đặc công của cha ông qua mấy ngàn năm lịch sử và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cách đánh “công đồn đặc biệt” ở chiến trường Nam Bộ, cách đánh và tổ chức đặc công theo thời gian đã phát triển nhanh chóng, hình thành 3 loại lực lượng: Đặc công bộ, đặc công nước và đặc công biệt động. Bên cạnh đó, còn có lực lượng đặc nhiệm của Quân đội Nhân dân Việt Nam. 
 
Trong chiến tranh Việt Nam, bộ đội đặc công trên các chiến trường đã đánh hàng ngàn trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục ngàn quân đối phương; tiêu diệt và gây thiệt hại hàng trăm cơ sở chỉ huy các cấp; phá hủy và phá hỏng hàng ngàn máy bay các loại, 1.600 pháo, giàn tên lửa, 9.000 xe quân sự; hơn 2,7 triệu tấn bom đạn, 600 triệu lít xăng; đánh chìm, đánh hỏng 400 tàu xuồng chiến đấu… Binh chủng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 104 tập thể, 216 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 16 chữ vàng truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”.
 
Với chiến trường khu VI và Lâm Đồng cũng vinh dự có một tiểu đoàn đặc công duy nhất có mặt trong binh chủng này. Tháng 2 năm 1967, từ tiền thân là Tiểu đoàn 1 Sư đoàn 305, thành Tiểu đoàn 1 thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công. Tháng 2 năm 1968 mang phiên hiệu Đoàn 2004C được lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam. Tháng 7 cùng năm đó (1968), đoàn đến Quân khu VI. Ngày 17 tháng 8 năm 1968, chính thức mang phiên hiệu Tiểu đoàn 200c đặc công Quân khu VI. Là tiểu đoàn cơ động của Quân khu VI đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ trên khắp các chiến trường ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức; tham gia chống phá bình định lập ấp chiến lược, diệt ác phá kiềm cùng các lực lượng chủ lực của Quân khu VI và các địa phương, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu và phá hủy hàng trăm phương tiện chiến tranh như máy bay, xe quân sự, súng pháo các loại. Tiểu đoàn được thưởng 2 Huân chương Quân công, nhiều Huân chương Chiến công và nhiều danh hiệu khác. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công và các danh hiệu dũng sĩ.
 
Sau ngày 30/4/1975, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 200c tiếp tục phối hợp với lực lượng công an, quân đội ở địa phương làm nhiệm vụ truy quét Fulro, làm công tác dân vận, tham gia xây dựng các buôn làng vùng sâu, vùng xa.
 
Do yêu cầu nhiệm vụ mới, năm 1986, Tiểu đoàn 200c đặc công Quân khu VI được giải thể (Đến ngày 22 tháng 2 năm 2010, Tiểu đoàn 200c đặc công Quân khu VI đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), các cán bộ, chiến sĩ vẫn tiếp tục tham gia các lực lượng quân đội, công an ở địa phương, chuyển sang các cơ quan Nhà nước và trở thành những cán bộ chỉ huy, lãnh đạo các cấp cũng như nghỉ hưu trở về địa phương lao động sản xuất, giữ vững phẩm chất của người lính Cụ Hồ.
 
Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Binh chủng Đặc công Việt Nam, tại hội trường Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng, Ban Liên lạc Tiểu đoàn 200c đặc công Quân khu VI - Lâm Đồng đã tổ chức buổi gặp mặt các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu trong tiểu đoàn khắp nơi trong tỉnh về dự. 
 
Tại buổi gặp mặt, các cựu chiến binh, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 200c đặc công Quân khu VI đã tâm sự, ôn lại những kỷ niệm một thời máu lửa, hào hùng nhưng đầy tình nghĩa; được nghe ông Lê Thanh Phong (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng), bà Hoàng Thị Thu Hồng (nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng), ông Nguyễn Đức Phúc (nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 200c), ông Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 200c đặc công); anh Tuất (Lạc Dương), anh Ngân (Đức Trọng) - vốn là những cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 200c đặc công... phát biểu chia sẻ ý kiến về việc xây dựng nguồn quỹ tình nghĩa của ban liên lạc tiểu đoàn để có dịp đi thăm hỏi, động viên nhau những lúc khó khăn, ốm đau, bệnh tật hoặc qua đời.
 
Hình ảnh người lính đặc công vẫn còn sống mãi trong trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 200c như ngày nào.
 
TRỌNG NGHĨA