Nâng cao chất lượng giao thông nông thôn ở Đơn Dương

09:04, 12/04/2017

Những con đường mới trải dài đã và đang tô điểm thêm cho "bức tranh" vùng nông thôn của huyện Đơn Dương những gam màu sáng. Đến nay, toàn huyện đã có 7/8 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn (GTNT) và các công trình đang tiếp tục được duy trì nâng cao chất lượng.

Những con đường mới trải dài đã và đang tô điểm thêm cho “bức tranh” vùng nông thôn của huyện Đơn Dương những gam màu sáng. Đến nay, toàn huyện đã có 7/8 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn (GTNT) và các công trình đang tiếp tục được duy trì nâng cao chất lượng.
 
Khi lòng dân đã thuận
 
Những năm trước, hệ thống giao thông của Đơn Dương rất yếu kém, hạ tầng GTNT phần lớn là đường đất tự nhiên, chỉ có một số tuyến được đổ đất cấp phối, đất đồi nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng. Đơn Dương là một trong những vị trí trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, phương tiện cơ giới qua lại nhiều đồng nghĩa với việc nhiều công trình đường sá, cầu cống bị hư hại mỗi năm. Tuy nhiên, từ sau khi các Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các quyết định về cơ chế chính sách cụ thể đã tạo nên “cú hích” cho phong trào làm đường GTNT trên địa bàn huyện Đơn Dương.
 
Trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các thôn, tổ dân phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương làm đường GTNT của huyện; đồng thời xác định rõ đây là một chủ trương lớn nhằm phát triển hệ thống đường GTNT của địa phương có quy mô và bền vững, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. 
 
Xã Lạc Lâm là một trong những điểm đi đầu về phong trào làm GTNT ở Đơn Dương. Trước đây, nhiều tuyến đường của xã là đường đất, mùa nắng bụi đất đỏ cuốn mịt mù, mùa mưa thì lầy lội khó đi, nhưng từ khi có chủ trương làm đường bê-tông, ai cũng háo hức tham gia. Và, chỉ trong chưa đầy 2 năm, các tuyến đường đã được thảm bê-tông phẳng lỳ. 
 
Ông Nguyễn Bá Hùng (thôn Quỳnh Châu Đông, xã Lạc Lâm) cho biết: “Việc hoàn thiện hệ thống GTNT là nguyện vọng của người dân, nên khi có chủ trương, chính sách làm cầu, đường là chúng tôi nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công và làm bất cứ những gì có thể để hoàn thành công trình đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất. Mỗi khi tiến hành làm một tuyến đường giao thông nông thôn nào, chúng tôi đều thỏa thuận trong cộng đồng với nhau nên rất thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng để thi công. Cơ chế thực thi công trình thông thoáng, phát huy vai trò dân chủ của nhân dân, người dân được bàn bạc, tự quyết định, tự mua vật liệu, thuê sắm trang thiết bị phục vụ thi công, trực tiếp tham gia thi công, nên rất chủ động trong việc triển khai thực hiện, đồng thời chất lượng công trình được đảm bảo, vật tư không thất thoát, giá thành giảm xuống”. 
 
Theo Nguyễn Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, kết quả đạt được như trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, từ đó tạo thành sức mạnh tập thể trong thực hiện nhiệm vụ. Trước khi triển khai làm đường GTNT, xã tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động họ hiểu rõ trách nhiệm của gia đình trong xây dựng nông thôn mới. Việc huy động đóng góp của nhân dân được công khai, minh bạch nên đã nhận được sự đồng thuận cao. Nhiều tuyến đường qua vườn nhà dân, hoặc mặt bằng không đủ rộng để thi công, người dân đã động viên nhau tự giác tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, chặt bỏ hàng trăm cây cối, hiến đất mà không đòi hỏi tiền đền bù, hỗ trợ. 
 
Giữ vững và nâng cao
 
Đến Đơn Dương hôm nay, nhiều con đường liên huyện, liên xã, liên thôn và hàng trăm ngõ xóm đã được trải bê tông phẳng lỳ, trong đó có những đoạn đường do chính người dân tự nguyện hiến đất, góp công. 
 
Chính sự chung tay góp sức, hiến đất làm đường GTNT của người dân đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại Đơn Dương.
 
Theo ông Hồ Văn Thành - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đơn Dương cho biết: “So với các năm trước việc triển khai kế hoạch phát triển GTNT tại địa phương trong giai đoạn 2010 - 2015 có tiến độ thực hiện và công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng hơn. Chất lượng công trình được chú trọng, hạn chế được hiện tượng giảm mác bê-tông, giảm chiều dày mặt đường. Tiêu chuẩn kỹ thuật được nâng cao, mặt đường rộng từ 2,5 - 3 m, đáp ứng nhu cầu mở rộng phát triển cho tương lai và hoàn thành dứt điểm từng đoạn đường, không dàn trải, dở dang”.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương khẳng định: “Đơn Dương sẽ tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư hoàn thành mạng lưới đường huyện trên địa bàn. Trong đó, chú trọng phát triển bê tông GTNT, kiên cố hóa giao thông nội đồng theo kế hoạch, đảm bảo lộ trình xây dựng nông thôn mới. Và, những xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông thì vẫn tiếp tục nâng cấp theo chuẩn mới, đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Đối với những xã khó khăn, huyện cũng lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để tiếp tục hoàn thiện. Công tác quản lý, bảo trì đường bộ cũng sẽ được chú trọng, xây dựng quy chế bảo trì phù hợp với thực tế, đảm bảo duy trì và phát huy hiệu quả cao nhất mạng lưới giao thông hiện có tại địa phương”.
 
HOÀNG YÊN