Nâng cao vị thế, phát huy vai trò giai cấp công nhân hiện nay

09:04, 29/04/2017

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, giai cấp công nhân Việt Nam (GCCNVN) là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của GCCNVN là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông...

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, giai cấp công nhân Việt Nam (GCCNVN) là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của GCCNVN là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, Đảng ta xác định sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Sau 30 năm đất nước đổi mới, GCCNVN có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, sử dụng và vận hành những công cụ, phương tiện sản xuất hiện đại nhất, quyết định phương hướng phát triển của nền kinh tế quốc dân. Với đội ngũ công nhân chiếm khoảng 13,5% dân số và 26,46% lực lượng lao động xã hội, nhưng hằng năm đã tạo ra trên 40% giá trị tổng sản phẩm xã hội, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước (trên 60%). Phần lớn công nhân, lao động (CNLÐ) tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, say mê lao động sáng tạo, chịu khó học hỏi, từng bước làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức. Giai cấp công nhân là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Ðảng và Nhà nước, nền tảng của khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Tuy nhiên, trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay, đội ngũ CNLÐ nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới, đó là: Trình độ học vấn, chuyên môn, khả năng nghề nghiệp nhìn chung còn thấp so với yêu cầu; mất cân đối trong cơ cấu lao động - kỹ thuật, thừa lao động giản đơn, thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao, thiếu các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; phân bố công nhân lao động giữa các ngành nghề, các vùng miền chưa hợp lý; ý thức học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghề nghiệp nhìn chung không cao; CNLĐ chưa ý thức đầy đủ yêu cầu của cạnh tranh quốc tế để có giải pháp tích cực, chủ động hội nhập; lòng say mê nghề nghiệp, ý thức tổ chức, kỷ luật, tác phong công nghiệp, vai trò làm chủ còn hạn chế… Bên cạnh đó, những vấn đề bức xúc về nhà ở, việc làm, đời sống vật chất, tinh thần còn khó khăn; tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở một số doanh nghiệp; tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn xảy ra nghiêm trọng; tình trạng vi phạm kỷ luật lao động còn khá phổ biến; tranh chấp lao động tập thể và đình công vẫn diễn ra phức tạp…Đây là những thách thức lớn đối với bản thân giai cấp công nhân nói riêng và đối với đất nước ta nói chung. 
 
Trong xu hướng phát triển hiện nay, GCCNVN đang có nhiều biến động sâu sắc cả về số lượng, chất lượng, cả về thành phần và cơ cấu. Theo đó, trình độ và năng lực sẽ ngày càng cao hơn; tỷ lệ công nhân trong doanh nghiệp nhà nước có xu thế giảm, còn trong các thành phần kinh tế khác ngày càng tăng nhanh; xu hướng thay đổi nơi làm việc sẽ nhiều hơn; sự di chuyển và biến động công nhân giữa các ngành nghề, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế sẽ diễn ra thường xuyên; vai trò quan trọng của GCCN trong phát triển lực lượng sản xuất và đóng góp chủ yếu vào thu nhập quốc dân ở nước ta ngày càng khẳng định...
 
Để nâng cao vị thế và phát huy vai trò của GCCN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và thực hiện; đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, nhất tổ chức công đoàn các cấp cần tiếp tục nhận thức và quán triệt đầy đủ những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng GCCNVN thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã được nêu lên trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng GCCNVN thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Trước mắt, cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản là: 
 
(1) Coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống GCCN, truyền thống cách mạng của Đảng…, nhằm nâng cao giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật cho công nhân lao động.
 
(2) Đẩy mạnh và không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo, đào tạo lại bằng nhiều hình thức phù hợp (tập trung, tại chức, đào tạo ngay trong quá trình sản xuất, kinh doanh). Tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho GCCN; tạo môi trường thuận lợi để GCCN phát huy hết khả năng của mình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật lao động, xử lý nghiêm những vi phạm để quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được bảo đảm.
 
(3) Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn để công đoàn có điều kiện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Chú trọng bồi dưỡng phát triển Đảng trong công nhân, lao động; đào tạo bồi dưỡng những cán bộ trẻ có trình độ, năng lực xuất thân từ thành phần công nhân; tuyên truyền, vận động, thuyết phục, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ủng hộ, tạo điều kiện để thành lập các cơ sở đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp... Nhà nước cần tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với công đoàn để tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, phong trào học tập nâng cao trình độ trong công nhân, viên chức, người lao động, nhằm khơi dậy mọi tiềm năng của GCCN trong giai đoạn mới. 
 
(4) Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về GCCN, hướng vào giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra; qua đó cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng GCCN trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
(5) Nhiệm vụ xây dựng GCCN không ngừng lớn mạnh cần gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, CNH, HĐH, hội nhập quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo xây dựng GCCN; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân với người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, vì lợi ích chung của toàn dân tộc.
 
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, chúng ta ghi nhận, tri ân những cống hiến, đóng góp to lớn của GCCNVN và tổ chức công đoàn; tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong công nhân, viên chức, người lao động; qua đó cổ vũ, động viên GCCN tiếp tục phát huy vị thế, vai trò và truyền thống vẻ vang của mình, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
 
BAN BIÊN TẬP