Xây dựng chuẩn mực đạo đức người làm báo

09:04, 24/04/2017

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay. Đây không còn là vấn đề nội bộ của mỗi ngành nghề, lĩnh vực; không chỉ là câu chuyện của các nhà quản lý mà là mối quan tâm của tất cả các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội, trong đó có vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo được đông đảo giới báo chí và xã hội đặc biệt quan tâm.

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay. Đây không còn là vấn đề nội bộ của mỗi ngành nghề, lĩnh vực; không chỉ là câu chuyện của các nhà quản lý mà là mối quan tâm của tất cả các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội, trong đó có vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo được đông đảo giới báo chí và xã hội đặc biệt quan tâm.
 
Nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch HNBVN (thứ hai, trái qua) trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Đình Đông
Nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch HNBVN (thứ hai, trái qua) trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Đình Đông
Đạo đức báo chí đang trở thành vấn đề “nóng”
 
Theo báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN), năm 2016, những người làm báo trong cả nước đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân; tích cực đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội… thực sự góp phần dự báo, đón đầu các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ đăng tải trên các loại hình báo chí; báo chí phản ánh, bám sát toàn diện mọi mặt của cuộc sống và đáp ứng rất tốt, rất kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của xã hội. Năm 2016, cả nước có 6 vụ nhà báo, phóng viên bị cản trở tác nghiệp. Và, ngay sau khi xảy ra vụ việc, HNBVN đã có công văn gửi đến các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhanh chóng vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo và làm rõ vụ việc. 
 
Bên cạnh đó, vẫn còn các vụ việc của các cơ quan báo đăng tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng và bóp méo sự thật; hiện tượng thương mại hóa tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, kích dục, thiếu văn hóa, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục; tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng và thiếu tính nhân văn trên báo chí; đặc biệt, hiện tượng nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí, lợi dụng vị trí và công việc của mình để vụ lợi cá nhân, kiếm chác cho riêng mình và làm trái pháp luật… rất đáng lên án. 
 
Những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha hóa trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Cũng trong năm, đã có 8 đơn thư liên quan đến việc hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, 26 đơn thư khiếu kiện về thông tin trên báo chí không chính xác… Năm 2016, Hội đã tiến hành xóa tên 357 hội viên, 2 trường hợp bị khai trừ.
 
Nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch HNBVN nhấn mạnh, đạo đức báo chí đang trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động gây ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của người làm báo.
 
 “Ngày 1/1/2017, Luật Báo chí năm 2016 chính thức có hiệu lực. Và, trên cơ sở điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí: “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, tháng 12/2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Đây được xem như “Quy tắc mẹ” mang tính chất nền tảng, là cơ sở nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp để hoàn thành tốt trọng trách, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân” - Chủ tịch HNBVN nhấn mạnh.
 
Hướng đến một nền báo chí nhân văn
 
Báo chí đang đứng trước những thử thách gay gắt. Việc giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng, lương tâm nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Độc giả đã và đang mệt mỏi vì thông tin hỗn loạn, xô bồ và nhu cầu thông tin trí tuệ, thú vị, thấu hiểu, vẫn là nhu cầu cơ bản… Thời cuộc càng biến động, xã hội hiện đại càng chịu nhiều áp lực, với sự phát triển mạnh mẽ của thông tin kỹ thuật số thì tính nhân văn của báo chí càng phải được đề cao. Vì vậy, cần xây dựng một nền báo chí nhân văn trên nền tảng pháp luật và đạo đức.  
 
Theo như phân tích của PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ HNBVN: “Mỗi người làm báo cần quan tâm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, hướng ngòi bút tới những giá trị nhân văn, hữu ích cho xã hội, cho con người và vì con người thông qua việc hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”.
 
Nhà báo phải dùng nghề nghiệp để tham gia bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích của đa số nhân dân. Khi viết báo, thông tin, sản xuất, sáng tạo tác phẩm báo chí phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân lên trên hết, phục vụ sự phát triển của đất nước. Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. 
 
Cũng theo PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, nhà báo cần chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, cần thận trọng đưa thông tin khai thác được trong khi tác nghiệp lên các trang mạng xã hội cá nhân của mình. 
 
Nhà báo Thuận Hữu cho biết thêm: Trong tình hình mới với những thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, để tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội trong giai đoạn mới, hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, hội viên, nhà báo cần phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp và phẩm chất đạo đức của người làm báo cách mạng.
 
 Trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin, để sáng tạo những tác phẩm có chất lượng cao bên cạnh tính sáng tạo, tính mới, tính phát hiện mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo cần ý thức và nêu cao trách nhiệm của người chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Lấy đạo đức nghề nghiệp là nguyên tắc tối thượng để người làm báo xứng đáng là “thư ký của thời đại”.
 
Nhà báo Phan Tùng Sơn - Phó Ban đại diện Báo Quân đội Nhân dân phía Nam: “Phát huy tinh thần trí tuệ tập thể để sáng tạo tác phẩm mang tính khoa học, có tính chiến đấu và mang hơi thở cuộc sống”.
 
Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự cạnh tranh thông tin gay gắt của các cơ quan báo chí, giữa báo chí và mạng xã hội thì báo Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn xác định việc đổi mới gắn liền giữ gìn bản sắc, đổi mới trên nền tảng giữ vững vai trò là tờ báo chính trị định hướng dư luận của quân đội và đất nước. Đề tài chính luận với các bài xã luận, chuyên luận, bình luận vẫn được chúng tôi quan tâm đầu tư, đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại. Và, dưới sự chủ trì của Tổng Biên tập, chúng tôi phát huy tinh thần trí tuệ tập thể để sáng tạo tác phẩm mang tính khoa học, có tính chiến đấu và mang hơi thở cuộc sống. Cùng với việc phát triển, làm rõ những thông tin lý luận mới thì phải vạch rõ những lý luận ngụy biện, xuyên tạc, phản động, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
 
 
Nhà báo Hoàng Kim Dịu - Thư ký Tòa soạn, Thư ký Chi hội Báo Phụ nữ Việt Nam: “Đề cao giá trị nhân ái như đích đến của mình”
 
Báo Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng được bộ quy tắc đạo đức người làm báo với kỷ luật phát ngôn nội bộ, kỷ luật phát ngôn trên mạng xã hội… Trong quá trình xây xây dựng đều lấy ý kiến góp ý của toàn thể hội viên, phóng viên nên đã nhận được sự đồng thuận cao; trong đó, đề cao tuyệt đối tính kỷ luật và tinh thần nêu gương. Việc nêu gương đã được thực hiện và lan tỏa ngay từ chính những người đứng đầu. Công tác kiểm tra, giám sát, đối chiếu với quy chế cơ quan được thực hiện nghiêm túc, thưởng phạt công minh. Chẳng hạn, một nhân viên đọc morass nếu có thành tích, dù nhỏ cũng không bị lãng quên khi khen thưởng. Với người đứng đầu, nếu để xảy ra sai sót trong quá trình vận hành công việc thì cũng bị phạt theo đúng mức đề ra trong quy chế cơ quan. Từ đó, đã tạo niềm tin, khích lệ tinh thần tự giác, ý thức kỷ luật của hội viên, phóng viên.
 
 
Nhà báo Nguyễn Văn Phước Cường - UVBCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang: “Sử dụng ngòi bút sắc bén để đấu tranh loại trừ cái xấu”
 
 Là nhà báo chân chính, không ai trong chúng ta có thể chấp nhận những thông tin tô hồng quá đáng, thông tin sao chép, trái sự thật, bịa đặt, cẩu thả, thiếu kiểm chứng. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo thời gian qua đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng về nghiệp vụ, về đạo đức khiến dư luận bất bình, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của giới báo chí, mất đi vẻ đẹp và hình ảnh thanh cao của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Đây là việc vi phạm nghiêm trọng đạo đức người làm báo cần phải nhanh chóng được khắc phục. Nếu như trong thời đại Hồ Chí Minh, Bác đã “dùng ngòi bút để làm đòn xoay chế độ” đánh đổ ách thống trị chế độ thực dân phong kiến, xóa bỏ chế độ áp bức cường quyền, đem lại tự do cho dân tộc, thì trong thời đại ngày nay, báo chí chúng ta phải tiếp tục sử dụng ngòi bút sắc bén để đấu tranh loại trừ cái xấu, giúp mọi người thấy và hiểu rõ trách nhiệm công dân của mình, dùng ngòi bút để điểm tô cho sự phồn vinh của xã hội và sự lớn mạnh của nền báo chí nước nhà. Đó là trọng trách to lớn của những người làm báo chân chính và cũng là đạo đức của người làm công tác báo chí.
 
N.THU -  N.NGÀ