Xương cá chui vào tuyến giáp

10:04, 11/04/2017

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng đã ghi nhận 2 trường hợp xương cá chui vào tuyến giáp và đã xử trí thành công, được báo cáo tại hội nghị khoa học thường niên năm 2017 của bệnh viện với đề tài "Nhân 2 trường hợp dị vật đường ăn lạc chỗ vào tuyến giáp".

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng đã ghi nhận 2 trường hợp xương cá chui vào tuyến giáp và đã xử trí thành công, được báo cáo tại hội nghị khoa học thường niên năm 2017 của bệnh viện với đề tài “Nhân 2 trường hợp dị vật đường ăn lạc chỗ vào tuyến giáp”.
 
Dị vật đường ăn là một tai nạn rất thường gặp trong lĩnh vực tai mũi họng. Dị vật bao gồm: dị vật họng và dị vật thực quản. Dị vật họng thường xảy ra trong sinh hoạt vì đường vào là đường miệng. Đa số là những vật nhỏ và nhọn: mảnh xương, vảy cá, đầu tăm, mảnh thủy tinh… xảy ra do nuốt phải và cắm lại ở họng. Dị vật thực quản ở sâu trong cổ, trong ngực và thường phức tạp hơn về mặt định bệnh, xử trí và đặc biệt có nhiều nguy hiểm trong diễn biến của tai nạn dị vật đường ăn. Có số ít trường hợp dị vật đâm thủng thực quản và một số nhỏ trường hợp di chuyển ra khoang ngoài. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng mạch máu, nhiễm trùng… Phẫu thuật mở cạnh cổ thám sát bằng đường ngoài để loại bỏ dị vật là điều trị cần thiết.
 
Dị vật xuyên thủng thực quản, di cư đến mô mềm quanh vùng cổ, đem theo vi trùng đến các vùng này, dẫn đến nhiễm trùng các biến chứng áp xe nung mủ. Nhiễm trùng có thể lan đến trung thất và gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó cần thái độ xử trí nhiễm trùng nghiêm túc ngay từ đầu. 
 
Đối với cả 2 ca này, các bác sĩ đều sử dụng phối hợp Levofloxacin, Cefotaxim và Metronidazole giúp ổn định ổ nhiễm trùng và triệu chứng bệnh nhân trong thời gian chờ phẫu thuật.
Nhóm tác giả Phạm Hoàng Vũ, Đỗ Việt Hữu Khánh, Bùi Xuân Trình, Huỳnh Quốc Khởi, Đinh Văn Sinh đã nghiên cứu dị vật đường ăn lạc chỗ đến các khoang ngoài cơ thể là trường hợp đặc biệt hiếm gặp. BVĐK tỉnh đã gặp 2 trường hợp dị vật là xương cá đi vào tuyến giáp. Cả 2 trường hợp đều được phẫu thuật mở cạnh cổ lấy dị vật, dẫn lưu ổ áp xe, đem lại kết quả điều trị tốt.
 
Ca đầu tiên là 1 bệnh nhân nữ, 34 tuổi ở Đam Rông nhập viện vì thấy nuốt đau sau khi ăn đã chịu đựng 3 ngày. Khi bác sĩ khám thấy bệnh nhân có sốt, không khó thở, nuốt đau nhiều, ấn đau ở vùng cổ trái và dọc bờ trước cơ ức đòn chũm trái. Chụp X-quang cổ nghiêng: theo dõi dị vật thực quản ngang mức C5. Siêu âm cho thấy viêm phù nề tuyến giáp trái diễn tiến áp xe hóa. Soi thực quản ống cứng không phát hiện bất thường. Chụp CT.Scanner cổ có cản quang cho thấy hình ảnh tổn thương thùy trái tuyến giáp diễn tiến áp xe hóa, bên trong có cấu trúc vật. Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh ổn định và cho bệnh nhân xuất viện.
 
Đối với ca bệnh thứ 2 thì phức tạp hơn. Bệnh nhân nữ 72 tuổi, ở Đức Trọng cũng nhập viện vì nuốt đau. Theo lời kể của bệnh nhân thì trước khi nhập viện 10 ngày bà cảm thấy mỗi lần ăn nuốt rất đau và trước đó 1 tuần bà cũng đã đến khám tại BVĐK tỉnh, được nội soi họng thanh quản, X-quang cổ nghiêng và nội soi thực quản ống cứng nhưng chưa phát hiện bất thường, triệu chứng bệnh nhân cải thiện nên bác sĩ cho bệnh nhân xuất viện hẹn tái khám. Sau 1 tuần, bệnh nhân đến tái khám, bệnh nhân nuốt thỉnh thoảng khó chịu ở vùng cổ, vùng cổ trái dọc bờ trước cơ ức đòn chũm không sưng, ấn không đau. Khi siêu âm và chụp CT.Scanner cổ có cản quang phát hiện áp xe thùy trái tuyến giáp do dị vật. Bệnh nhân được phẫu thuật cạnh cổ, dẫn lưu ổ mủ, lấy dị vật để hở da, đóng kín thì 2; sau 3 ngày bệnh nhân ổn định sức khỏe được cho xuất viện.
 
Nhóm nghiên cứu cho rằng dị vật đường ăn (2 ca này là xương cá) xuyên thủng thực quản, lạc chỗ đến các vị trí mô mềm khác xảy ra tương đối hiếm gặp. Có trường hợp mắc phải xử trí bằng cách cắt 1 thùy tuyến giáp. Theo 1 nghiên cứu thống kê 147 dị vật đường ăn, trong đó chỉ 1 trường hợp dị vật chui vào tuyến giáp cần mở cạnh cổ.   
 
Dị vật có thể lạc chỗ vào các cấu trúc tạng như tuyến giáp, di cư vào các cơ, hoặc cũng có thể đâm thủng những mạch máu quan trọng gây nguy hiểm đến tính mạng. Qua theo dõi bệnh sử, quá trình thăm khám và dấu hiệu dương tính trên X-quang cổ nghiêng giúp bác sĩ chẩn đoán nghĩ nhiều đến dị vật thực quản. Các dấu hiệu kể đến như: có hình ảnh cản quang, cột sống mất chiều cong sinh lý, dày phần mềm trước cột sống cổ… Tuy nhiên, X-quang cổ nghiêng không giúp kết luận có sự lạc chỗ của dị vật, việc CT.Scanner cổ lúc này được sử dụng để định vị dị vật, đánh giá thương tổn xung quanh và định hướng phẫu thuật. Một khi dị vật cản quang được xác định, phẫu thuật là hết sức cần thiết để tránh những biến chứng nguy hiểm tính mạng cho bệnh nhân. 
 
Theo nhóm nghiên cứu, bên cạnh xử trí ổn định ổ nhiễm trùng áp xe, vấn đề khác được đặt ra là mô mềm ở cổ di động, nên đôi khi trong cuộc mổ, dị vật không ở đúng vị trí với CT.Scanner đã định vị, chúng ta có thể sử dụng C-Arm để hỗ trợ định vị dị vật. Trong cả 2 ca phẫu thuật này, dị vật đều ở tại thùy trái tuyến giáp như trong CT.Scanner nên các phẫu thuật viên không cần đến C-Arm.
 
Đối với trường hợp bệnh nhân đầu tiên, trên lâm sàng các bác sĩ đã nghĩ đến dị vật di cư đến khoang ngoài cơ thể khi hình ảnh trên X-quang gợi ý, nhưng nội soi thực quản ống cứng không phát hiện bất thường. Trên lâm sàng, bệnh nhân nuốt đau nhiều, có dấu chứng nhiễm trùng, chúng tôi điều trị nội khoa tích cực và thực hiện CT.Scanner ngay để định hướng phẫu thuật.
 
Đối với trường hợp bệnh nhân thứ 2 do bệnh sử không rõ ràng, X-quang cổ nghiêng không gợi ý, nội soi thực quản ống cứng không phát hiện bất thường, trên lâm sàng bệnh nhân không có triệu chứng đặc hiệu, chúng tôi đã bỏ sót trường hợp này. Đến khi bệnh nhân quay lại tái khám với các triệu chứng không cải thiện khi điều trị nội khoa, chúng tôi thực hiện CT.Scanner cổ mới phát hiện khối áp xe thùy trái tuyến giáp với dị vật cản quang bên trong. Tuy kết quả cuộc mổ khả quan nhưng một lần nữa cho thấy sự đa dạng và phức tạp của những bệnh lý tưởng chừng như đơn giản, đem lại những kinh nghiệm, tránh bỏ sót không đáng có về sau.
 
Hai trường hợp xương cá chui vào tuyến giáp đã được xử trí thành công. Nhóm nghiên cứu kết luận 2 trường hợp báo cáo đều nhấn mạnh sự cần thiết nghi ngờ dị vật di cư đến các khoang ngoài của cơ thể, khi nội soi thực quản cho kết quả bình thường. Chẩn đoán và xác định vị trí có thể được thực hiện với CT.Scanner, đồng thời cung cấp định hướng cho phẫu thuật viên, để tránh những sai sót không tìm thấy dị vật, hay những biến chứng không cần thiết.
 
AN NHIÊN