Chuyện ở Làng Boho

09:05, 22/05/2017

Một homestay mang tên Làng Boho, cô chủ Diệp Thúy được gọi với cái tên vừa gần gũi, vừa đáng yêu là "già làng", mọi người đến đây được gọi là dân làng. Sáng sáng, già làng dạy dân làng tập yoga, cùng ăn sáng và uống trà, cùng chia sẻ về niềm đam mê với style Bohomian và tình yêu với Đà Lạt. Làng Boho khác biệt, không chỉ bởi phong cách tự do, phóng khoáng, mà còn bởi tinh thần của tuổi trẻ được lan tỏa từ chính những người trẻ ở nơi đây.

Một homestay mang tên Làng Boho, cô chủ Diệp Thúy được gọi với cái tên vừa gần gũi, vừa đáng yêu là “già làng”, mọi người đến đây được gọi là dân làng. Sáng sáng, già làng dạy dân làng tập yoga, cùng ăn sáng và uống trà, cùng chia sẻ về niềm đam mê với style Bohomian và tình yêu với Đà Lạt. Làng Boho khác biệt, không chỉ bởi phong cách tự do, phóng khoáng, mà còn bởi tinh thần của tuổi trẻ được lan tỏa từ chính những người trẻ ở nơi đây.
 
Không gian rực rỡ màu sắc tại Làng Boho thu hút nhiều bạn trẻ. Ảnh: V.Quỳnh
Không gian rực rỡ màu sắc tại Làng Boho thu hút nhiều bạn trẻ. Ảnh: V.Quỳnh
Làng Bohomian giữa thiên nhiên
 
Ẩn mình trong một khu vườn xanh ngắt cây hồng và cà phê trên đường Triệu Việt Vương, Làng Boho gây ấn tượng cho nhiều người từ cái tên tạo sự tò mò, đến một không gian rực rỡ và tràn trề nhựa sống. Boho là viết tắt của style Bohomian. Làng Boho là một không gian nghệ thuật đầy màu sắc của tinh thần Bohomian do cô gái trẻ Nguyễn Thị Diệp Thúy (SN 1991) xây dựng nên. Cái tên làng được đặt với ý nghĩa quây quần mang tinh thần gia đình, cộng đồng, với mong muốn kết nối nhiều người với nhau, giúp mọi người tìm thấy tuổi thơ của mình khi đến đây.
 
Cô chủ Diệp Thúy nói rằng: Tinh thần lớn nhất của style Bohomian là sự lạc quan, yêu đời, tràn đầy sức sống và dám phá bỏ mọi rào cản để sống thật với bản thân. Bởi thế, ở Làng Boho, du khách được trải nghiệm nhiều điều mới lạ, sống với phong cách phóng khoáng, vượt mọi giới hạn theo tinh thần của Bohomian. 
 
Làng tái hiện lại cuộc sống du mục, nên phòng nghỉ tại đây là những căn lều độc đáo. Những chi tiết trang trí trong từng căn phòng đều nổi bật theo phong cách Boho trong không gian đầy ánh sáng tự nhiên. Để có được “mỗi phòng mỗi vẻ” nhưng vẫn thống nhất style, cô chủ trẻ đã sử dụng nhiều sản phẩm của người Cil - Cơ ho đặc trưng của Lâm Đồng và các sản phẩm thổ cẩm sưu tầm từ Sapa hoặc thậm chí là Ấn Độ, Thái Lan...
 
Nói về chặng đường dựng nên Làng Boho, Thúy nhớ lại: “Năm 2016, khi đứng trước khu đất bỏ hoang này, mình đã nghĩ rằng đây sẽ là nơi mà mình xây dựng nên Làng - một nơi vừa thể hiện được tinh thần Bohomian nhưng vẫn giữ được “hương vị” của không khí Đà Lạt, giữa xanh ngát vườn đồi và gió núi. Bởi vậy, khi bắt tay thực hiện, mình xác định rõ ràng rằng sẽ không tác động vào tự nhiên, tôn trọng tối đa từng gốc cây, hòn đá sẵn có trước đó”.
 
Với 5 lều và một phòng dorm, tinh thần yêu thiên nhiên cũng được thể hiện rõ trong từng căn phòng, khi cây mạ non xanh được trồng dọc đường đi và trong mỗi phòng có ít nhất 3 loài cây xanh tốt, tận dụng ánh sáng tự nhiên để hòa hợp với môi trường. Trong các phòng, giường được bố trí nhiều hướng, với nhiều độ cao khác nhau tạo nên không gian sinh động.
 
Bohomian thoải mái, hoang dã, phóng khoáng, nhưng cũng không kém phần lãng mạn. “Độc đáo và trẻ trung - đó chính là tinh thần mà Làng Boho muốn truyền đến mọi người” - Diệp Thúy chia sẻ.
 
Phiên chợ Flea market được tổ chức tại Làng vào giữa tháng 5 vừa rồi cũng giúp những tín đồ của style Bohomian cùng chia sẻ niềm đam mê và có thể mua nhiều món đồ đậm chất du mục.
 
Đi là để trở về
 
Là người tự lập sớm, ngay từ thời sinh viên, Diệp Thúy đã thử sức mình ở nhiều công việc khác nhau để có thể lo liệu cuộc sống và thực hiện những ước mơ của bản thân. Từng là chuyên viên phát triển kinh doanh cho một công ty của Nhật Bản ở thành phố Hồ Chí Minh, Thúy có cuộc sống ổn định với mức thu nhập cao. Thế nhưng, sau 3 năm sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, Thúy quyết định bỏ lại những điều đó ở thành phố năng động để trở về Đà Lạt và sống cho sở thích của mình. Thúy nói: “Khi mình nhận ra con người và văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh không phù hợp thì mình dứt khoát buông bỏ. Với mình đó chính là tinh thần của tuổi trẻ, dám làm những gì mình cho là đúng”.
 
Ngoài Làng Boho, Diệp Thúy còn có thêm một đứa con tinh thần nữa ở Đà Lạt là một quán cà phê. Bắt nguồn từ ý tưởng bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, Diệp Thúy đã lên kế hoạch tận dụng tối đa đồ tái chế để tạo phong cách khác lạ cho quán của mình. Là một người yêu thích công việc thiện nguyện nên cô cũng biến quán trở thành địa điểm tổ chức và kết nối các chương trình từ thiện trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, Thúy còn tiếp tục mở một trung tâm dạy Yoga và Zumba Dance, chính Diệp Thúy là người đứng lớp giảng dạy để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
 
Thúy luôn quan niệm rằng, là người trẻ thì không nên sợ thất bại, bởi mỗi lần thất bại thì con người ta sẽ có thêm một kinh nghiệm quý giá. Đến nay, khi đã là cô chủ của 1 quán cà phê, 1 lớp học yoga và bây giờ là 1 homestay, Diệp Thúy vẫn quan niệm: “Làm việc mà không quan tâm đến tiền thì tiền sẽ tự động tìm đến”. Cô tự hào khi nói rằng, Đà Lạt là một trong những thành phố mà người trẻ ra đi rồi trở về nhiều nhất: “Đi xa là để trở về. Đi xa để học, để tập và để lấy kinh nghiệm, để rồi mang những trải nghiệm đó để về làm giàu trên chính mảnh đất yêu thương của mình”.
 
VIỆT QUỲNH