Cung ứng dược liệu cho các bệnh viện, người trồng khó "chen chân"

09:05, 12/05/2017

Mỗi năm Lâm Đồng cung ứng khoảng 100 tấn dược liệu cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền (YHCT) do 2 Bệnh viện YHCT tỉnh thực hiện. Nhưng vì sao người trồng dược liệu trong tỉnh không thể cung cấp trực tiếp cho bệnh viện công lập và giải pháp nào để sử dụng thuốc từ nhân dân nuôi trồng tại chỗ? 

Mỗi năm Lâm Đồng cung ứng khoảng 100 tấn dược liệu cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền (YHCT) do 2 Bệnh viện YHCT tỉnh thực hiện. Nhưng vì sao người trồng dược liệu trong tỉnh không thể cung cấp trực tiếp cho bệnh viện công lập và giải pháp nào để sử dụng thuốc từ nhân dân nuôi trồng tại chỗ? 
 
Cấp phát thuốc đông y cho bệnh nhân tại Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng. Ảnh: An Nhiên
Cấp phát thuốc đông y cho bệnh nhân tại Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng. Ảnh: An Nhiên
Cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc thiết yếu từ dược liệu
 
Lâm Đồng hiện có 2 bệnh viện YHCT: Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng (150 giường bệnh) và Bệnh viện YHCT Bảo Lộc (100 giường bệnh). Tại các Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện II Lâm Đồng có khoa YHCT lồng ghép với khoa phục hồi chức năng với tổng số 21 giường bệnh YHCT. Có 10/12 trung tâm y tế huyện lồng ghép YHCT với các khoa khác như tổ YHCT trong khoa Nội - Nhi - Nhiễm - HSCC. Có 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn (147 trạm) tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT, chủ yếu là châm cứu, xoa bóp và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc nam.
 
Tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT và khám, chữa bệnh bằng YHCT kết hợp y học hiện đại (YHHĐ) so với tổng số khám, chữa bệnh chung trong toàn tỉnh là 29,7%; trong đó, tuyến tỉnh chiếm tỷ lệ 19,7%; tuyến huyện là 29,1% và tuyến xã là 36,3%. Hàng năm, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng và Bệnh viện YHCT Bảo Lộc khám ngoại trú cho khoảng 100.000 lượt bệnh nhân và điều trị nội trú cho khoảng 5.000 lượt bệnh nhân. Tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế điều trị chủ yếu kết hợp YHCT và YHHĐ. 
 
Về cơ bản, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu cho hoạt động khám, chữa bệnh bằng YDCT trên địa bàn tỉnh. 
 
“Tỉ lệ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu hiện có trong danh mục thuốc thiết yếu mà bệnh viện xây dựng ở tuyến tỉnh đạt 83,9%; tuyến huyện đạt 34,9%; tuyến xã đạt 47,4%”. 
 
BSCKII Nguyễn Văn Trịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng - Phó Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng cho biết: Nguồn thuốc cho bệnh viện gồm có các loại hóa dược chủ yếu Ladophar cung ứng; thuốc từ dược liệu tức là thuốc đã bào chế thành viên như Hoạt huyết dưỡng não, Ích mẫu… cũng do Ladophar và một số doanh nghiệp khác cung ứng; riêng mảng dược liệu tức cung cấp những cây dược liệu thô như: cây astiso, kinh giới, tía tô, ích mẫu… về bào chế thành thuốc phiến do 2 Bệnh viện YHCT tỉnh cung ứng một năm khoảng 70 tấn (năm 2016), nguồn này cũng phải theo đấu thầu (năm nay ước khoảng 100 tấn). 
 
Thuốc qua đấu thầu, người trồng dược liệu khó “chen chân”
 
Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng với nhiệm vụ cung ứng dược liệu tại bệnh viện và 6 huyện, thành phía Bắc của tỉnh, bao gồm: Lạc Dương, Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông và Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng. Hàng năm, bệnh viện thu mua và chế biến khoảng 50 tấn dược liệu để cung cấp cho các đơn vị và bệnh viện thực hiện công tác bào chế từ dược liệu sống sang dược liệu chín theo đúng quy chuẩn của Dược liệu 4 của VN đảm bảo quá trình sơ chế, cũng như phức chế, sao tẩm theo đúng quy trình để đảm bảo cho công năng của thuốc tác dụng tốt và người dân Lâm Đồng được thụ hưởng về chất lượng thuốc từ Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch cũng như bệnh viện tuyến huyện chất lượng như nhau. Đây là thành công trong công tác chế biến dược liệu của Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng được Cục Quản lý YDCT đánh giá đây là một trong các mô hình điểm về vấn đề chế biến, bảo quản chất lượng thuốc YHCT.
 
Hàng năm, Sở Y tế đã được UBND tỉnh giao việc đấu thầu cung ứng thuốc hóa dược cũng như thuốc đông dược toàn tỉnh, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng đã được giao nhiệm vụ thực hiện gói thầu mà Sở Y tế đã chỉ định cho cung ứng thuốc cho tại Bệnh viện và 6 huyện, thành phía Bắc và Bệnh viện PHCN tỉnh (Bệnh viện YHCT Bảo Lộc chịu trách nhiệm cung ứng dược liệu cho các bệnh viện 6 huyện phía Nam của tỉnh). Trên nguyên tắc thực hiện theo quy chế của nhà nước là đấu thầu nhưng khó khăn bất cập là thu mua dược liệu tại địa phương còn vướng mắc về cơ chế tài chính. Ví dụ: tại địa phương bà con trồng dược liệu những cây Đương quy, Bạch chỉ, Ngưu tất… để cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, như Bệnh viện chúng tôi rất khó khăn, những người nông dân này họ không thể cung cấp được hóa đơn để thanh toán theo quy định tài chính. 
 
Phó Chủ tịch Hội Dược liệu tỉnh cũng cho rằng, Lâm Đồng được xác định là địa phương có thổ nhưỡng và khí hậu rất tốt cho nuôi trồng dược liệu và trong Quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ xác định Lâm Đồng là một trong những vùng trọng điểm để trồng cây dược liệu, cây artiso gần như là cây đặc hữu của tỉnh, ngoài ra còn một số cây khác phát triển tốt tại địa phương như: cây Đương quy, Xuyên khung, Bạch chỉ, Ngưu tất… Hiện tại, ở Đạ Sar, Đạ Chais, Tà Nung, Nam Ban nông dân tự phát trồng một số cây dược liệu, bây giờ phong trào trồng rất nhiều là cây Đương quy Nhật Bản nhưng gặp khó khăn là đầu ra, vì cơ chế thu mua của Bệnh viện rất khó. 
 
Người dân không thể cung ứng thuốc dược liệu trực tiếp cho bệnh viện công lập vì làm gì có hóa đơn nên bệnh viện không dám mua, mua thì tài chính xuất toán, bảo hiểm y tế xuất toán luôn. 
 
Vì vậy, bệnh viện không thu mua được nguồn thuốc trong dân do vướng về quy định thuốc vào bệnh viện phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về đấu thầu, đơn vị trúng thầu cung ứng thuốc dược liệu cho tỉnh lại là ngoài tỉnh vì doanh nghiệp trong tỉnh không đủ đáp ứng nhu cầu.
 
Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho người nông dân về mặt kỹ thuật, vấn đề nuôi trồng, vấn đề bảo quản chế biến sau thu hoạch, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, khi người ta thấy ổn định được lúc bấy giờ chúng ta mới có thể xây dựng được vùng nguyên liệu dược liệu không những cho Lâm Đồng mà cho cả Việt Nam và hướng đến xuất khẩu. Để dân trồng dược liệu nhưng không có đầu ra thì cũng khổ, bởi các loại cây trồng khác thì xoay sở được chứ cây thuốc đâu có ăn được nhiều đâu, một số cây không thể ăn ngay được. Làm sao phải có cơ chế chính sách, có một đơn vị chịu trách nhiệm mua của dân trong tỉnh với số lượng dược liệu lớn sau đó cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh, chẳng hạn như đại diện công ty dược. Trường hợp thu mua không có hóa đơn thì chấp nhận theo hợp đồng để tạo điều kiện cho người dân nuôi trồng dược liệu; phải liên kết giữa các ngành hỗ trợ nông dân hình thành liên kết hợp tác nuôi trồng dược liệu để có đủ tư cách pháp nhân và đủ năng lực làm đối tác cung ứng thuốc cho bệnh viện. Đồng thời, tỉnh phải có cơ chế chính sách chẳng hạn như các bệnh viện vẫn phải chấp nhận quy chế đấu thầu dược liệu theo luật, nhưng có thêm chính sách ưu tiên cho cây thuốc lợi thế của địa phương để nông dân trồng được, ưu tiên thu mua tại địa phương với cơ chế không được cao hơn giá trúng thầu, tạo công ăn việc làm, có lợi cho dân và phát triển vùng nguyên liệu dược.
 
Đến nay thì tỉnh chưa có kế hoạch và quy hoạch vùng nuôi trồng, phát triển dược liệu, chủ yếu là tự phát; dược liệu sử dụng chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, chưa có kế hoạch tái sinh và nuôi trồng, chất lượng, giá cả thường xuyên bị biến động; dạng thuốc còn thô sơ, sử dụng chưa thuận tiện. Vì vậy, cần có chế độ chính sách khuyến khích, ưu đãi trong việc: nuôi trồng, phát triển dược liệu địa phương; bảo tồn các cây thuốc quí, các bài thuốc hay nhằm góp phần chủ động nguồn dược liệu tại địa phương.  
 
AN NHIÊN