Hưởng ứng Tuần lễ An Toàn Giao Thông Đường Bộ toàn cầu lần thứ 4 – 2017

08:05, 08/05/2017

(LĐ online) - Tuần lễ An Toàn Giao Thông Đường Bộ toàn cầu lần thứ 4 do Liên Hợp Quốc phát động sẽ diễn ra vào ngày 8 – 14/5/2017. Tuần lễ do Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố sẽ tập trung vào vấn đề Tốc độ và các giải pháp cần thực hiện nhằm giải quyết yếu tố gây thương tích và tử vong do tai nạn giao thông.

(LĐ online) - Tuần lễ An Toàn Giao Thông Đường Bộ toàn cầu lần thứ 4 do Liên Hợp Quốc phát động sẽ diễn ra vào ngày 8 – 14/5/2017. Tuần lễ do Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố sẽ tập trung vào vấn đề Tốc độ và các giải pháp cần thực hiện nhằm giải quyết yếu tố gây thương tích và tử vong do tai nạn giao thông.
 
Ngày 31/3/2008, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết mang tính lịch sử về an toàn giao thông (ATGT) đường bộ thế giới. Dựa trên báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về thực trạng an toàn giao thông đường bộ thế giới do Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức hợp tác an toàn giao thông đường bộ của Liên Hợp Quốc xây dựng, bản nghị quyết mới đã được các thành viên nhất trí thông qua, trong đó có Việt Nam. 
 
Nghị quyết này một lần nửa khẳng định tầm quan trọng của an toàn giao thông đường bộ (ATGTĐB) và khuyến khích các quốc gia thành viên đẩy mạng cam kết và hoạt động phòng chống thương tích giao thông đường bộ. Nhằm kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai các khuyến nghị theo Báo cáo toàn cầu phòng chống thương tích giao thông đường bộ thông qua cam kết chính trị, nâng cao năng lực, vận động chính sách và tổ chức ngày lễ tưởng niệm các nạn nhân do tai nạn giao thông, Nghị quyết này còn yêu cầu tổ chức Hợp tác ATGTĐB Liên Hợp Quốc thúc đẩy hợp tác đa ngành thông qua tổ chức các tuần lễ ATGTĐB toàn cầu, như năm 2007 đã tổ chức, trong đó tập trung cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng khuyến khích các tổ chức thuộc Chính phủ và tư nhân cùng xây dựng và triển khai chính sách và thực hiện biện pháp can thiệp để giảm thiểu nguy cơ thương tích do tai nạn giao thông. 
 
Tai nạn giao thông (TNGT) là một vấn đề rất nóng bỏng trong xã hội hiện nay. Trên toàn cầu, mỗi năm khoảng 1,25 triệu người tử vong do tai nạn giao thông. Ngoài ra, khoảng 20-50 triệu người khác bị chấn thương, gây những khó khăn to lớn về kinh tế cho các gia đình và toàn thể xã hội. Tại Việt Nam, theo thông tin từ Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2016 có gần 9.000 người tử vong do TNGT, cùng với đó là hàng chục ngàn người bị thương khác. TNGT đang là một gánh nặng to lớn đối với xã hội và cho nhiều gia đình.
 
Với hơn 1,900 trẻ em tử vong mỗi năm, TNGT đường bộ là nguyên nhân gây tử vong và thương tích nghiêm trọng thứ hai ở trẻ, chỉ đứng sau đuối nước, chiếm 27% các trường hợp tử vong ở nhóm 0-19 tuổi. Ở nhóm trẻ vị thành niên từ 15-19 tuổi, TNGT đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm 50%.
 
Hưởng ứng Tuần ATGTĐB toàn cầu lần thứ 4 – năm 2017, chiều 25/4, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và các đơn vị liên quan tổ chức Họp báo thông tin về Tuần lễ ATGTĐB toàn cầu lần thứ 4 do Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề Tốc độ.
 
Theo đó, tuần lễ ATGTĐB lần thứ 4 diễn ra từ ngày 08/5/2017 - 14/5/2017 nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ quy định tốc độ và khoảng cách an toàn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ thông qua việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của pháp luật, hậu quả TNGT do vi phạm tốc độ, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, tuần tra kiểm soát, giám sát, xử lý vi phạm. Thông điệp chính của tuần lễ này là: “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe” và “Nhanh một phút - Chậm cả đời”.
 
Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi ban hành và thực thi chính sách về tốc độ phù hợp hơn. Đặc biệt là áp dụng tốc độ tối đa trong đô thị là 50km/h và nghiên cứu giảm tiếp tục xuống 30km/h tại những nơi tập trung đông trẻ em, người đi bộ, đi xe đạp và những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương khác. Những giải pháp kỹ thuật có thể được áp dụng cho mục đích này như xây gờ giảm tốc và vòng xuyến…
 
Để Tuần lễ ATGTĐB năm 2017 đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời tạo tiền đề cho việc đảm bảo ATGTĐB một cách bền vững, đòi hỏi các đơn vị thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố cần tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các công viêc như: 
 
(1) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Tuần lễ ATGT đường bộ lần thứ 4; tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý tốc độ phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông; nguy cơ, hậu quả tai nạn giao thông do vi phạm tốc độ; cách phòng, tránh tai nạn giao thông có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ; các chế tài xử phạt và kết quả xử lý vi phạm tốc độ… Hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; cổ động trực quan và trực tiếp trong cộng đồng; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo với chủ đề “Tốc độ”. Khẩu hiệu tuyên truyền: “Hưởng ứng Tuần lề an toàn giao thông đường bộ lần thứ 4” do Liên hợp quốc phát động”, “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”, “Không vượt quá tốc độ quy định”, “Nhanh một phút - Chậm cả đời”, … Đăng tải thường xuyên tin tức, thông điệp về tốc độ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
(2) Tăng cường tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng; rà soát công tác tổ chức giao thông và điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo tốc độ trên phạm vi toàn tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kiểm soát tốc độ, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ nói riêng, vi phạm trật tự ATGT nói chung; triển khai thí điểm những đoạn đường đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tốc độ, không để xẩy ra TNGT... 
 
(3) Tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về tốc độ trên toàn tỉnh, sau đó duy trì thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGTĐB; đánh giá kết quả thực hiện. Tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vi phạm về tốc độ chạy xe, thời gian lái xe; chở đúng trọng tải, chở đúng số người quy định; người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu bia, không phóng nhanh, vượt ẩu… Đình chỉ ngay các phương tiện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và người điều khiển phương tiện không đáp ứng các quy định của pháp luật…
 
Việc đảm bảo ANGT nói chung, giảm thiểu TNGT nói riêng là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Điều đó đòi hỏi tất cả mọi người đều phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về ATGT. Lãnh đạo các địa phương phải thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kiểm điểm làm rõ nguyên nhân dẫn đến TNGT trên địa bàn, đồng thời kịp thời đề ra các biện pháp khắc phục một cách kiên quyết, cụ thể. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các bên liên quan, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, chúng ta tin tưởng việc đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu TNGT trên cả 3 tiêu chí.
 
BAN BIÊN TẬP