"Khó vạn lần dân liệu cũng xong"...

09:05, 24/05/2017

Là một xã vùng sâu, nghèo khó và giao thông còn nhiều khó khăn, thế nhưng, thời gian qua, người dân thôn Phước Trung, xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên đã cùng nhau chung sức đồng lòng, góp công góp của để biến những con đường nhỏ xíu nắng bụi, mưa lầy thành những con đường rộng rãi, sạch sẽ. Từ đây, điều kiện làm ăn của người dân được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao.

Là một xã vùng sâu, nghèo khó và giao thông còn nhiều khó khăn, thế nhưng, thời gian qua, người dân thôn Phước Trung, xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên đã cùng nhau chung sức đồng lòng, góp công góp của để biến những con đường nhỏ xíu nắng bụi, mưa lầy thành những con đường rộng rãi, sạch sẽ. Từ đây, điều kiện làm ăn của người dân được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao.
 
Những con đường được xây dựng từ sự đồng thuận của người dân. Ảnh: V.Quỳnh
Những con đường được xây dựng từ sự đồng thuận của người dân. Ảnh: V.Quỳnh
Thuận lòng dân
 
Từ hai năm nay, người dân 4 xóm: Đoàn Kết, Hòa Thuận, Hòa Sơn, Bãi Tre của thôn Phước Trung đã không còn phải chịu cảnh bị chia cắt bởi những con đường lầy lội mỗi mùa mưa đến. Từ cuối năm 2015, khi con đường chính của thôn được trải bê tông thì những nhánh đường nhỏ dẫn vào các xóm cũng nhanh chóng được cứng hóa.
 
“Làm được điều này là nhờ sự ủng hộ hết mình của bà con nhân dân. Nếu không đồng thuận lòng dân thì không thể nào thực hiện được.”- ông Thạc Văn Phúng năm nay 57 tuổi, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phước Trung khẳng định chắc nịch với chúng tôi khi kể về quá trình bê tông hóa đường giao thông của thôn khi dẫn chúng tôi đi dạo trên tuyến đường chính của thôn vừa trải qua cơn mưa lớn vào đầu giờ chiều nhưng vẫn sạch sẽ, phẳng lỳ. Màu xám của mặt đường nổi bật giữa cánh đồng lúa xanh ngút ngát. Dẫu con đường chỉ rộng khoảng 4 m và dài chưa đến 1 km nhưng đã hiện thực hóa được ước mơ mấy chục năm nay của người dân thôn Phước Trung.
 
Phước Trung hiện có 147 hộ, trong đó 99% là người dân tộc Tày, Nùng từ miền Bắc vào định cư nên cuộc sống của bà con còn khá khó khăn. “Khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, hàng tháng, thôn Phước Trung đều tổ chức họp dân để bàn bạc, lấy ý kiến của người dân về việc bê tông và cứng hóa mặt đường. Đến khi dân đồng thuận, việc vận động người dân hiến đất hay góp công làm đường không còn là điều khó khăn” - ông Phúng bộc bạch.
 
Thôn Phước Trung hiện có 6 con đường liên xóm cũng được người dân đồng lòng chung tay xây dựng với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Căn nhà nhỏ ngay đầu xóm Hòa Sơn là nơi mà gia đình ông Hoàng Văn Đại (53 tuổi) đã sống gần 30 năm nay. Rời Cao Bằng vào vùng lúa Cát Tiên và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới ở một thôn cũng nghèo chẳng kém quê nhà, ông Đại thấu rõ nỗi khổ khi cả xóm chưa có một con đường “đàng hoàng” để trẻ con thuận tiện tới trường và người dân thuận lợi trong chuyên chở hàng hóa. “Một năm trước thôi thì các cô không chạy xe hơi đến được đầu thôn ấy chứ nói gì đến tận cổng nhà tôi như bây giờ. Giờ đường cứng và thông thoáng rồi bà con cũng từ đó phát triển kinh tế gia đình tốt hơn. Bán lúa, bán điều hay mua phân bón, giống cây chỉ mất vài chục phút chạy thẳng là trung tâm xã hoặc chợ Phước Cát” - ông Đại phấn khởi khoe.
 
Là trưởng xóm, ông Đại cũng là một thành viên tham gia vận động, thuyết phục hơn 30 hộ trong xóm đồng ý hiến đất nắn đường, đóng tiền, góp công làm đường.
 
Người dân rất đồng lòng và quyết tâm khi được nghe cán bộ xã, thôn giải thích về những cái lợi mang lại nếu giao thông thuận lợi. Họ càng tin tưởng hơn khi được trực tiếp tham gia giám sát trong quá trình đơn vị thi công đường. Và cứ thế, đường xóm được bê tông, cứng hóa ngày càng tăng. Có hộ hiến cả ngàn mét vuông đất để làm đường.
 
“Người dân còn trực tiếp tham gia đào đất, lấp ruộng ở những đoạn đường xe cơ giới không thực hiện được để mở đường rộng hơn và nắn đường cho thẳng” - ông Long Văn Thụ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Cát II cho biết.
 
Nhân những niềm vui
 
“Cảm thấy vô cùng phấn khởi”- đó là câu người dân thôn Phước Trung nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi chỉ cho chúng tôi xem xe công nông đã bon bon trên con đường xóm, mà hai bên đường là đồng lúa xanh ngắt. Không phấn khởi sao được khi giờ đây nhờ có đường sá thuận lợi mà gạo thu hoạch mỗi năm 2 vụ của họ không còn cảnh bị ép giá do vận chuyển khó khăn. Con em họ mỗi sáng đều hào hứng đến trường trong những bộ quần áo sạch sẽ, tươm tất. Bữa cơm mỗi ngày cũng ngon hơn bởi luôn có đầy đủ cá, thịt và rau xanh vì chỉ mất vài chục phút là chạy ra đến chợ thôn hay xã… 
 
Từ năm 2014 đến nay, thôn Phước Trung đã đổ đất đá cứng hóa mặt đường được 3 tuyến đường, mỗi tuyến dài 400 m, mặt đường rộng 3 m, gồm các nhánh đường dẫn vào khu dân cư và sản xuất của các xóm. Riêng việc bê tông hóa đã được hoàn thành nhanh chóng tại các tuyến đường chính. Bắt đầu là đường dẫn vào xóm Đoàn Kết với chiều dài 670 m được hoàn thành vào cuối năm 2015. Cuối năm 2016 là 350 m của xóm Hòa Thuận và xóm Đoàn Kết. Đầu năm 2017, con đường từ thôn Phước Trung của xã Phước Cát 2 đi thôn Cát Hòa của xã Phước Cát 1 với chiều dài 1.100 m cũng đã được hoàn thành, tạo điều kiện giao thương dễ dàng cho người dân 2 xã. Mặt bằng làm đường do người dân hiến đất 100%, bởi ai cũng hiểu được giá trị, ý nghĩa của những con đường.
 
“Mừng nhất là xe lớn bây giờ cũng vào tận đồng ruộng trong xóm chở lúa được. Chúng tôi bán lúa bằng giá ở ngoài đường cái. Bà con nông dân không còn mất công, mất tiền thuê người chở từng bao ra đường lớn bằng xe máy như trước đây” - ông Phúng hào hứng.
 
Trời về chiều, mưa bắt đầu đổ hạt. Nhưng niềm vui vẫn lấp lánh trong ánh mắt ông Đại khi nhìn 2 đứa cháu sinh đôi mới hơn 3 tuổi đang nô đùa trên con đường trước cổng nhà. Ông bảo, bây giờ không còn sợ trời mưa, mấy đứa nhỏ này rồi đây từ những con đường nhỏ được chính ông bà, cha mẹ chắt chiu xây dựng nên sẽ dễ dàng đi ra những con đường lớn hơn, rộng hơn, sẽ trở thành những bác sĩ, kỹ sư, nhà nông nghiệp giỏi, nhân thêm niềm tự hào của quê nghèo Phước Trung.
 
VIỆT QUỲNH