Lũng Cú chiều cuối xuân

09:05, 25/05/2017

Hà Giang đón đa số văn nghệ sĩ trong đoàn công tác do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức bằng cơn mưa đêm mát lạnh. Mưa núi mạnh mẽ gột rửa tất thảy những bận bịu về Sài Gòn chật chội, đang đỏng đảnh nắng mưa những buổi giao mùa vẫn vướng víu mọi người. 

Hà Giang đón đa số văn nghệ sĩ trong đoàn công tác do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức bằng cơn mưa đêm mát lạnh. Mưa núi mạnh mẽ gột rửa tất thảy những bận bịu về Sài Gòn chật chội, đang đỏng đảnh nắng mưa những buổi giao mùa vẫn vướng víu mọi người. 
 
Lũng Cú nhìn từ trên cao. Ảnh: T.Hương
Lũng Cú nhìn từ trên cao. Ảnh: T.Hương
Nhà văn Phương Huyền, cô bạn ngồi cạnh tôi suốt hành trình thuộc hàng mình hạc xương mai. Khó hình dung nổi cô bạn có thể háo hức với chuyến đi về miền biên ải, nơi những địa danh phải qua chỉ nghe tên cũng đầy hãi hùng: Dốc chín khúc, đèo Mã Pí Lèng... Mã Pí Lèng có nghĩa là “sống mũi ngựa”, là đèo có vực sâu nhất Đông Nam Á với độ sâu gần nghìn mét - một trong Tứ đại đèo nguy hiểm bậc nhất Tây Bắc. Nói về độ sâu kì vĩ của con đèo này, Đức - cậu thanh nên người Mèo, hướng dẫn viên của đoàn kể, thời trước, người Mèo muốn biết độ sâu của Mã Pí Lèng, đã dùng quả trứng gà buộc dây thòng xuống. Dây thòng mãi chưa xuống đến nơi, kéo lên thì không thấy quả trứng đâu, và người dân tộc thật thà tin rằng đèo sâu tới mức quả trứng đã nở thành con bay đi mà dây vẫn chưa chạm đáy. Những con đèo, núi đá, hang cùng quyến rũ chúng tôi bằng những câu chuyện nửa hư nửa thật, giản dị như thế. 
 
Bên cạnh những vẻ đẹp kì vĩ, lộng lẫy của sông núi, vực sâu, Hà Giang quyến rũ bởi những trải nghiệm đặc biệt khi được đi, khám phá, để hiểu được tiếng nói của cha anh, của những thế hệ đi trước đã bảo vệ và gìn giữ sông núi ngày nay. Sự quyến rũ của núi rừng biên ải khiến khách chẳng thấy thấm thía chi mệt mỏi. Trên xe, bác tài “tay lái vàng” của những cung đường Tây Bắc thi thoảng vẫn phanh gấp, vẫn rướn sức đưa đoàn người bò qua những dốc quanh gấp khúc khuỷu tay. Ca sĩ Phạm Thế Vỹ, vẫn cất giọng hòa chung với ca sĩ Thiên Phú: “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn…”, “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về”… Đó là những khúc ca đầy sức gợi mở hân hoan yêu thương cho bất cứ ai về miền biên ải, dù đã được đặt chân đến hay chưa. Khúc ca ấy càng ngọt ngào hơn khi chúng tôi có thể vừa lắng nghe, vừa ngắm nhìn khi ngoài ô cửa xe: “Khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương say”. Mùa hoa đào đã qua, gửi yêu thương lại trên những trái đào non tơ má phấn, mùa hoa sở vẫn còn, lấp lóa ú òa trổ hoa tinh khôi trắng xóa đầy sức sống giữa những vạt rừng cao nguyên đá nâu sẫm làm nên từng vạt duyên dáng cho núi rừng Tây Bắc…
 
Điểm đón chờ nhất của mỗi chúng tôi trong ngày hôm ấy là cột cờ Lũng Cú. Tôi từng nghe những từ “phút giây thiêng” trong văn thơ của những người đi trước, trong những câu chuyện lịch sử. Nhưng rồi, để cảm nhận rõ ràng những từ ấy, phải đến khi đặt chân lên cột cờ Lũng Cú, khi nghe cô bé có nước da trắng ngần, đôi mắt nhỏ đặc trưng của người dân tộc kể về những câu chuyện hào hùng nối từ ngàn xưa quanh cột cờ, dưới lá cờ ngạo nghễ tung bay trong nắng gió. Là chuyện vua Quang Trung cho đúc trống đồng, tiếng trống ấy báo sự an nguy của cả một dân tộc. Tiếng trống đồng ấy vẫn còn đâu đó khi nhìn chân cột cờ Lũng Cú là bức phù điêu thật đẹp in biểu tượng trống đồng, khi nghe kể về những chàng trai dân tộc xung quanh chân núi vẫn rất giỏi trống chiêng dù đã bao đời cha anh đi qua. Là chuyện về mặt hồ bán nguyệt xa xa bên chân cột cờ Lũng Cú - nơi rồng ở, thương dân thiếu nước, đã để lại đôi mắt của mình. Đôi mắt ấy biến thành hồ nước hiền hòa quanh năm không bao giờ thiếu nước dù xung quanh chỉ toàn núi đá, nắng hạn. Hồ nước vẫn long lanh kia, bên những ruộng ngô, ruộng lúa ngời ngời sức sống mọc lên từ núi đá. Ánh nắng soi thẳng xuống mặt hồ mùa xuân hắt lên những ánh xanh ngọc ngà tuyệt đẹp. Sâu đậm hơn cả vẫn là tiếng lá cờ đỏ tung bay, tiếng phần phật trong gió như đập chung từng hơi thở nhịp đập trái tim mình.
 
Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Internet
Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Internet
Đứng bên lá cờ nơi địa đầu Tổ quốc là một trải nghiệm đặc biệt đáng nhớ với những nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh. Cảm giác tâm hồn mình như thể rộng dài ra với mây, núi, nắng, gió. Cảm nhận niềm hân hoan khó tả nhưng thật gần khi được đưa tay mình với lên thật gần sắc cờ Tổ quốc sẽ là cảm giác mà chúng tôi biết chắc sẽ theo mình đi suốt cuộc đời này. Lá cờ 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, đứng kiêu hãnh trên đỉnh núi, ở độ cao hơn 1.700 mét so với mặt nước biển, oai dũng phần phật, tự do trong gió trời. Trưởng đồn biên phòng Lũng Cú kể, cứ hai tuần các anh lại thay một lá cờ mới vì sức gió mạnh quá. Quá thời gian ấy, lá cờ khó trụ được nguyên vẹn. Và những lá cờ được thay ra, sẽ được tặng cho những đoàn tham quan cột cờ Lũng Cú, mang về theo hành trình của mình, như mang theo một phần tâm hồn mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
 
Đoàn chúng tôi được đón nhận một lá cờ đặc biệt ấy. Khi hát Quốc ca dưới chân cột cờ Lũng Cú, khi nhìn những anh chị cùng đoàn mình đại diện nhận lá cờ từ đồn trưởng, lòng ai nấy đều rưng rưng. Tôi thấy nhà văn Bích Ngân, NSƯT Tạ Minh Tâm… không giấu được cảm xúc của mình trong khóe mắt, khi các anh, chị trân trọng đặt một nụ hôn lên lá cờ Tổ quốc, với vẻ mặt kìm nén những cảm xúc chực vỡ òa. Diễn viên Hạnh Thúy nói, giọng nghèn nghẹn đi: “Lạ nhỉ, sao hát Quốc ca mà mình khóc?”. Có nhiều ánh mắt lấp lánh nhìn nhau, đồng cảm với câu hỏi ấy. Còn nhà văn Bích Ngân, chị ngồi bệt nơi bậc thang dẫn lên cột cờ, ở một khúc vắng người, mở cuốn sổ tay ghi chép viết vội. Chắc rằng đó là những dòng cảm xúc mãnh liệt trong đời văn của chị.
 
Chẳng biết lòng người có “thiên vị” với Lũng Cú không mà khi tôi nói với cô bạn cạnh bên: “Nhìn này, hoa tường vi ở đây đẹp thật” thì cô bạn vội gật đầu xác nhận. Đó là loài hoa gắn bó với tuổi thơ tôi, mọc từng đám, từng bụi phớt hồng, thoang thoảng hương thơm ven chân núi Quyết thành Vinh, trên những lối đi chơi, đường đi học. Loài hoa ấy hàng chục năm rồi tôi không gặp khi đô thị hóa lấn hết phần hoa dại, để rồi bất ngờ reo lên khi gặp trên đường lên cột cờ Lũng Cú. Còn nhà văn Phương Huyền thì không ngớt trầm trồ khi vô tình nhìn thấy những đứa nhỏ đứng bên đường vẫy tay chào khách với ánh mắt thân tình, tươi vui; bạn nói, đó, tuổi thơ mình cũng vậy đó…
 
Lũng Cú còn neo lòng người phương Nam bởi những câu chuyện của người chiến sĩ biên phòng. Chuyện những người thầy, người bác sĩ mặc áo lính lặn lội qua những dốc, những vực để đến với bà con trong bản, trong làng. Hòa bình lâu rồi mà các anh vẫn xa vợ con 5, 6 tháng mới gặp mặt. Mỗi lần về nhà lại phải làm quen lại với chính con mình, vì hình ảnh người cha chưa kịp in hằn trong kí ức non trẻ của con đã vội đi xa. Chuyện những đứa trẻ sinh ra từ bản làng, mất mẹ mất cha, lớn lên trong vòng tay yêu thương của người lính biên phòng. Những người lính và lũ trẻ xếp hàng thẳng tắp chào đón, tiễn khách với cái nắm tay ấm thật ấm giữa buổi chiều sương lạnh khiến ai nấy đều mang một cảm giác bùi ngùi không muốn xa.
 
Xe chúng tôi rời Lũng Cú, trôi trong trăng mùa Phật đản tròn vạnh vừa nhô lên chênh vênh trên đỉnh non ngàn. Xe bồng bềnh giữa sương chiều và gió núi. Xe ngẩn ngơ giữa vẻ đẹp đại ngàn trập trùng vào đêm... Tôi cũng như nhiều anh chị em nghệ sĩ, biết rằng đã có một Lũng Cú trong tâm hồn mình rồi đó, khi lòng mình bỗng thấy biết ơn, thấy an nhiên, dung dị và rộng mở hơn, sau một lần về địa đầu Tổ quốc yêu thương…
 
VÕ THU HƯƠNG