Mười năm khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập

09:05, 05/05/2017

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các Đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy và các ngành liên quan khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11. 

Ngay sau khi Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (Chỉ thị 11) ban hành về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT); Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các Đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy và các ngành liên quan khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11. 
 
Một buổi dạy và học tại Trường Tiểu học Đa Nung (Đạ Đờn, Lâm Hà). Ảnh: Phan Nhân
Một buổi dạy và học tại Trường Tiểu học Đa Nung (Đạ Đờn, Lâm Hà). Ảnh: Phan Nhân
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Lâm Đồng đã phát triển khá toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, quy mô giáo dục tăng nhanh, hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phát triển sâu rộng và khá vững chắc; chất lượng giáo dục không ngừng được củng cố, nâng cao; giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được tăng cường... Đội ngũ giáo viên được đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn với tỷ lệ cao; qui mô giáo dục tiếp tục và ngày càng được mở rộng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập được đẩy mạnh, các mô hình hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT phát triển đa dạng đã mang lại hiệu quả thiết thực.
 
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 147.198 gia đình học tập (tăng 99.854 so với năm 2012), 267 dòng họ học tập (tăng 163 so với năm 2012); có 1.032 cộng đồng học tập, 675 đơn vị học tập cấp trường học.
 
Về phổ cập giáo dục và kết quả xóa mù chữ: toàn tỉnh có 49 xã đạt phổ cập tiểu học cấp độ 2 (tăng 37 xã so với năm 2012), 98 xã đạt phổ cập tiểu học cấp độ 3. Có 3/12 huyện đạt phổ cập tiểu học cấp độ 2, 9/12 huyện đạt phổ cập tiểu học cấp độ 3; 100% huyện, thành phố đạt phổ cập THCS; 98% trong độ tuổi 15-30 tuổi xóa mù chữ. 
 
Đối với đào tạo nghề từ năm 2007 đến tháng 12/2016: có 16.087 lao động nông thôn được đào tạo nghề; 10.975 lao động nông thôn được đào tạo nghề có việc làm; 2.637 công nhân lao động được đào tạo bồi dưỡng.
 
Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ từ năm 2007 đến tháng 12/2016 có: 6.598/9.008 (tỷ lệ 73.2%) công chức cấp xã được đào tạo và bồi dưỡng; 3.325/4.323 (tỷ lệ 76.9%) công chức cấp huyện được đào tạo và bồi dưỡng.
 
Hiện toàn tỉnh có 147/147 xã, phường, thị trấn đều có TTHTCĐ, đạt tỉ lệ 100%, tăng 27 trung tâm so với năm 2012 và có 82 TTHTCĐ kết hợp với nhà văn hóa xã. Hoạt động của các trung tâm theo phương châm “cần gì học nấy” đã thu hút được đông đảo người lao động, thanh thiếu niên tham gia học nghề, chuyển giao công nghệ trong sản xuất và chăn nuôi... 
 
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ; tuy nhiên cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Cụ thể, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT có lúc, có nơi chưa được đầy đủ. Công tác kiểm tra, đôn đốc chưa mang tính kế hoạch và thường xuyên. Nhiều tổ chức hội còn nặng về khuyến khích vật chất là chính, ít quan tâm đến công tác phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Một số cơ sở giáo dục trong tỉnh chưa phối hợp chặt chẽ với hội khuyến học để giải quyết những khó khăn trong nhà trường, dẫn đến những tiêu cực trong dạy và học chậm được khắc phục. Công tác phát triển tổ chức Hội và phát triển hội viên còn thấp, chưa đạt mặt bằng chung của cả nước. Hoạt động của một số hội cơ sở chưa thường xuyên, lúng túng, kết quả hoạt động chưa cao. Đặc biệt, việc triển khai các mô hình học tập ở cơ sở giai đoạn 2016-2020 và xây dựng mô hình điểm “Cộng đồng học tập” cấp xã năm 2016 ở một số đơn vị còn chậm so với tiến độ đề ra…
 
Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT của tỉnh trong những năm tới đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế... các cấp, các ngành cần triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT theo tinh thần Chỉ thị 11, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội, mọi người dân trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác khuyến học, xem đây là trách nhiệm của từng cấp ủy đảng, chính quyền và từng cán bộ, đảng viên trên mặt trận khuyến học. Củng cố xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nhất là ở cơ sở, chi hội trường học, các doanh nghiệp, các cơ quan, dòng họ... Đồng thời, củng cố, phát triển bền vững tổ chức Hội và hội viên; đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức Hội trong các cơ quan, đơn vị, trường học, các cơ sở tôn giáo... đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong xây dựng XHHT. Tạo điều kiện để mọi người có cơ hội tiếp cận, nâng cao trình độ học vấn, góp phần thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, xây dựng XHHT trong phạm vi toàn tỉnh phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
NGUYỄN THỊ MỴ