Nghe tiếng thảo mộc ở buôn làng vang danh Tây Nguyên

09:05, 04/05/2017

Tôi mua một ít gạo và rượu trắng mang đến mộ ông đặt xuống hướng chân, vì biết người thiểu số Ê Đê vốn coi gạo với rượu mộc là thứ cao cả và chân là chỗ linh hồn con người bay lên - cùng với đầu. Ông "ra đi" vào một mùa khô cuối năm nọ...

Tôi mua một ít gạo và rượu trắng mang đến mộ ông đặt xuống hướng chân, vì biết người thiểu số Ê Đê vốn coi gạo với rượu mộc là thứ cao cả và chân là chỗ linh hồn con người bay lên - cùng với đầu. Ông “ra đi” vào một mùa khô cuối năm nọ. Chỗ ông nằm là cuối làng, từ hướng phố vào, cách căn nhà dài lúc ông sống chừng hai mươi ba thước; nhưng theo người Ê Đê thì nơi đầu nguồn con suối kia mới là đầu buôn. Mộ ông nhìn ngay ra bao quát hết buôn Akô Dhông này.   
 
Ai đó mới trồng một cây kơnia trước mộ ông hẳn để tăng chất “Tây Nguyên” cho mộ một già làng - già làng Ama H’rin. Nhưng ngôi mộ thì vẫn đang được che mát nhờ một cây cổ thụ to còn sót lại mà hẳn ý thức lắm người ta mới giữ được nó đến giờ giữa cơn xô bồ thời địa ốc bởi buôn ông thực chất là một khu phố nằm giữa thành phố Buôn Ma Thuột sống động.
 
Kiến trúc truyền thống “chung sống” với kiến trúc hiện đại. Ảnh: Hàng Tình
Kiến trúc truyền thống “chung sống” với kiến trúc hiện đại. Ảnh: Hàng Tình
“Kiến trúc sư trưởng” 
 
Tôi ngắm mê mải Akô Dhông. Kiến trúc chan hòa trong sinh thái. Nó thanh bình và thiện lành, hoàn hảo đến mức đã ra đời hơn sáu mươi năm qua, Akô Dhông vẫn nguyên xi nếp nhà dài Ê Đê truyền thống. Mỗi gia đình một căn nhà sàn dài ngút, đẹp thuần khiết, chắc chắn, sườn là gỗ căm xe và cà chít. Bên trong căn nhà dài nào cũng có bếp lửa, có cái Kpan, có cồng, chiêng, ché rượu, cây nêu, vỏ bầu, trái bí, và tất cả những vật kia vẫn đang “sống”, được gióng lên, thở ra, bốc khói, chứ không phải hiện vật triển lãm. Bên ngoài, để lên bất cứ căn nhà sàn nào, vẫn bước lên cặp đôi cầu thang “đàn ông” và “đàn bà”, mà chiếc cầu thang nữ thì vẫn tạc đôi ngực phồn sinh của người phụ nữ để biểu thị cho tinh thần mẫu hệ. Những gì liên quan đến “không gian văn hóa cồng chiêng” và nền “Văn minh thảo mộc” ấy vẫn còn nguyên xi. Bây giờ đời sống khá giả, nhiều nhà xây thêm nhà mới, thì căn biệt thự lại đặt lút cuối căn nhà dài, để nó nép mình bên căn nhà sàn, chứ không cho chồm ra. Biệt thự bê tông hiện đại với vật dụng bên trong xa xỉ nhưng mà là “nhà phụ”, chỉ là bộ phận cơi nới thôi, nhìn kỹ mới thấy nó. Cây phía sau trùm cái biệt thự lại, trong khi căn nhà sàn như mũi tàu hướng ra mặt đường phố chính - con đường nhựa mang tên Trần Nhật Duật xuyên qua làng. “Dân trí” ở cái làng này không những không thua kém mà nhiều làng Việt hay khu phố người Kinh hình thành trên đất Tây Nguyên chạy theo ứ hơi không nổi. Người Akô Dhông tham dự vào mọi nghề nghiệp trong xã hội, thành đạt, và được nể trọng rộng khắp. Bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, công chức, doanh nhân… ê hề ở làng này, như điều bình thường. Nhiều chục năm trước, Ama H’rin đã coi giáo dục là lối ra cho dân tộc, và nài nỉ các gia đình bền bỉ thực hiện. Con trẻ, ra đường nói tiếng phổ thông cho “tiện”, hội nhập, nhưng về nhà phải nói tiếng Ê Đê với nhau. Đi xe hơi, ăn tiệc buffet, nhảy múa hiện đại, uống rượu Tây, nhưng ai cũng yêu giấc ngủ ở nhà dài, chơi được đing Pút, đing Năm, ăn được món kiến trộn, canh cà đắng, si mê dân ca Ê Đê, dệt được thổ cẩm... Nửa thế kỷ qua, Ama H’rin đã định hướng con đường phát triển cho cộng đồng như thế. Giàu có, sung túc, nhưng vẫn có hồn cốt riêng, sức mạnh riêng, vẻ đẹp riêng. Hỏi ra mới biết Ama H’rin luôn nói với làng về sắc thái Ê Đê, truyền thống riêng. Nhưng ông không cưỡng ép ai cả, chỉ vạch hướng, đưa ra tư tưởng, khuyên. Ông thực hiện điều đó triệt để trong căn nhà dài của ông, gia đình mình. Cả làng thấy “đúng quá”, cứ như không có sự lựa chọn nào khác hay hơn. Làm theo. Ông “lái” họ đi tự nhiên. Làm sao người ta không tin yêu ông khi lúc lập làng, đất mình mở, nhưng cà phê trồng ra bốn mươi mẫu ông chia đều mình với mọi người. Tinh thần đùm bọc và sẻ chia nó đi xuyên suốt ở cái làng này đến ngày ông qua đời. Cái làng sâu sắc và sang trọng. Bao thập niên qua nó trở thành mô hình mẫu mực ở cao nguyên, và cả nước không thể có cái thứ hai. Khi tất cả các buôn ở trong lòng Buôn Ma Thuột đã dần biến mất hình hài cả, từ Alê A, Alê B, Păm lăm, Kô Sia, thì Akô Dhông vẫn sừng sững, thách thức biến thiên thế cuộc, không bị tan vỡ. Điều kỳ diệu ấy được xây trên nền móng của tầm nhìn xa trông rộng và trái tim nhân ái vô tận của nhà kiến tạo Ama H’rin. Bao nhiêu năm rồi mà vẫn không lạc “qui hoạch”, không vỡ kiến trúc, không tan thiết chế gia đình, xã hội, giữa một thành phố khổng lồ năng động Buôn Ma Thuột thế kia.
 
Thâm hậu trước cơn lốc “Đô thị hóa” 
 
Tôi lại đặt chân lên các căn nhà dài. Nhưng tôi biết, thời gian bao giờ chẳng thách thức mọi giá trị trên đời. 
 
H’Len Nie, một người phụ nữ rắn rỏi bốn mươi ba tuổi đang chỉ huy cất thêm một căn nhà dài phía trước mảnh đất còn lại của gia đình mình. H’Len tâm tình thật là nhờ qua nhiều mối lái mới mua được mớ gỗ căm xe này. Không như xưa, muốn có gỗ cất nhà sàn bà con cứ lên rừng đưa về. H’Len bảo, dù thời cuộc thế nào cô cũng phải giữ truyền thống, vì nó là một vẻ đẹp riêng biệt, thấy gần gũi với sở thích và tâm hồn mình, như Ama H’rin đã làm. 
 
*
 
Xưa Akô Dhông sống thả lỏng, an nhiên, bền bỉ mình là mình, sức đề kháng dũng mãnh, dũng mãnh đến ngoạn mục. Nay Akô Dhông hình như đã không gồng mình chịu nổi nên cuốn vào vòng xoáy xu thế chung. Của cải vật chất đã không còn xem thường, sự cảnh giác khi sống cũng tăng lên, an ninh bỗng chú ý. Xung quanh sống bằng lý trí thì tôi không thể sống bằng trái tim. Cấu trúc vật thể và phi vật thể thế là giãn ra, rạn dần.
 
Rạn dần như H’Len nhận ra. Rằng, đất chật người đông ra, nhiều nhà chẻ đất ra bán để giải quyết cuộc sống, gần đây. Người không phải con dân sinh ra và lớn lên ở làng đã bắt đầu xuất hiện. Nhà của “Công dân mới” biết liền, nếu không mọc ra nhà xây hộp diêm mái bằng thì cũng một cái nhà sàn cao to khác thường, diêm dúa hơn, cổng rào to hơn, muốn nhấn chìm những nhà sàn truyền thống xung quanh. Những người trong làng bảo, xưa một căn nhà mọc lên, người ta nhìn tới nhìn lui xem Ama H’rin có mát ruột, cả làng có tán phục không, thì nay tự ý mỗi người tung hoành trên miếng đất và đồng vốn của mình.
 
Mỗi người đều có quyền làm gì trên mảnh đất và trong nhà của mình. Buôn mới hôm nào thuần hậu, chưa có cảm giác “đau”, “tiếc” là gì. Nay thì nhiều người bỗng bất lực cho cái của quí là cấu trúc của làng vào một ngày mong manh, không như xưa nữa. Xưa mình Ama H’rin nói, ai cũng nghe. Nay ai cũng nói, nhưng ít người nghe. Hoặc ít khi buồn nói, khuyên bảo nhau nữa. Họ bảo tôi suốt năm qua họ ê chề cho cái nhà hàng, khách sạn khổng lồ với thứ kiến trúc xa lạ nằm ngay đầu làng. Bao nhiêu căn nhà sàn truyền thống từ tốn nép mình trong thiên nhiên, thanh thoát như tiếng chiêng, với màu sậm của gỗ và màu đỏ của mái gạch, bỗng lạc lõng trước công trình bê tông diêm dúa. Khách sạn và nhà hàng Yang Sing đó dĩ nhiên khai thác giá trị của buôn Akô Dhông để sinh lợi, vì nếu không vì sức hấp dẫn của Akô Dhông cho du khách thăm thú thì nó không có mặt ở đây làm gì. Chỉ có điều nó như “đè” cái buôn này xuống để vắt sữa, thay vì khiêm tốn nương theo từ kiến trúc đến văn hóa, tâm hồn. Y Dắc, con trai của “Kiến trúc sư trưởng” Ama H’rin tâm sự với tôi rằng: “Dĩ nhiên là ông già sẽ rất buồn, khi phải thấy những công trình kiến trúc xa lạ xuất hiện trong buôn mà mình suốt đời nhào nặn ra nó và gìn giữ !”. Còn Y Phôn - cũng là một người thân của buôn này, dù xuất thân tận một làng ở Ea H’leo cách 150 cây số - kể với tôi rằng, trước khi mất Ama H’rin hay tâm tư với anh rất nhiều vì sợ tan biến không gian sống đặc trưng, bản sắc kiến trúc Ê Đê, cũng như sự chan hòa yêu thương giữa người với người khi ông không còn trên đời.
 
*
 
Nốt lặng của rừng
 
Đời sống duy vật và tâm linh mới quét qua mọi ngóc ngách trên thế giới, thì nó có tránh cái buôn Akô Dhông này đâu.
 
Nên giờ thì tôi đã thấy những người trẻ ở Akô Dhông vẫn chơi xe máy, xe hơi, điện thoại di động đủ kiểu. Họ vẫn quần Jean, áo Pull, váy hiện đại, chứ không mặc váy thổ cẩm. Như Y Dăc hát bất cứ thứ nhạc pop, rock nào anh thấy hay, có cảm xúc. Vậy thì cái truyền thống nhiều khi chỉ là mong muốn ướt lệ, vì nó có giá trị, chứ không hẳn nó bất biến, đánh gục và trói con người lại thả chìm trong đó. Nó tiếp biến. Ama H’rin tạo ra được không gian kiến trúc đặc trưng cho Akô Dhông, nhưng tâm hồn của những người bên trong từng căn nhà dài, ông không thể ngăn cản được sự vận chuyển của cảm xúc, mà cảm xúc thì nó đi cùng cuộc sống.
 
Và như H’Len đó, có lường được đâu một ngày đi thuê những người không sống và không biết gì về nhà dài Tây Nguyên dựng những căn nhà dài ấy cho cảm xúc của mình. Nàng nói nhà sàn của nàng vẫn nguyên mẫu hồn phách Ê Đê, đủ hai bếp lửa trên và dưới, chiêng, ché, kpan, trống, sàn…, vì “mình không thể xa cảm xúc chứa chan thảo mộc đó”. Đó là quyền của H’Len. H’Len bảo nếu nàng là trưởng buôn sẽ nói cộng đồng không cho những kiến trúc thô bạo, vô duyên, lạc điệu, như cái khách sạn/ nhà hàng to lạ bỗng đột nhiên xuất hiện trước buôn, khống chế cả không gian thiêng liêng. Nhưng luật pháp nào cho nàng làm điều đó, khi người ta xây dựng công trình theo giấy tờ, được luật pháp bảo hộ. Giấy phép xây dựng thì không tính đến lịch sử của làng và bản sắc văn hóa. Vật chất và văn hóa nhiều lúc không đồng hành. Cũng như luật pháp và luật tục vậy, dù cả hai đều có giá trị cho con người, nhưng không gian tồn tại lại khác, và thời đại của nó. Thôi thì giữ được chừng nào thì giữ, bản sắc cộng đồng, văn hóa ngàn đời. Trật tự tự nhiên nó sẽ “dạy” cho người đời chuyển dịch và tồn tại.
 
H’Len đủ nội lực của một người Mẹ Ê Đê với tình yêu sâu nặng truyền thống để giữ cho căn nhà sàn cô đang cất thật “Ê Đê”. Y Zắc đủ sức để hát nhạc hiện đại nhưng vẫn mang hồn cốt núi rừng, ở cái tuổi trên bốn mươi và được trải qua hành trình dài được Ama H’rin nạp cho năng lượng. Nhưng những người trẻ, lớn lên khi Ama H’rin đã khuất bóng, có đủ sức để đi theo con đường khó khăn đó - cái con đường hội nhập nhưng vẫn là chính mình, nhận ra mình là ai giữa đám đông, trong nếp ở, hơi thở, lời ăn tiếng nói. Giữ bản sắc sơn nguyên được hơn nửa thế kỷ qua đã là kỳ diệu, khi mà bon, plei, buôn ở nhiều nơi đều bất khả. Cả Buôn Ma Thuột đã nở tung ra, mỗi ngày một to đùng, sinh động và sôi động, ồn ào và bát nháo, cởi mở và tàn bạo, thì “không gian” của Kiến trúc sư trưởng Ama H’rin thành một “cõi riêng” mà được à.
 
*
 
Ông là một trong ba già làng Tây Nguyên đầu tiên tôi được kết thân, từ mười chín năm qua. Và buôn của ông là cái buôn nổi tiếng nhì Tây Nguyên. Có điều cái buôn nổi tiếng nhất là Buôn Ma Thuột kia chỉ còn cái tên, thành địa danh cho một thành phố, còn buôn ông vẫn đương thì. Đến Buôn Ma Thuột, hỏi đường Trần Nhật Duật không chắc nhiều người rõ, nhưng hỏi buôn Akô Dhông thì không ai không biết. Nó đang “sống”, nhưng mọi người trong nó không biết nó “sống” đến khi nào trước cơn sóng thần của thời đại và cơn lốc của đô thị hóa, bị đồng hóa hoặc và tự đồng hóa. 
 
H’Len Nie bày tỏ rằng, mỗi sáng chạy thể dục ngang mộ Ama H’rin nàng thường đứng thẫn thờ trước mộ, và hay nhủ ông: Già làm sao linh thiêng về kết nối mọi người, để cuộc sống được như xưa, chan hòa và đoàn kết. Làm cho mọi người biết quí, gìn giữ vẻ đẹp của làng mình, và tiếp tục như vậy. Lòng thiêng ông có làm được điều cô H’Len Nie cầu mong không, hay ông đã xong sứ mệnh của mình…
 
Bút ký NGUYỄN HÀNG TÌNH