Nhà trường cùng cộng đồng ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

09:05, 26/05/2017

Lần đầu tiên ở một ngôi trường vùng sâu, vùng xa, các thầy, cô giáo cùng tham gia vào một đề tài khoa học mang tính xã hội rất lớn, mà mục đích là để bảo vệ "nạn nhân" chính là những học trò của mình.

Lần đầu tiên ở một ngôi trường vùng sâu, vùng xa, các thầy, cô giáo cùng tham gia vào một đề tài khoa học mang tính xã hội rất lớn, mà mục đích là để bảo vệ “nạn nhân” chính là những học trò của mình.
 
Từ tình thương thành “hành động”
 
Thương học trò bữa học bữa nghỉ, rồi nghỉ học hẳn, vận động mấy cũng không ra lớp, cha mẹ nói “chỉ cần học cho biết chữ là được”, để rồi chỉ một vài năm rời ghế nhà trường nhiều em đã con bồng, con bế, tay xách nách mang, vất vả nhọc nhằn với cơm áo đời thường; các thầy, cô giáo Trường THCS Lê Văn Tám (Tân Thanh - Lâm Hà) đã cùng nhau làm đề tài Tuyên truyền tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho học sinh. Đề tài đã được Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lâm Đồng công nhận là đề tài khoa học cấp sở, được đánh giá cao và đoạt giải. 
 
Trường THCS Lê Văn Tám đóng chân trên địa bàn xã Tân Thanh (Lâm Hà) - một xã nằm ở cuối tỉnh lộ 725, giáp ranh với huyện Di Linh và tỉnh Đắk Nông, 11 thôn với dân số 10.863 người, nơi đây cũng từng là điểm nóng của nạn di cư tự do. 75% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số gồm người K’Ho bản địa và người Tày, Nùng, H’Mông, Thái... di cư từ phía Bắc. 
 
Qua thực tế điều tra của nhà trường, từ năm 2010 đến nay, năm học nào nhà trường cũng có học sinh nghỉ học để kết hôn, số em nghỉ học có chiều hướng tăng cao. Việc kết hôn chủ yếu ở học sinh nữ học lớp 8, lớp 9, các em mới chỉ ở độ tuổi 14 - 16, tình trạng hôn nhân cận huyết cũng diễn ra phổ biến ở đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ giáo dục của nhà trường và sự phát triển của địa phương. 
 
Thầy Phạm Văn Đạo - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám cho biết thêm: Hàng năm, nhà trường đều có học sinh nghỉ học vì tảo hôn, thậm chí có cả học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Một số em sau khi kết hôn, sinh con rồi đi học trở lại để nhận bằng tốt nghiệp, có em vừa học để nhận bằng tốt nghiệp vừa mang thai sinh con. 
 
Có mặt ở vùng đất Tân Thanh gần 30 năm, là người thường xuyên gắn bó yêu thương, vận động học sinh ra lớp, cô giáo Triệu Thị Sa đã từng chứng kiến học trò của mình chưa trưởng thành đã làm mẹ khi đang tuổi ăn tuổi chơi mà không khỏi ngậm ngùi xót xa.
 
Việc bắt tay vào nghiên cứu một đề tài mang tính xã hội, nằm ngay trên địa bàn ngôi trường đóng chân cũng là một sự mạnh dạn lớn của tập thể sư phạm các thầy, cô giáo. Điều thuận lợi là đề tài của các thầy, cô giáo đã được thực hiện trên chính những “đối tượng nghiên cứu” là những hoàn cảnh học trò của mình. Mỗi thầy, cô giáo đứng lớp đều nắm rõ hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh, tên phụ huynh, tuổi tác của họ; nắm rõ những câu chuyện về các em chưa đến tuổi trưởng thành cha mẹ đã gả đi để giảm bớt “gánh nặng”. Nhiều hoàn cảnh éo le, có em dù không muốn bỏ học lấy chồng nhưng khi nghe cha mẹ giải thích và thấy bạn bè cùng lứa có chồng thì cũng đồng ý. Để ít năm sau nhà trường lại đón những đứa trẻ là con của học trò mình, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo…
 
Kết quả khảo sát thực tế đã nói lên chính xác thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại Trường THCS Lê Văn Tám và xã Tân Thanh trong những năm học qua. Các thầy, cô giáo thu thập, phân tích kỹ lưỡng trong đề tài khoa học bằng những dẫn chứng cụ thể, người thật việc thật, với số liệu chính xác, có điều tra xã hội học cụ thể, nêu hậu quả, tác hại và những giải pháp thiết thực. Từ đó, việc tuyên truyền, vận động, giáo dục từ trong chính nhà trường, làm thay đổi nhận thức từ chính “nạn nhân”.
 
Tác động lớn của một đề tài khoa học
 
Sau khi đề tài được công nhận là đề tài khoa học cấp tỉnh, ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp tổ chức một chuyên đề ngoại khóa, áp dụng “giải pháp” tuyên truyền ngay chính tại ngôi trường của mình. Qua đó đã ghi nhận giá trị ứng dụng thực tiễn to lớn của đề tài. Buổi chuyên đề đã nhận được sự tham gia của toàn thể học sinh nhà trường, phụ huynh, đại diện chính quyền, các đoàn thể của xã Tân Thanh.
 
Được thầy cô nói rõ, tuyên truyền rõ, học sinh và phụ huynh đều hiểu rằng cả tảo hôn và hôn nhân cận huyết đều sẽ sinh ra những đứa trẻ yếu ớt, làm suy giảm nòi giống, và cuối cùng vẫn là đói nghèo.
 
Tảo hôn sẽ dẫn đến hậu quả mang thai sớm, những bà mẹ “trẻ con” mang thai trong lứa tuổi chưa thành niên, khi cơ thể chưa phát triển toàn thiện. Hơn nữa, do còn quá trẻ, nên thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, chưa sẵn sàng tâm lý để làm mẹ, làm những trọng trách lớn của người mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh, chưa đủ điều kiện kinh tế vật chất để tự lập, để nuôi con. 
 
Hôn nhân cận huyết, anh em họ hàng lấy nhau sẽ sinh ra thế hệ con cái dị tật thể chất, thiểu năng về trí tuệ. Tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết sẽ làm tăng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, khuyết tật, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi, chất lượng lao động gây gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. 
 
Đề tài còn có sức gợi, sức mở lớn khi tình trạng ở các trường cấp 2 - 3 vùng sâu, vùng xa trong tỉnh cũng gặp những trường hợp một bộ phận không nhỏ học sinh chỉ học đến cấp 2 rồi nghỉ học ở nhà lấy chồng, lấy vợ, sinh con đẻ cái và cuốn vào một cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Giải pháp vận động, tuyên truyền tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho học sinh ngay trong nhà trường có thể nhân rộng áp dụng ở các ngôi trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh, giảm thiểu học sinh bỏ học, ngăn chặn vấn nạn, xóa bỏ rào cản thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
 
THÁI AN