Những vấn đề từ y tế cơ sở

08:05, 22/05/2017

Y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, chủ động giám sát phòng chống dịch bệnh và xử trí cấp cứu kịp thời các ca bệnh theo quy định...

Y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, chủ động giám sát phòng chống dịch bệnh và xử trí cấp cứu kịp thời các ca bệnh theo quy định. Vì vậy, mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) không ngừng được đầu tư, củng cố, kiện toàn và hướng đến phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (PKBSGĐ) để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao.
 
Chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Phòng khám đa khoa Trung tâm thuộc Trung tâm Y tế Đà Lạt. Ảnh: A.N
Chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Phòng khám đa khoa Trung tâm thuộc Trung tâm Y tế Đà Lạt. Ảnh: A.N
Thực trạng y tế cơ sở
 
Theo kết quả giám sát chuyên đề về “Tình hình hoạt động YTCS giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh” của HĐND tỉnh ghi nhận một số vấn đề bất cập hiện nay như: Trung tâm Y tế huyện Đam Rông đã được đầu tư từ năm 2010 nhưng đến nay chưa hoàn thiện nên gặp khó khăn trong việc bố trí các khoa, phòng chuyên môn và chưa có đầu tư hệ thống xử lý nước thải; 2 phòng khám đa khoa khu vực và 8 TYT xã đều chưa được xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng. 
 
Về xử lý chất thải rắn tại 8/8 TYT chưa đạt chuẩn theo quy định (chủ yếu đốt và chôn lấp). TYT xã Đạ Tông khi xây dựng cổng không có hệ thống cống thoát nước nên cứ hễ trời mưa là nước ứ đọng phía trước trạm gây ô nhiễm môi trường; chưa xây dựng được vườn thuốc nam (mặc dù trạm đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia), thiếu cán bộ làm công tác dược nên phải kiêm nhiệm. Phòng khám đa khoa khu vực Đạ Tông đã được xây từ rất lâu đến nay bị xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được đầu tư. Toàn huyện Đam Rông còn 4 TYT: Đạ Long, Rô Men, Đạ Rsal, Liêng Srôn thiếu nhiều công trình phụ trợ. 
 
Bảo Lâm còn 3/13 TYT là Lộc An, Lộc Bảo và Lộc Lâm chưa đảm bảo công trình phụ trợ; còn 4 TYT là Lộc An, Tân Lập, B’Lá, Lộc Bắc chưa đảm bảo về trang thiết bị theo quy định. TYT xã Lộc Quảng có nguồn nước giếng khoan bị nhiễm Asen không đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế nên hàng ngày cán bộ y tế (CBYT) của trạm phải xin nước về sử dụng cho sinh hoạt. 
 
Các TYT ở Lâm Hà chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế; TYT xã Phi Tô xây dựng đã lâu đến nay xuống cấp, thiết kế không phù hợp, không đủ diện tích theo quy định. Còn 9/16 TYT chưa đáp ứng về trang thiết bị theo quy định tại Quyết định 4667 ngày 7/11/2014 của Bộ trưởng BYT về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020; còn 4 TYT là Phi Tô, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Hà chưa đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất các công trình phụ trợ. TYT xã Phi Tô còn thiếu cán bộ phụ trách công tác dược; TYT Đạ Đờn có 3 nhân viên y tế thôn bản chưa qua đào tạo. 
 
Huyện Đạ Huoai có các TYT xã Đạ PLoa, Đạ Tồn, Phước Lộc đã bị xuống cấp hư hỏng cần được xây dựng nâng cấp. Huyện Đơn Dương có TYT xã Lạc Lâm và Thạnh Mỹ được đầu tư từ năm 2007 đến nay đã xuống cấp; cả huyện còn thiếu 3 bác sĩ. Huyện Đạ Tẻh thiếu 3 bác sĩ, Bảo Lộc thiếu 1 bác sĩ, Cát Tiên thiếu 2 bác sĩ và huyện Đạ Tẻh còn 24 nhân viên y tế thôn bản chưa qua đào tạo.
 
Thống kê trong toàn tỉnh còn 38 TYT chưa đảm bảo các công trình phụ trợ; trong đó, Đà Lạt có 3 TYT ở P1, P3, xã Xuân Trường; huyện Cát Tiên có 100% TYT không có nhà kho, nhà bếp; các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Bảo Lộc 100% TYT không có nhà bếp; còn 28 TYT chưa đảm bảo diện tích xây dựng theo QĐ 4667/QĐ-BYT. Toàn tỉnh còn 3 Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương, Đam Rông, Bảo Lộc; các phòng khám đa khoa khu vực và TYT xã chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng; 2 Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh chưa được đầu tư lò đốt rác thải rắn.
 
Giai đoạn từ 2012-2015, toàn tỉnh đầu tư xây mới và cung cấp trang thiết bị y tế cho 50 TYT với tổng mức đầu tư hơn 196 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng cơ bản gần 174 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và đầu tư trang thiết bị y tế 22,5 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 10 tỷ đồng và ngân sách Trung ương 12,5 tỷ đồng). Toàn tỉnh có 119 TYT đảm bảo diện tích xây dựng theo quy định (thành thị trên 150 m2, nông thôn trên 250 m2), 127 TYT đảm bảo số phòng chức năng (thành thị: tối thiểu 6 phòng, nông thôn: tối thiểu 10 phòng) và 106 TYT đảm bảo có công trình phụ trợ. Có 141 TYT có trên 70% loại thiết bị y tế theo quy định, 67 TYT có máy điện tim, 78 TYT có máy siêu âm, 98 TYT có máy đo đường huyết. Các TYT đều trang bị máy vi tính phục vụ công tác quản lý hành chính. 
 
Tiếp tục hoàn thiện YTCS, phát triển mô hình PKBSGĐ
 
Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 115 TYT, chiếm 78,2% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Có 45 xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí y tế (tiêu chí 15) của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đạt 41,9% số xã toàn tỉnh; trong đó có 34 xã ưu tiên xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 (chiếm 79% số xã ưu tiên). 
 
Toàn tỉnh có 887 CBYT làm việc ở 147 TYT, bình quân 6 CBYT/trạm; có 120 bác sĩ công tác ở TYT, chiếm 81,6%; có 100% TYT có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Đến nay, đã bố trí 1.412 nhân viên y tế thôn bản, khu phố hoạt động ở 1.564 thôn bản, khu phố của tỉnh (chiếm 90,2%), trong đó nhân viên y tế thôn bản thuộc xã đang hoạt động là 1.133 người (chiếm 98,7%). 
 
Theo Sở Y tế, đến cuối năm 2017 đào tạo và bố trí CBYT bảo đảm 100% thôn bản có nhân viên y tế; 82% xã, phường, thị trấn có bác sĩ về công tác; duy trì 100% TYT có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; mỗi TYT xã, phường, thị trấn tối thiểu có 5-7 CBYT. 
 
Tiếp tục củng cố, xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn đến 2020; triển khai có lộ trình xây dựng mô hình PKBSGĐ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020. Tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân; trước mắt triển khai cho 30 xã có xây dựng mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình năm 2017, sau đó sẽ nhân rộng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình triển khai mô hình PKBSGĐ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 120 bác sĩ công tác tại các TYT được đào tạo về Y học gia đình (YHGĐ); có ít nhất 360 y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh viên, cán bộ dược công tác tại các TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ được đào tạo ngắn hạn về YHGĐ; có 80% các TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ; khuyến khích phát triển và nhân rộng PKBSGĐ tư nhân và PKBSGĐ thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện. 
 
Lộ trình triển khai mô hình PKBSGĐ tại tỉnh Lâm Đồng được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2016-2017) triển khai 30 TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ; triển khai các PKBSGĐ tư nhân và PKBSGĐ tại các Trung tâm Y tế huyện theo nhu cầu của cá nhân, đơn vị đáp ứng quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành. Giai đoạn 2 (năm 2018-2020) duy trì 30 TYT đã có PKBSGĐ và hàng năm phát triển thêm 30 TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ để đến năm 2020 có 120 TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ; tiếp tục triển khai các PKBSGĐ tư nhân và các PKBSGĐ tại các Trung tâm Y tế huyện. 
 
AN NHIÊN