Phân định vùng dân tộc thiểu số - những vấn đề đặt ra

08:05, 19/05/2017

Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh miền núi và vùng cao là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Chủ trương trên nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đặc biệt khó khăn với vùng phát triển...

Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh miền núi và vùng cao là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Chủ trương trên nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đặc biệt khó khăn với vùng phát triển. Tuy nhiên, từ năm 1993 đến nay, chưa có một đánh giá tổng quan nào mang tính khoa học để phân tích sự phù hợp của các tiêu chí mà chủ yếu dựa trên độ cao của đơn vị hành chính so với mặt nước biển nên chưa phản ánh chính xác sự khác biệt giữa các địa phương, các vùng miền để có chính sách đầu tư thích hợp, hiệu quả.
 
Công tác chăm lo chính sách cho bà con vùng DTTS luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư. Ảnh: N.Thu
Công tác chăm lo chính sách cho bà con vùng DTTS luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư. Ảnh: N.Thu
Theo thống kê của cơ quan Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, miền núi, vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, dân số khoảng 25 triệu người, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 13 triệu người sinh sống trên 22 ngàn thôn, bản, phum, sóc trên cả nước.
 
Trên cơ sở phân định trên, Chính phủ đã đầu tư thực hiện các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phân bổ ngân sách thực hiện. Từ đó, đã có tác động sâu sắc, toàn diện đến sự phát triển của miền núi, vùng cao, vùng DTTS, đời sống nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, các nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn, phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững…
 
* Ông Cầm Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Ủy ban Dân tộc: Việc phân định xã, thôn theo trình độ phát triển còn nhiều tồn tại, bất cập như cơ cấu phân bổ nguồn lực thực hiện cho vùng miền núi, vùng DTTS còn mang tính chất hỗ trợ, ổn định đời sống, trong khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng lại là bước đột phá tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế vùng, khu vực lại chưa được ưu tiên. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội thực hiện tốt hơn nữa khoản 5, điều 70 Hiến pháp 2013 để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện hơn, bởi thực tế vùng DTTS và miền núi hiện nay vẫn được coi là vùng kém phát triển so với các vùng khác, tỷ lệ nghèo cao, cơ sở hạ tầng thấp kém, điều kiện về giáo dục, y tế còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao...
 
* Ông Quàng Văn Hương - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La: Do địa hình phức tạp, hiểm trở, độ dốc cao, chia cắt mạnh bởi đồi núi, sông suối, đi lại rất khó khăn, để đạt được bộ tiêu chí theo quy định thì cần phải đầu tư lớn và có thời gian. Càng về sau, tỷ lệ các thôn, bản đặc biệt khó khăn và các xã khu vực III càng tăng là do yêu cầu của bộ tiêu chí quá cao, nội dung chưa phù hợp, tạo sức ì, sự trông chờ ỷ lại của một bộ phận nhỏ người dân. Đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh bổ sung tiêu chí tại Quyết định số 50 QĐ/TTg theo hướng tích cực các tiêu chí trước đây về một bộ tiêu chí thống nhất nhằm đảm bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách.
 
* Ông Vũ Sỹ Kiên - Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường:  Việc phân định miền núi, vùng cao trong các năm qua là cơ sở để Ủy ban Dân tộc kết hợp các tiêu chí kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng để phân loại các đơn vị hành chính thành 3 khu vực theo trình độ phát triển phục vụ kịp thời cho việc đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2008 - 2012, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã xây dựng hệ thống bản đồ địa hình phủ trùm cả nước với tỷ lệ 1/10.000 với độ chính xác về độ cao 7 m. Đồng thời, kết hợp với công nghệ GIS, hệ thống thông tin địa lý để có thể phân vùng đánh giá mức độ khó khăn của từng đơn vị hành chính, làm cơ sở để vận dụng chính sách sát hợp từng khu vực, từng đối tượng một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phân tích: Tiêu chí để phân biệt xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao quá đơn giản, chủ yếu chỉ mới dựa vào độ cao so với mặt nước biển để phân định nên chưa phản ánh chính xác được sự khác biệt giữa các địa phương, các vùng, miền. Ví như cũng là tỉnh vùng cao, nhưng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc là địa hình núi đá, độ dốc lớn, đất đai bị rửa trôi xói mòn, rất khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; ngược lại, các tỉnh Tây Nguyên địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai có độ dốc không lớn, đất đỏ ba gian màu mỡ, thuận lợi trong việc đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. 

 
Trao đổi, thảo luận về những bất cập trong thực hiện phân định này, tại Hội thảo Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh miền núi và vùng cao do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức tại TP Đà Lạt mới đây, theo đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk, việc thực hiện chính sách miền núi, dân tộc trên cơ sở phân định 3 khu vực I, II, III theo trình độ phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư cho các xã, buôn đặc biệt khó khăn đã tạo ra tư tưởng ỷ lại, trồng chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Nhiều địa phương không muốn thoát khỏi xã, buôn đặc biệt khó khăn để được hưởng các chính sách. Việc phân định ba khu vực theo trình độ phát triển đã tạo tâm lý cho các nhà đầu tư không muốn đầu tư tại những huyện vùng cao, xã khu vực III vì những huyện, xã này còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh doanh kém hiệu quả. Việc Trung ương quan tâm ưu tiên đầu tư khu vực III trong khi các xã thuộc khu vực II không hơn nhiều, do đó các xã thuộc khu vực III ngày càng phát triển còn các xã khu vực II ngày càng khó khăn, từ đó tạo sự mâu thuẫn nội bộ giữa các xã, thôn, buôn. Và, giải pháp được UBND tỉnh Đắk Lắk đưa ra, đó là cần thay đổi hình thức và nội dung đầu tư, hỗ trợ cho các hộ dân theo tinh thần giúp các hộ phát huy sáng tạo, nội lực. Chỉ ưu tiên đầu tư cho những hộ nghèo thiếu vốn, tư liệu sản xuất, thực sự có quyết tâm để vươn lên thoát nghèo… Về tiêu chí phân định khu vực, đề nghị bổ sung thêm yếu tố dân tộc thiểu số bản địa được ưu tiên hơn những đối tượng khác. Không đầu tư dàn trải mà nên giao địa phương để chủ động đầu tư tập trung, cuốn chiếu để vốn đầu tư phát huy hiệu quả.
 
Việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển, từng bước thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền, dân tộc. 
 
Trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn từ sau 2005 đến nay, kết quả phân định đã được vận dụng phổ biến vào các chính sách an sinh xã hội. Bao gồm các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, đất đai, nhà ở...; các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, trợ giá, trợ cước...; hỗ trợ trực tiếp bằng muối, dầu hỏa, điện thắp sáng, giống cây trồng và vật nuôi...
 
Dựa trên các tiêu chí phân định đó, hệ thống chính sách giảm nghèo đã được phân hóa thành các nhóm chính sách thuộc Chương trình 135, Chương trình 30a về giảm nghèo. Thống kê, từ 2011 - 2015, về chính sách hỗ trợ giáo dục, ngân sách trung ương đã bố trí trên 38.757 tỷ đồng để miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Bình quân mỗi năm có hàng triệu lượt học sinh nghèo được hỗ trợ, qua đó tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Trung ương còn bố trí khoảng 2.660 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Trên 240 ngàn lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề và xuất khẩu lao động với kinh phí khoảng 360 tỷ đồng và bố trí trên 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo...
 
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đều thống nhất về tiêu chí phân định tỉnh, huyện, xã là miền núi, vùng cao không chỉ dựa vào duy nhất là độ cao mà cần phải tính toán đến các yếu tố thời tiết, khí hậu, địa hình địa vật, hạ tầng kinh tế - xã hội, khu vực biên giới, vùng khai thác nhiều tài nguyên khoáng sản, các tiêu chí đa chiều tác động đến sự phát triển (sức khỏe, dân trí, phong tục tập quán, điều kiện canh tác, phát triển sản xuất...). Chính phủ xác định rõ thế nào là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và cơ quan nào của Chính phủ có quyền công bố để làm cơ sở cho các bộ, ngành vận dụng thống nhất.
 
Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng chỉ đạo các địa phương cần thiết phải tiếp tục tiến hành rà soát lại kết quả đã được công nhận xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; kiến nghị đề xuất sửa đổi cho đúng với thực chất tình hình của địa phương, từ đó xác định các xã cần tập trung ưu tiên nguồn lực để sớm đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Nhà nước. Trên cơ sở đó, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc ban hành, triển khai chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội của Chính phủ và các bộ, ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, tránh trùng lắp đối tượng, không đúng đối tượng gây thất thoát ngân sách và thiếu công bằng trong tổ chức thực hiện. Đề nghị Quốc hội có nghị quyết quy định tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, quy định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
 
NGUYỆT THU