Quản lý, bảo vệ rừng qua quy chế phối hợp

09:05, 19/05/2017

Công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cần phải huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân. Tuy nhiên, để phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm về QLBVR thì vai trò quan trọng bậc nhất là sự phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và Công an. 

Công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cần phải huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân. Tuy nhiên, để phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm về QLBVR thì vai trò quan trọng bậc nhất là sự phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và Công an.    
 
Đại diện ngành Kiểm lâm và Công an tỉnh cùng ký kết quy chế phối hợp QLBVR năm 2017. Ảnh: Đạo Phan
Đại diện ngành Kiểm lâm và Công an tỉnh cùng ký kết quy chế phối hợp QLBVR năm 2017. Ảnh: Đạo Phan
Từ mục tiêu, yêu cầu
 
Mục tiêu của quy chế phối hợp trước hết là tạo bước chuyển biến mới trong phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, hạn chế thấp nhất nạn chống người thi hành công vụ, các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản, các loài động vật hoang dã; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh vùng rừng núi. Theo đó, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, bền vững giữa 2 ngành Công an và NN&PTNT để phát huy tính tự nguyện, sáng tạo và chủ động trong thực hiện. 
 
Muốn vậy, vấn đề đặt ra là cần chấp hành nghiêm túc sự chỉ huy thống nhất của người có thẩm quyền theo phương án, kế hoạch phối hợp giải quyết các vụ việc về QLBVR, phát triển rừng và quản lý lâm sản cụ thể được lãnh đạo hai ngành phê duyệt. Trên cơ sở này, có sự tổ chức phân công phối hợp chặt chẽ, đồng bộ liên ngành từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Mặt khác, cần đảm bảo sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện nhiệm vụ được giao, giữ bí mật về lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ trong xử lý theo quy định của Nhà nước. 
 
Đến nội dung hoạt động
 
Về công tác phòng ngừa, hai nội dung quan trọng là công tác tuyên truyền đối với nội bộ ngành và trong toàn dân; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm quản lý các đối tượng, đường dây chuyên hoạt động nghề rừng trái phép. Song song hoạt động nêu trên, hai bên cần phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ, từ lĩnh vực điều tra đến quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, võ thuật; kiến thức về pháp luật...Theo đó, hai lực lượng Kiểm lâm và Công an cùng tham gia kiểm tra, ngăn chặn xử lý các vi phạm như: kiểm tra các trọng điểm, tụ điểm khai thác, phá rừng, lấn chiếm rừng, săn bắt động vật rừng trái phép; kiểm tra vận chuyển lâm sản trên các tuyến đường...
 
Vừa qua, tại Đà Lạt, lãnh đạo ngành Kiểm lâm từ cấp chi cục đến các hạt, đội cùng lãnh đạo ngành Công an từ các phòng đến đại diện Công an huyện, thành phố đã cùng nhau thảo luận sôi nổi để đi đến nhiều nội dung phân định trách nhiệm của mỗi bên. Phía Sở NN&PTNT, lực lượng Kiểm lâm có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật BV&PTR trong lực lượng và quần chúng nhân dân. Đồng thời, kiểm tra phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về rừng; bố trí kiểm lâm địa bàn thực hiện nhiệm vụ hiệu quả; nắm chắc các đối tượng phá rừng, mua bán vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Ngành kiểm lâm cũng có trách nhiệm tham mưu cho UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp ở địa phương. Đồng thời, tổ chức quần chúng BVR và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng này; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng, các lực lượng liên quan QLBVR... Ngành Kiểm lâm cũng giữ vai trò chủ động đề xuất với chủ tịch UBND các cấp xây dựng phương án truy quét; chủ trì phối hợp với công an cùng cấp huy động lực lượng truy quét. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với công an cùng cấp điều tra xác minh những vụ vi phạm Luật BV&PTR...
 
Đối với Công an tỉnh, tùy vào chức năng nhiệm vụ của từng phòng nghiệp vụ để triển khai thực hiện nhiệm vụ phối hợp QLBVR. Ví dụ, Phòng PV28, phối hợp tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Phòng PC49, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra truy quét, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về các loài động vật hoang dã, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp. Còn PC46 và PC44 có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ án từ ngành Kiểm lâm để cùng triển khai điều tra lập hồ sơ. PC64 phối hợp tập huấn cho lực lượng kiểm lâm về quản lý sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ... Đối với Công an huyện và thành phố, tiếp nhận hồ sơ phạm tội, phối hợp điều tra lập hồ sơ; phối hợp xử lý vi phạm hành chính, kiểm tra, truy quét... PC67 phối hợp với lực lượng kiểm lâm dừng kiểm tra các phương tiện lưu thông khi có biểu hiện vi phạm Luật BV&PTR; phối hợp điều tra lập hồ sơ xử lý... 
 
Với những nội dung về trách nhiệm phối hợp cụ thể giữa các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT và Công an tỉnh như trên, ngành Kiểm lâm và Công an đã thống nhất về những kế hoạch thực hiện. Bao gồm có 16 nhiệm vụ chính, được phân công cụ thể cho từng bộ phận, đơn vị chủ trì, phối hợp và thời gian triển khai. Thẳng thắn nhìn nhận trong thực tế thời gian qua, sự phối hợp giữa 2 ngành Kiểm lâm và Công an ở cấp tỉnh đạt hiệu quả hơn ở một số cấp huyện, vì vậy cần rút ra bài học kinh nghiệm, phân tích nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong quá trình phối hợp. Qua đó, lãnh đạo của hai ngành: Sở NN&PTNT và Công an tỉnh kịp thời có những hình thức khen thưởng động viên việc làm tốt, phê bình những việc làm chưa tốt. Và để công tác phối hợp QLBVR giữa Kiểm lâm và Công an trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thực sự mang tính bền vững, có tính lan tỏa tốt, cần có đánh giá, chỉ đạo cùng những hình thức khen thưởng xứng đáng của các cấp quản lý cao hơn. 
 
ĐẠO PHAN