Bất cập "phụ cấp" cho cán bộ cơ sở

05:06, 13/06/2017

Việc nhiều, lương thấp, nhiều cán bộ cấp cơ sở xã, phường bỏ việc hoặc phải cố gắng xoay xở làm thêm bằng mọi cách để trang trải cho cuộc sống.

Việc nhiều, lương thấp, nhiều cán bộ cấp cơ sở xã, phường bỏ việc hoặc phải cố gắng xoay xở làm thêm bằng mọi cách để trang trải cho cuộc sống.
 
Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa UBND xã Đa Nhim - Lạc Dương
Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa UBND xã Đa Nhim - Lạc Dương
Phải làm thêm mới đủ sống!
 
Năm nay 31 tuổi, chị Chế Thị Tường Vi đã có 6 năm công tác tại UBND Phường 9 - Đà Lạt. 
 
Trước đây, chị Vi phụ trách công tác sao y chứng thực, đến năm 2015 chị được chuyển sang làm văn thư kiêm thủ quỹ của phường. Là văn thư chị cũng phải tuân thủ qui định chung về giờ giấc làm việc như mọi cán bộ, công chức phường, xã nơi đây, nghĩa là phải đi - về đúng giờ các ngày trong tuần, sáng thứ bảy phường hoạt động chị vẫn phải đi làm, thậm chí chủ nhật nếu phường có việc chị vẫn phải lên. “Thực ra công việc thì không nhọc nhằn gì, cũng bình thường như mọi người ở đây thôi, chỉ có điều là tuân thủ đúng thời gian làm việc” - chị Vi nói. 
 
Để tuân thủ thời gian làm việc, chị Vi hầu như phải trực ở phường cả ngày, đơn giản vì mọi thứ giấy tờ đều cần con dấu; rồi công văn đến, công văn đi; soạn thảo văn bản… lúc nào chị cũng có vẻ tất bật. 
 
Với chị Vi, đây là một công việc chị thích, vì được tiếp xúc với mọi người dân trên địa bàn phường nơi mình sống hằng ngày, UBND phường - nơi chị làm việc cũng khá gần nhà, mọi thứ đều thuận lợi; chỉ có một điều bất tiện duy nhất: lương - hay gọi chính xác là phụ cấp cho công việc văn thư của chị theo quy định mỗi tháng chỉ khoảng 1, 2 triệu đồng; kiêm thêm việc thủ quỹ thì tất tần tật cũng chỉ được khoảng 1,7 triệu đồng cho mỗi tháng làm việc. 
 
Số tiền trên, theo chị Vi, nếu trong tháng có dùng đi đám cưới thì cũng không đủ, chưa nói đến chuyện sử dụng cho việc khác: “Cả gia đình đều ở chung với bố mẹ, không lo chuyện nhà cửa, chồng có công việc chứ kinh tế không ổn định thì chắc ít người nhận làm với mức lương thế này đâu” - chị Vi cười.
 
Nhưng dù gì thì chị Vi vẫn còn kiêm thêm nghề thủ quỹ cho phường để có thêm thu nhập, chị Trần Ngọc Kim Thục, 35 tuổi, thì chỉ làm đúng việc văn thư cho UBND Phường 12, Đà Lạt và chị đã làm ở đây trên 3 năm.
 
“Nếu không làm thêm ở ngoài ngoài giờ thì làm sao mà sống với mức lương văn thư này được”- chị Thục nói. Công việc làm thêm của chị là làm vườn, chị có 3 sào vườn trồng hoa trên địa bàn, chồng chị ở nhà làm vườn là chính, chị làm việc trên phường, hết giờ về lo chuyện chợ búa cơm nước cho nhà rồi tranh thủ ra vườn góp sức với chồng: “Thì cố gắng giấc trưa, giấc tối, ngày chủ nhật để làm vườn chứ cả ngày ở phường rồi. Nhà còn phải thuê thêm người làm vườn nhưng giá công hiện cũng cao lắm. Nếu không có vườn để làm kiếm thêm thu nhập thì chắc rất khó xoay sở với mức lương này” - chị Thục khẳng định.
 
Mất phong trào
 
Với 147 xã, phường, thị trấn hiện nay (trong đó có 72 xã, phường, thị trấn loại 1; 64 xã, phường, thị trấn loại II và 11 xã loại III), tính đến cuối năm 2016 vừa qua Lâm Đồng hiện có 2.988 cán bộ, công chức cấp xã, phường, trong đó có 1.550 cán bộ chuyên trách, 1.438 công chức và cùng với đó là 2.067 người đang hoạt động không chuyên trách.
 
Cán bộ chuyên trách ở cấp xã, phường gồm các chức danh lãnh đạo địa phương như Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy; Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
 
Công chức cấp xã gồm các vị trí như Trưởng Công an xã (không bao gồm phường, thị trấn), Chỉ huy trưởng quân sự, văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường - thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch và văn hóa xã hội.
 
Các chức danh không chuyên trách (hay bán chuyên trách) tại xã, phường, thị trấn gồm các vị trí kiêm nhiệm như Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng; Trưởng ban tổ chức Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng khối Dân vận; các cấp phó như Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ; Phó Bí thư Đoàn; các Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi; phụ trách văn phòng Đảng ủy; Văn thư lưu trữ; Lao động thương binh và xã hội, gia đình và trẻ em; Nội vụ, tôn giáo thi đua; phụ trách truyền thanh, quản lý nhà văn hóa; giao thông - thủy lợi, nông lâm nghiệp…
 
Dưới cấp phường, xã còn có cấp thôn, tổ dân phố. Lâm Đồng hiện có 1.573 thôn, tổ dân phố và tỉnh đến nay bố trí 17.997 người hoạt động không chuyên trách.   
 
Điều đáng nói, trong khi lương và chế độ cho cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã, phường tương đối ổn thì theo các qui định hiện hành, cái khó nhất hiện nay ở cấp cơ sở chính là lương hay phụ cấp rất thấp cho cán bộ bán chuyên trách (hay không chuyên trách). 
 
Theo quy định, mức phụ cấp hằng tháng cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn hiện chỉ bằng 1 lần lương cơ sở (bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế), nếu trừ đi mọi khoản thì mỗi người mỗi tháng chỉ nhận chừng khoảng 1,2 triệu đồng nếu không làm kiêm nhiệm việc gì, nếu có kiêm nhiệm thì có tăng lên chút ít nhưng cũng không đáng kể bao nhiêu.   
 
Mức lương - phụ cấp này, theo rất nhiều lãnh đạo xã, phường, thị trấn trong tỉnh phản ánh là “rất bất hợp lý”. “Cán bộ xã phường gần dân, công việc nhiều, dù vị trí nào ở xã, phường cũng vậy, ngày nào cũng có việc dù ít hay nhiều; có công việc gì làm công việc nấy, từ công tác chuyên môn đến tham gia hòa giải cơ sở, cho nên mức phụ cấp như trên chưa tương xứng với công sức họ đã bỏ ra” - ông Võ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND Phường 9 nhận xét.
 
Cùng đó theo ông Sơn, ở cấp thôn, tổ dân phố hiện nay cũng chỉ có 3 chức danh được hưởng phụ cấp, các chức danh cấp phó còn lại hầu như chẳng có gì nên nhiều người ưu tiên công việc của mình là chính, chỉ khi rảnh mới tham gia các hoạt động ở cơ sở: “Phong trào cơ sở có mạnh hay không phụ thuộc vào cán bộ, không có chế độ rất khó  huy động được họ, không có cán bộ tích cực, cơ sở rất dễ mất phong trào” - ông Sơn nói.
 
VIẾT TRỌNG