Đảm bảo an toàn cho bệnh nhân tái sử dụng màng lọc

09:06, 19/06/2017

Trong lọc máu bằng thận nhân tạo, việc sử dụng màng lọc một lần là điều lý tưởng nhất, nhưng rất khó thực hiện vì lý do kinh tế chi phí cho phương pháp điều trị này khá tốn kém. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới tái sử dụng màng lọc trong lọc máu chu kỳ...

Trong lọc máu bằng thận nhân tạo, việc sử dụng màng lọc một lần là điều lý tưởng nhất, nhưng rất khó thực hiện vì lý do kinh tế chi phí cho phương pháp điều trị này khá tốn kém. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới tái sử dụng màng lọc trong lọc máu chu kỳ. Ở Mỹ, việc tái sử dụng màng lọc đã được thực hiện tại hơn 81% ở các trung tâm vào năm 1996; ở Việt Nam có 100% các trung tâm lọc máu có sử dụng lại màng lọc thận. Vậy, màng lọc tái sử dụng có hiệu quả hay không và số lần tái sử dụng bao nhiêu là hợp lý đảm bảo an toàn cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo?
 
Rửa những quả lọc để tái sử dụng cho bệnh nhân tại Khoa Lọc máu - BVĐK Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
Rửa những quả lọc để tái sử dụng cho bệnh nhân tại Khoa Lọc máu - BVĐK Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
Theo Quyết định số 1338/2004/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận có chỉ định: Quả lọc sử dụng lại chỉ dùng cho chính người đó và chỉ được sử dụng lại không quá 15 lần.
 
Nhóm nghiên cứu gồm các bác sĩ Phan Thạch Khuê, Bùi Xuân Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Bé và cộng sự của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) đã tiến hành đề tài nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả lọc máu khi tái sử dụng màng lọc ở bệnh nhân lọc máu định kỳ tại BVĐK Lâm Đồng năm 2016”, đã công bố kết quả tại Hội nghị khoa học thường niên năm 2017.
 
BSCKI Phan Thạch Khuê - Trưởng Khoa Lọc máu của BVĐK tỉnh cho biết: Tại Khoa Lọc máu của BVĐK tỉnh, việc tái sử dụng màng lọc được áp dụng thường xuyên. Điều này, về chuyên môn chúng tôi phải nghiên cứu để đánh giá mức độ an toàn cho người bệnh. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu đánh giá chất lượng màng lọc tái sử dụng thông qua các chỉ số xét nghiệm sinh hóa ở các lần lọc thứ 5, thứ 7 và thứ 9 cho bệnh nhân lọc máu định kỳ tại BVĐK Lâm Đồng. Đồng thời, đánh giá thay đổi các triệu chứng lâm sàng trước và sau lọc máu ở các lần lọc thứ 5, thứ 7 và thứ 9 đối với bệnh nhân lọc máu định kỳ tại bệnh viện.
 
Nghiên cứu trên 33 bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối đang lọc máu định kỳ tại Khoa Lọc máu của BVĐK tỉnh từ ngày 1/6/2016  đến ngày 30/9/2016. Những bệnh nhân này đều được lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần, có thời gian lọc máu ổn định trong vòng 3 tháng, mỗi bệnh nhân được sử dụng màng lọc 9 lần, với thời gian lọc 4 giờ/lần. Trong 33 bệnh nhân được khảo sát có 16 nam và 17 nữ, đa số ở độ tuổi trên 50 (chiếm 48,5%), số bệnh nhân dưới 30 tuổi chỉ chiếm 5%, số còn lại từ 30 -50 tuổi.  
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy màng lọc tái sử dụng lần thứ 9 vẫn cải thiện tốt các triệu chứng phù, khó thở và tăng huyết áp. Triệu chứng rối loạn giấc ngủ không cải thiện và không có sự khác biệt giữa các lần sử dụng màng lọc. Triệu chứng ngứa có xu hướng tăng dần theo số lần sử dụng màng lọc (11 bệnh nhân ở lần lọc thứ nhất đã tăng lên 13 bệnh nhân lần lọc thứ 5 và tăng lên 20 bệnh nhân bị ngứa da ở lần lọc thứ 9). 
 
Nhóm nghiên cứu kết luận việc tái sử dụng màng lọc cần được áp dụng để giảm chi phí điều trị và rác thải y tế. Xét về mặt xét nghiệm, màng lọc Low-Flux Renak 1,5 mét vuông tái sử dụng 9 lần vẫn đảm bảo hiệu quả lọc máu, tuy nhiên, về mặt lâm sàng lại gia tăng triệu chứng ngứa, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, để hạn chế vấn đề này, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận chỉ nên tái sử dụng màng lọc tối đa 7 lần.
 
ThS-BS Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Việc nghiên cứu tái sử dụng màng lọc của BVĐK tỉnh mục đích đánh giá hiệu quả an toàn cho người bệnh. Ví dụ, dùng màng lọc 6 lần bệnh nhân có đảm bảo hay không, nếu không hiệu quả thì dừng lại, nghiên cứu có ý nghĩa là vậy chứ không phải là để tiết kiệm. Chúng tôi muốn kiểm chứng lại vấn đề sức khỏe bệnh nhân trước lọc và sau lọc hiệu quả tái sử dụng màng lọc, bởi việc tái sử dụng màng lọc chúng tôi đã làm thường quy trong lọc máu. 
 
Hiện nay, theo khuyến cáo của chuyên gia đầu ngành thì màng lọc nên sử dụng 3 lần chứ không nên sử dụng 6 lần, nhưng trong cơ cấu giá giữa Bộ Y tế và BHYT thống nhất đồng ý cho sử dụng màng lọc 6 lần. 
 
BSCKI Phan Thạch Khuê giải thích: Thực ra, nghiên cứu đánh giá hiệu quả tái sử dụng màng lọc theo quy định của Bộ Y tế, với quy định số lần cho tái sử dụng như vậy, tuy nhiên về mặt chuyên môn, chúng tôi phải đánh giá nghiên cứu việc sử dụng đó có thật sự hiệu quả hay không? Chúng tôi thấy việc tái sử dụng màng lọc cũng tốt, tuy nhiên kèm theo đó là quy trình bảo quản và tái sử dụng lại cũng có quy định của Bộ Y tế. 
 
Các chuyên gia cũng nói nhiều đến nguy cơ biến chứng từ việc tái sử dụng quả lọc, dây máu cho bệnh nhân trong quá trình lọc máu. Mới đây, TS-BS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai, đã phát biểu cần một bộ tiêu chuẩn cho chạy thận nhân tạo. Bởi trên thế giới, có nước dùng quả lọc và dây máu một lần và bỏ đi, tuy nhiên có nhiều nước cũng cho dùng lại quả lọc nhiều lần vì khó có quỹ BHYT nào có thể chi trả được nếu chỉ dùng quả lọc, dây máu một lần. 
 
Hiện nay, số quốc gia dùng lại cả dây máu và quả lọc rất ít. Nước ta đang dùng cả quả lọc và dây máu, đại đa số chỉ dùng lại quả lọc, số lần tùy thuộc quy định. 
 
Theo chuyên gia về thận này, nếu được thì dùng lại quả lọc, dây máu chỉ dùng 1 lần giống như đại đa số các nước khác và phải trang bị cho các đơn vị thận nhân tạo máy rửa quả lọc như vậy mới đảm bảo chất lượng. Nhưng điều quan trọng là các lãnh đạo bệnh viện phải tăng cường chỉ đạo, giám sát, lọc máu làm đúng quy trình, quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư trang bị tốt hơn nữa thì tránh được tai biến đáng tiếc. Đặc biệt, cần chủ động bảo dưỡng thường xuyên máy chạy thận nhân tạo. Định kỳ đánh giá chất lượng nước (chỉ số hóa lý, chỉ số vi sinh) và vệ sinh làm sạch hệ thống RO theo quy chuẩn quốc tế, chỉ dùng lại quả lọc, không dùng lại dây máu. 
 
AN NHIÊN