Để trẻ vững bước vào đời

08:06, 16/06/2017

Thay vì chỉ nuôi và chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến hết lớp 12 rồi cho hồi gia, những năm gần đây, Trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng đã tiếp tục nuôi các em đến bậc đại học hoặc cho học nghề để tạo cơ hội có công ăn việc làm khi các em vào đời.

Thay vì chỉ nuôi và chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến hết lớp 12 rồi cho hồi gia, những năm gần đây, Trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng đã tiếp tục nuôi các em đến bậc đại học hoặc cho học nghề để tạo cơ hội có công ăn việc làm khi các em vào đời.
 
Nông Thị Dung (giữa) cùng các bạn đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học. Ảnh: VT
Nông Thị Dung (giữa) cùng các bạn đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học. Ảnh: VT
Nỗ lực vươn lên 
 
Cao ráo, khỏe mạnh, khuôn mặt sáng với nụ cười tươi trên môi, mới gặp lần đầu không ai nghĩ rằng Nông Thị Dung - cô học sinh giỏi lớp 12 Trường THCS - THPT Đống Đa - Đà Lạt này trong đời đã từng đối diện với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và thương tâm đến như vậy. 
 
Đó vào vào năm cuối lớp 9, cách đây 3 năm, cô học trò nhỏ người Phước Cát 1, Cát Tiên này đã chứng kiến cái chết của mẹ mình sau một thời gian dài mắc bệnh nan y, gia đình chạy chữa đến kiệt quệ. Họa vô đơn chí, chỉ khoảng 2 tháng sau đó, bố đau buồn quá cũng mất theo, để lại 3 chị em mồ côi trên cõi đời trong đó Dung là lớn nhất, 2 đứa em sau cũng là con gái.
 
Nhưng đau buồn không quật ngã được ý chí của cô học trò nhỏ này. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cả 3 chị em Dung được nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tại Đà Lạt. Tại đây, Dung tiếp tục vào học lớp 10 Trường THCS - THPT Đống Đa, cả 2 em Dung cũng đều đi học các trường học tại Đà Lạt. Dung vừa là chị, là mẹ cho 2 em gái mình, ngày ngày đi học, thời gian rảnh phụ giúp công việc với các cô chú trong Trung tâm và chăm sóc em mình. Cô em gái út của Dung đang bị bệnh xương thủy tinh.
 
“Dạ, điều kiện ở Trung tâm còn hơn nhiều ở nhà hồi đó” - Dung cho biết. Ngày trước, mẹ bị bệnh nhà nghèo nên mấy chị em phải lội bộ đi học rất xa hằng ngày, nay lên đây Trung tâm cấp mỗi người một xe đạp đi học. Dung đang ở chung với các cô gái khác trong đó có em mình trong một phòng lớn 6 người tại Trung tâm, kiểu như ký túc xá sinh viên, mỗi người một giường, có hộc riêng trong tủ sắt đựng áo quần phía trong, phòng có bàn học nhưng nếu cần thì có thể lên học tại Thư viện Trung tâm rất yên tĩnh. Cơm ngon, đổi bữa thường xuyên, thích ăn gì thì cứ nói lại, cô chú trong Trung tâm sẽ đổi. Áo quần đi học mỗi năm 2 bộ, sách vở bút mực Trung tâm mua đầy đủ. Mỗi năm 2 lần Trung tâm cấp tiền cho 3 chị em dắt nhau về thăm nhà dưới Cát Tiên, đó là dịp Tết được 1 tuần ở nhà và dịp hè được 2 tuần. Ngôi nhà nhỏ của Dung giờ bà nội già đang ở một mình. 
 
Trong 3 năm học ở Trường THCS - THPT Đống Đa, Dung có 1 năm học sinh khá, 2 năm học sinh giỏi, cả hai em gái Dung cũng học tốt. Ước mơ của cô gái 18 tuổi (Dung sinh năm 1999) này là vào được đại học “Cháu cũng thích nghề báo, thích đi đây đi đó cho biết nhưng vừa rồi đăng ký vào Đại học Đà Lạt với ngành Văn hóa học, chắc sau này nếu được cháu sẽ đi hoạt động xã hội” - Dung nói. 
 
Học giỏi, chuyện vào đại học có lẽ không quá khó với cô học sinh giàu nghị lực này, nhưng một điều cảm động mà người viết muốn nói chính là tình cảm và sự lo lắng của Dung cho em mình: “Cháu học đại học ở đây để tiện chăm sóc cho em chứ không thể đi xa được, em cháu cần cháu”.
 
Để trẻ vững bước vào đời  
 
48 trường hợp đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng hiện nay mỗi trường hợp là một hoàn cảnh riêng, một cuộc đời riêng đầy thương cảm; có trẻ cha mẹ mất hết, có trẻ gia đình cực kỳ khó khăn; có trẻ bị tàn tật, có trẻ bị bỏ rơi...  “Không phải là trẻ lang thang cơ nhỡ như trước đây, toàn bộ các cháu nuôi dưỡng gần đây đều có nguồn gốc rõ ràng, được địa phương xác nhận, đề xuất, hầu hết đều là người trong tỉnh” - ông Trần Quyết Thắng - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng cho biết.
 
Tính từ khi thành lập năm 1994 đến nay, Trung tâm đã nhận nuôi dưỡng 539 cháu. Nhưng nếu như những năm trước đây, trẻ vào đây được Trung tâm cho ăn  học đến hết lớp 12 rồi “hồi gia”, cho về nhà để các cháu ra đời thì từ năm 2011 đến nay đã có sự thay đổi. 
“Anh coi, bây giờ học đại học ra cũng chưa chắc tìm được việc làm, vậy mà chúng ta nuôi các cháu cho ăn học đến năm 12 rồi, ra đời các cháu vẫn chưa biết làm gì, cháu nào muốn học thêm lên bậc đại học cũng khó vì nhiều cháu đâu có ai nuôi, giúp cho cháu học. Thôi thì chúng ta phải làm một bước tiếp.” - ông Thắng nói.
 
Đó là năm ông Thắng về Trung tâm nhận công tác, ông đã kiến nghị thay đổi chính sách áp dụng trước đó, bằng cách nếu các cháu học hết 12 muốn lên bậc đại học thì Trung tâm sẽ hỗ trợ tiếp tục học ở bậc đại học tại các trường ở Đà Lạt bằng cách ăn ở tại Trung tâm giống như lâu nay, tiền học phí đại học Trung tâm sẽ đóng cho trường cho đến khi các cháu tốt nghiệp. 
 
Trong trường hợp nếu các cháu không muốn hoặc không có khả năng tiếp tục ở bậc đại học thì Trung tâm sẽ hỗ trợ đào tạo nghề. “Nghề gì cũng được, tùy theo các cháu thích, có thể cho các cháu học ở Cao đẳng Nghề Đà Lạt với các nghề đang dạy tại trường, nếu các cháu muốn học các nghề ngoài xã hội như thợ may, thợ hàn, thợ sửa xe máy, nấu ăn… thì Trung tâm sẽ đi vận động các cơ sở này giúp các cháu học nghề, Trung tâm sẽ nuôi các cháu cho đến khi cháu xong nghề, ra đời tìm việc làm” - ông Thắng nói.
 
Tính từ năm 2011 đến nay, đã có 7 trường hợp tại Trung tâm vào tiếp đại học như thế, thêm 8 trường hợp học cao đẳng. Trong năm  2017 này sẽ có thêm 4 trường hợp nữa tốt nghiệp THPT, nhiều khả năng vào đại học vì đều là học sinh có năng lực trong đó có Nông Thị Dung.
 
Đã có nhiều trường hợp các cháu ở đây khi học xong đại học ra trường tìm được việc làm tốt trong xã hội, như trường hợp NHT, tốt nghiệp Đại học Đà Lạt hiện công tác trong ngành báo chí; như NTTH đang làm việc tại Bảo hiểm xã hội một tỉnh phía nam. Đó là các tấm gương có tác dụng rất lớn trong việc khuyến khích các em tại đây tiếp tục trên con đường học hành.
 
Riêng trong năm 2017 này, ông Thắng cho biết, trong trường hợp nếu các cháu chọn học đại học tại các trường tại TP Hồ Chí Minh thì Trung tâm bên cạnh hỗ trợ học phí, tiền ăn và áo quần như lâu nay sẽ kiến nghị tỉnh nếu được nên hỗ trợ cả tiền ở để tạo điều kiện cho các cháu trong thời gian học.
 
VIẾT TRỌNG