Di Linh giải quyết thủ tục hành chính "một cửa"

09:06, 07/06/2017

"Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả phục vụ của chính quyền" là mục tiêu mà tập thể cán bộ, công chức bộ phận "một cửa" của Văn phòng HĐND và UBND huyện Di Linh đề ra và nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

“Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả phục vụ của chính quyền” là mục tiêu mà tập thể cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” của Văn phòng HĐND và UBND huyện Di Linh đề ra và nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
 
Bộ phận “một cửa” của Văn phòng HĐND và UBND huyện Di Linh. Ảnh: X.Long
Bộ phận “một cửa” của Văn phòng HĐND và UBND huyện Di Linh. Ảnh: X.Long
Theo Văn phòng HĐND và UBND huyện Di Linh, thực hiện Quyết định 1420/QĐ - UBND, ngày 30/6/2014, của UBND tỉnh Lâm Đồng về ban hành Đề án đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, Văn phòng HĐND và UBND huyện đã phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn thực hiện rà soát, đưa các thủ tục hành chính vào cơ chế giải quyết theo hệ thống “một cửa”, “một cửa liên thông”. 
 
Bộ phận “một cửa” Văn phòng HĐND và UBND huyện Di Linh được bố trí làm việc tại vị trí thuận lợi cho việc giao dịch của mọi người; được trang bị phương tiện và thiết bị làm việc đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Bộ phận “một cửa” hiện có 4 công chức, được phân công nhiệm vụ cụ thể trong việc tiếp nhận và hoàn trả các thủ tục hành chính theo các nhóm lĩnh vực. Số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện thường có sự thay đổi. 
 
257 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” từ xã đến huyện với 3 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai đối với tất cả 19 xã, thị trấn trong toàn huyện đang được bộ phận “một cửa” tiếp nhận theo cơ chế “một cửa”. 
 
Bộ thủ tục hành chính, các giấy tờ và hồ sơ liên quan, mức phí và lệ phí được niêm yết công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận biết khi đến giao dịch. 
 
Hồ sơ khi tiếp nhận đều có giấy biên nhận, ghi rõ thủ tục và hẹn thời gian trả kết quả cụ thể. Sau khi tiếp nhận, hồ sơ được luân chuyển đến các cơ quan, đơn vị liên quan. Các cơ quan, đơn vị đều có sự phối hợp trong việc giải quyết, xử lý và trả kết quả theo quy trình và thời gian quy định. 
 
Riêng trong năm 2016, bộ phận “một cửa” Văn phòng HĐND và UBND huyện đã tiếp nhận 9.121 hồ sơ và đã giải quyết được 8.902 hồ sơ, đạt 97,6%. Trong số những hồ sơ đã giải quyết, hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ 99,7%. 
 
Theo ghi nhận của Văn phòng HĐND và UBND huyện Di Linh: “Việc triển khai giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” đã có những chuyển biến tích cực, làm cho nền hành chính trở nên dân chủ, minh bạch và có tính chuyên nghiệp hơn; tạo thuận lợi cho người dân, khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, chỉ cần đến một nơi; thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn và khắc phục tình trạng hồ sơ bị thất lạc”. 
 
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” của Văn phòng HĐND và UBND huyện Di Linh còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Hiện nay, UBND huyện đang thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết 257 thủ tục hành chính và số thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi theo Quyết định công bố thủ tục hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; những thủ tục hành chính mặc dù đã đưa vào thực hiện “một cửa”, nhưng vẫn còn tình trạng do các cơ quan chuyên môn trực tiếp tiếp nhận…, làm ảnh hưởng và chồng chéo đến hoạt động của bộ phận “một cửa”. Tuy nhiên, có những thủ tục nằm ngoài quy định tiếp nhận tại bộ phận “một cửa” (chưa đưa vào một cửa) buộc người dân phải trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị.
 
Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” đòi hỏi phải khoa học, chính xác, đảm bảo sự liên thông giữa các cấp chính quyền, các đơn vị. Do vậy, cán bộ trực tiếp thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ vẫn còn có những lúng túng. Việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ theo cơ chế “một cửa” đôi lúc chưa kiểm tra kỹ, dẫn đến tình trạng phải trả lại, gây phiền hà cho người dân. Sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị của huyện thiếu chặt chẽ, dẫn đến một số hồ sơ giải quyết không đúng thời hạn theo quy định. 
 
Những hồ sơ giải quyết chậm, phổ biến là hồ sơ liên quan đến đất đai, nhà cửa. Nguyên nhân là do trong những năm vừa qua, các địa phương thay đổi hệ thống bản đồ, phân định đất nông lâm dẫn đến những biến động so với hồ sơ gốc và cơ sở pháp lý được xác lập ban đầu, nhất là đối với các xã có nhiều diện tích đất lâm nghiệp. Mặt khác, trong thực tế có những hồ sơ đã gây không ít khó khăn, mất nhiều thời gian cho việc thẩm tra, xác minh để xác lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
 
XUÂN LONG