Ghi nhận ở một trung tâm y tế huyện

09:06, 23/06/2017

Trước đây, nhiều người (trong đó có chúng tôi) thường nghĩ rằng, Trung tâm Y tế (Bệnh viện) huyện Di Linh chỉ khám và điều trị những ca bệnh đơn giản, thông thường mà thôi, khi gặp những ca phức tạp (bệnh nặng) thì hãy chuyển lên tuyến trên cho xong, vì để bệnh nhân ở lại thì thân nhân trong gia đình không mấy yên tâm...

Trước đây, nhiều người (trong đó có chúng tôi) thường nghĩ rằng, Trung tâm Y tế (Bệnh viện) huyện Di Linh chỉ khám và điều trị những ca bệnh đơn giản, thông thường mà thôi, khi gặp những ca phức tạp (bệnh nặng) thì hãy chuyển lên tuyến trên cho xong, vì để bệnh nhân ở lại thì thân nhân trong gia đình không mấy yên tâm. Giờ thì suy nghĩ đó cũng cần phải cân phân, đắn đo. Bởi lẽ mới đây, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt một vài bệnh nhân lâm vào cảnh rất nguy kịch được các y, bác sĩ ở đây sự tận tâm, nỗ lực cứu chữa. 
 
Mới đây, chúng tôi có người bà con tên là Vũ Đoàn Kiên Quang (25 tuổi, ngụ tại Tổ dân phố IV, thị trấn Di Linh) không may bị tai nạn giao thông, hậu quả là bị chấn thương sọ não rất nặng, được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Di Linh. Sau đó, anh Quang được chuyển ngay đến Bệnh viện II Lâm Đồng. Các bác sĩ ở đây kết luận “Bệnh nhân bị dập não”. Thế là bệnh nhân được phẫu thuật, hút máu bầm và gửi hộp sọ đi bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh nuôi cấy. Mặt khác, bệnh nhân bị phù nề não, tiếp tục hôn mê sâu. Đến ngày thứ 16, Bệnh viện II Lâm Đồng trả bệnh nhân về nhà, vì các bác sĩ đã… “chê”! Trong khi đó, Bệnh viện II cũng không giải quyết cho bệnh nhân chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Còn gia đình đã lâm vào hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn và bế tắc, không có khả năng tự túc chuyển bệnh nhân đi thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, gia đình đành phải đưa bệnh nhân về Trung tâm Y tế huyện Di Linh để điều trị, chỉ với hy vọng rất mong manh “còn nước, còn tát”! 
 
Tại Trung tâm Y tế Di Linh, bệnh nhân được các y, bác sĩ tận tình theo dõi chăm sóc và điều trị. Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm và đầy tình thương của bác sĩ Giám đốc Lê Thành Quang, bác sĩ Đoàn Trí Dũng, bác sĩ K’Mỹ, bác sĩ K’Bổ… cùng các y sĩ, điều dưỡng viên Khoa hồi sức tích cực. Nhờ vậy, bệnh nhân đã dần dần hồi phục, nay đã nhận biết được người thân và đang tập uống sữa và ăn cháo. 
 
Bệnh nhân thứ hai mà chúng tôi chứng kiến cùng thời điểm nói trên, là bà Huỳnh Anh (84 tuổi, ngụ tại Tổ dân phố II, thị trấn Di Linh) bị suy tim độ 4 và suy thận. Bà nhập viện (Trung tâm Y tế Di Linh) trong tình trạng rất yếu. Sau khi hội chuẩn, các bác sĩ báo cho gia đình biết tình hình sức khỏe bà rất xấu, nếu chuyển đi tuyến trên cũng khó khăn. Lúc này, chúng tôi thấy rõ tâm trạng lo âu của người thân trong gia đình bà. Chỉ một lát, sau khi hội ý thống nhất, gia đình đã ký cam kết để bà điều trị tại Trung tâm. Thời gian qua đi, một tuần rồi đến hai, ba tuần, được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc điều trị, bà Huỳnh Anh đã bình phục dần. Đến tuần thứ 4, ngày 12/6/2017, bà được xuất viện. 
 
Chiều 17/6/2017, chúng tôi có dịp ghé thăm, thấy bà đã chống gậy đi lại được, sức khỏe tiến triển tốt hơn. Nói chuyện với bà, chúng tôi hỏi: “Điều trị tại Bệnh viện Di Linh, bà thấy thế nào?”. Vì bà là người Hoa không rành tiếng Việt, bà chỉ gật đầu và bảo: “Tốt, tốt!”. 
 
Chỉ trong thời gian ngắn, khi chứng kiến hai trường hợp ở Khoa Hồi sức của Trung tâm Y tế Di Linh, chúng tôi có thể ghi nhận rằng, năng lực, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đối với bệnh nhân được nâng lên một cách rõ nét. Đây cũng thể hiện một hình ảnh cao đẹp “lương y như từ mẫu” rất đáng trân trọng và phát huy.
 
KIM THOA - XUÂN LONG