Gia đình - nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống

08:06, 23/06/2017

Văn hóa gia đình luôn là gốc rễ của văn hóa cộng đồng, có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi con người; là "pháo đài" vững chắc phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội; đặc biệt là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. 

Văn hóa gia đình luôn là gốc rễ của văn hóa cộng đồng, có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi con người; là “pháo đài” vững chắc phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội; đặc biệt là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống.  
 
Gia đình già làng Ya Hiêng và vợ là Ma Bin ở thôn Pré, xã Phú Hội, Đức Trọng đang lưu giữ những nét đẹp văn hóa trong nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Thái An
Gia đình già làng Ya Hiêng và vợ là Ma Bin ở thôn Pré, xã Phú Hội, Đức Trọng đang lưu giữ những nét đẹp văn hóa trong nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Thái An
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, cơ hội giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước, văn hóa cũng có sự tiếp biến, ở một góc nào đó mặt trái của nó đã tác động và phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Đó là tình trạng gia đình không bền vững (ly hôn, ly thân), sống chung với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân (sống thử) và việc nạo phá thai gia tăng trong giới trẻ để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về quy tắc ứng xử, về lối sống, quan điểm sống đang đặt ra những thách thức; tình trạng bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường trong giới trẻ gia tăng.  
 
Trước thực trạng đó, việc phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống qua công tác xây dựng gia đình văn hóa được Sở VH-TT-DL Lâm Đồng không ngừng quan tâm. 
 
Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã tiến hành ký kết các kế hoạch, chương trình phối hợp với các ngành, đoàn thể nhằm phòng, chống bạo lực gia đình một cách hiệu quả, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình. Triển khai thực hiện đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam 2010 - 2020”, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nếp sống văn hóa gia đình tại cơ sở trong tỉnh; tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình. Sở đã phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng hình thành mạng lưới điện thoại nóng kịp thời hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, đồng thời có biện pháp răn đe những người gây bạo hành.
 
Nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội; Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào lành mạnh, tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không ngừng đi vào chiều sâu tạo khí thế thi đua sôi nổi với các nội dung: xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng cơ quan trường học văn hóa, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn, phường - thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và xây dựng gia đình văn hóa; trong đó xây dựng gia đình văn hóa là hoạt động cốt lõi, nền tảng nhất trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó phong trào đi vào chiều sâu, có sức thuyết phục, huy động toàn dân, toàn diện; tập trung thực hiện các mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ. 
 
Công tác xây dựng vận động toàn dân tham gia xây dựng gia đình văn hóa được tiến hành thường xuyên qua các hội nghị, các cuộc họp dân, các chương trình hoạt động lồng ghép của MTTQ và các đoàn thể, các CLB GĐVH, tuyên truyền bằng trực quan sinh động khẩu hiệu, pano, áp phích, tuyên truyền cổ động, lưu động. Xây dựng gia đình văn hóa đi vào nhận thức của từng người dân, từ nhận thức biến thành hành động. Những nét đẹp văn hóa truyền thống, những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình đang được quan tâm gìn giữ.
 
Việc tổ chức đăng ký xây dựng và bình xét danh hiệu gia đình văn hóa được đảm bảo công khai dân chủ, đúng hướng dẫn trong từng khu dân cư tạo không khí thi đua sôi nổi. Số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa không ngừng tăng lên, đến nay, toàn tỉnh có 258.500 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên tổng số 297.051 hộ gia đình trên toàn tỉnh chiếm 87%. Từ đó, có 1.416/1.573 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa (90%); 87/147 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa (59%), 92% cơ quan, đơn vị văn hóa. 
 
Tính đến nay, toàn tỉnh có 145/147 đơn vị đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, đã có 81/147 đơn vị được công nhận danh hiệu (trong đó 22/30 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 65/117 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới). 
 
Xây dựng văn hóa gia đình ở thời đại nào cũng luôn là vấn đề hệ trọng. Gia đình bền xã hội mới vững. Để xây dựng gia đình trở thành nơi bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị nhân văn, những truyền thống tốt đẹp rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể cùng với nhân dân phòng chống bạo lực gia đình và sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, vì mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 
 
THÁI AN