Một gia đình có "tấm lòng vàng"

09:06, 01/06/2017

Gia đình anh Nguyễn Tất Doãn và chị Nguyễn Thị Đông hiện sinh sống tại Thôn 7, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh. Mặc dù kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng năm 2014 anh chị sẵn sàng hiến tặng khoảnh đất trị giá xấp xỉ 100 triệu đồng cho cộng đồng xây hội trường thôn.

Gia đình anh Nguyễn Tất Doãn và chị Nguyễn Thị Đông hiện sinh sống tại Thôn 7, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh. Mặc dù kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng năm 2014 anh chị sẵn sàng hiến tặng khoảnh đất trị giá xấp xỉ 100 triệu đồng cho cộng đồng xây hội trường thôn.
 
Chị Đông với căn nhà văn hóa Thôn 7 mà gia đình chị hiến đất
Chị Đông với căn nhà văn hóa Thôn 7 mà gia đình chị hiến đất
Nhà vợ chồng anh Doãn ở ngay cạnh mặt đường tỉnh lộ 721. Căn nhà cấp bốn, lợp tôn được chia làm hai phòng. Tường nhà không vôi ve, đen sì theo thời gian. Do mặt đường 721 được cải tạo, nâng cấp, nền nhà thấp hơn mặt đường chừng 0,5 m. Một lần tới thăm, anh tiếp tôi nơi phòng khách chỉ rộng khoảng 16 m2, kê bộ sa lông cũ kỹ, chiếc tủ tường bằng gỗ ép. Hộc giữa chiếc tủ để chiếc ti-vi hiệu SANYO đời cũ, ngoài ra không có gì đáng giá. Nhưng nổi bật trong căn phòng là những tấm bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền tặng cá nhân anh chị được lồng trong khung kính treo trang trọng. 
 
Trò chuyện, anh Doãn kể: Quê anh ở thị trấn Vân Đình thuộc Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Anh chị vào xây dựng kinh tế mới tại Thôn 7, xã Đạ Kho năm 1986. Trên quê hương mới, anh từng tham gia công tác xã hội như: Phó ban Thanh tra xã, Trưởng ban Mặt trận thôn giai đoạn 2006-2013. Ở cương vị nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mấy năm gần đây, do tuổi ngoài 60 nên anh nghỉ công tác. Công việc chính của anh là làm vườn, song diện tích đất chỉ có 4.000 m 2. Một khu anh trồng cây ăn trái, vài chục cây điều và một diện tích trồng dâu bán lá. Những khi rảnh, anh làm thêm nghề thợ mộc để cải thiện cuộc sống. Anh cho biết, gia đình thu nhập mỗi tháng chừng hai triệu đồng. Tôi không thể hình dung, với số tiền ít ỏi đó, anh chị sẽ trang trải cuộc sống ra sao? Nghe tôi thắc mắc, anh cười rất tươi và nói: Có ba người con đều tốt nghiệp các trường cao đẳng, có việc làm ổn định, tự lo cho mình được cả rồi. Còn hai vợ chồng, ăn uống chẳng đáng là bao nên không cần nhiều tiền lắm. 
 
Chúng tôi đang trò chuyện thì vợ anh - chị Nguyễn Thị Đông đi làm về. Bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi. Chị đi chiếc xe gắn máy Trung Quốc trị giá khoảng ba triệu đồng. Nó là phương tiện đi lại duy nhất của anh chị. 
 
Thấy tôi, chị tươi cười chào và xin phép đi rửa chân tay. Một lát sau, chị vào cùng chúng tôi trò chuyện. Khi tôi đề cập tới thổ đất mà gia đình hiến tặng cho UBND xã Đạ Kho xây dựng hội trường Thôn 7, chị thủng thẳng tâm sự: Xã Đạ Kho có 11 thôn. Dân số gốc người Hà Tây vào đây lập nghiệp năm 1985 theo chính sách phân bổ lại nguồn nhân lực của nhà nước. Ngày ấy, vùng Đạ Kho còn hoang sơ, quá nhiều khó khăn và thiếu thốn. Cực nhất là đường đi. Sáu tháng nắng bụi mù, sáu tháng mưa sình lầy dính bết. Trạm xá xã, trường học, bệnh viện đều là những căn nhà gỗ đơn sơ. Trẻ em đến trường rất vất vả nên nhiều cháu bỏ học. Đáng sợ nhất là bệnh sốt rét. Gia đình nào cũng có người bị sốt rét hành hạ, thi thoảng lại có người tử vong vì sốt ác tính, nên nhiều gia đình đã bỏ về quê cũ. Những ngày ấy, gặp ai cũng thở dài ngao ngán. Tưởng vào miền đất hứa, ai ngờ, cỏ tranh mọc nhanh hơn lúa. Muỗi thì như trấu. Tuy nhiên, anh chị đã trụ lại cùng mọi người khi được tổ chức Đảng và chính quyền địa phương kịp thời động viên: Xưa đánh Pháp, đánh Mỹ, dân ta cực khổ trăm đường nhưng chúng ta đã vượt qua. Nay đi làm kinh tế, nếu chung sức đồng lòng thì đất sẽ không phụ công người. Mọi sự bắt đầu nào cũng gian nan. Nói đi đôi với làm, đảng viên là những người đi đầu trong sản xuất, phát động tuyên truyền phòng chống bệnh tật, đặc biệt là sốt rét; vận động toàn dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương nội đồng… Gia đình anh chị rất tích cực hưởng ứng, tham gia. 
 
Sau 15 năm anh chị đặt chân vào quê mới, tới năm 2000, 11 thôn của xã Đạ Kho cũng như tất cả các thôn khác trong huyện Đạ Tẻh đã thực sự khởi sắc. 80% hộ gia đình đã có nhà xây. Trường học, trạm y tế khang trang. Đường thôn ngõ xóm mở rộng, xe ô tô đi vào được tận các ngõ ngách trong làng. 
 
Khi đã có kinh tế, cuộc sống được nâng cao thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giao tiếp thông tin, tổ chức hội họp thôn xóm là nhu cầu không thể thiếu. Trước đây, các thôn mỗi khi tổ chức hội họp thường phải nhờ nhà dân nên rất bất tiện. Xuất phát từ lý do đó, huyện có chủ trương xây dựng các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các thôn bằng nguồn kinh phí nhà nước và nhân dân cùng làm. 
 
Các thôn trong xã Đạ Kho đều đã làm được nhà văn hóa. Riêng Thôn 7, đến cuối năm 2013 vì không có quỹ đất nên vẫn phải mượn hội trường UBND xã hoặc trường học để làm nơi sinh hoạt, hội họp. Chủ trương ban đầu của thôn là bổ đầu mỗi hộ phải đóng 1,5 triệu đồng để có tiền mua đất xây nhà văn hóa. 
 
Xét thấy mặt bằng kinh tế chung trong thôn còn nghèo, rất khó khăn cho bà con khi phải đóng góp, sau nhiều ngày suy nghĩ, bàn bạc với nhau, anh chị Doãn đã quyết định hiến tặng cho thôn một phần đất của nhà mình ngay tại mặt tiền đường tỉnh lộ 721. Thổ đất có chiều ngang 7 m, chiều dài gần 30 m để xây dựng hội trường thôn. 
 
“Vì sự phát triển của địa phương, vì lợi ích của nhân dân trong thôn, mình hy sinh một chút mà mang lại lợi ích cho thôn, xóm thì đó là niềm vui. Lợi ích thì ai cũng cần nhưng đâu chỉ vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích tập thể” - Sự suy nghĩ bình dị và hành động đẹp của anh chị khi ấy là đề tài cho một số người bàn tán. Có người nói: “Vợ chồng nhà ấy không bình thường”. “Khùng”. “Kinh tế chẳng khá giả gì mà sĩ diện hão”. “Không giống ai”… Nhưng khi hiểu được việc làm của anh chị chính là vì nhân dân Thôn 7, mọi người mới thật sự kính trọng “tấm lòng vàng” của anh chị.
 
Hội trường Thôn 7 được xây rộng 50 m 2 và lợp ngói, có khoảng sân thật rộng, đưa vào sử dụng tháng 9/2014... Ngoài việc hiến đất, anh Doãn đã đóng tặng cho hội trường ban thờ Bác Hồ. Mỗi khi bàn ghế bị hư hỏng, anh thường tự nguyện sửa chữa mà không hề nhận thù lao.
 
Từ khi hội trường được đưa vào sử dụng, không chỉ người dân có nơi thuận tiện để hội họp, giải quyết những vấn đề bức xúc của khu dân cư mà các tổ chức đoàn thể cũng có nơi sinh hoạt. Khu vực sân nhà văn hóa còn là nơi vui chơi, tập thể thao của bà con những ngày nông nhàn và giao lưu văn hóa văn nghệ những dịp lễ, tết. 
 
Với sự đóng góp như trên, năm 2014, anh Doãn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích Dân vận khéo. Năm 2015, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh tặng bằng biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Chị Đông cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Giấy khen vì có thành tích trong phong trào vận động xây dựng nông thôn mới.
 
DUY LƯU