Kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản thực phẩm

09:06, 28/06/2017

Lâm Đồng có điều kiện khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng và phát triển, cũng là điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh và gây hại. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp là một trong những biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng.

Lâm Đồng có điều kiện khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng và phát triển, cũng là điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh và gây hại. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp là một trong những biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng. Hiện nay có hơn 1.700 hoạt chất với trên 4.035 tên thương mại khác nhau được lưu thông trên thị trường. Ước tính, hàng năm lượng thuốc BVTV thương phẩm được nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 8.000 -10.000 tấn/năm (giai đoạn 2010 - 2013) đến nay đã giảm còn 5.000 - 6.000 tấn/năm.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do sự chuyên canh và đa dạng chủng loại cây trồng nên thành phần dịch hại diễn biến khá phức tạp. Nhu cầu sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ các loại dịch hại của người sản xuất ngày càng lớn, các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh không ngừng đầu tư mở rộng. Từ 2010 chỉ có 785 quầy kinh doanh thuốc BVTV đến nay toàn tỉnh đã tăng lên 1.084 quầy thuốc BVTV.
 
Hàng tháng phân tích dư lượng thuốc BVTV cây rau
 
Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng tiếp tục triển khai định kỳ hàng tháng lấy mẫu phân tích gốc Carbamate và lân hữu cơ. Nếu phát hiện các lô hàng rau nhiễm dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, Chi cục truy nguyên nguồn gốc để xử lý theo quy định pháp luật.
 
Trong một năm vừa qua, tại các cơ sở sản xuất rau VietGAP, Chi cục đã lấy 550 mẫu rau trên 550 lô hàng (434,8 tấn) gồm: hành poireau, cần tây, cải thảo, hành tây, ớt ngọt, cải bắp, cà chua, đậu leo, đậu Hà Lan, khoai tây… phân tích dư lượng thuốc BVTV, kết quả đều đạt ngưỡng an toàn. 
 
Đồng thời, Chi cục còn phối hợp với Chi cục BVTV thành phố Hồ Chí Minh phân tích định lượng 24 mẫu rau khác (24 lô hàng), kết quả 100% mẫu đều đạt an toàn theo quy định của Bộ Y tế ban hành giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm.                         
VŨ VĂN

Để quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, ngành chức năng đã tổ chức tập huấn và cấp 1.508 giấy chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận huấn luyện chuyên môn về thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Thẩm định và cấp 790 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Có 90% quầy kinh doanh thuốc BVTV ký cam kết không buôn bán thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép.

 
Trong 5 năm (2011 -2016), qua hoạt động thanh tra, kiểm tra 1.464 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và các tổ chức, cá nhân sản xuất chè, cà phê đã phát hiện và xử lý 154 cơ sở vi phạm. Phân tích 217 mẫu thuốc BVTV, phát hiện và xử lý vi phạm 11 mẫu không đạt chất lượng như công bố. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) với 14.449 sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh để phân tích các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu về ATTP. Kết quả phân tích có 13.626 mẫu đạt (chiếm 95%), còn 823 mẫu không đạt (chiếm 5%), (mục tiêu của Chiến lược quốc gia về ATTP đến năm 2015 là giảm số mẫu không đạt xuống 6%). Trong các mẫu không đạt về ATTP có 704 mẫu rau quả, 30 mẫu chè, 24 mẫu cà phê, 35 mẫu thịt, 1 mẫu mật ong, 4 mẫu thủy sản, 17 mẫu nước tiểu heo, 8 mẫu thuốc thú y.
 
Các chỉ tiêu phân tích không an toàn thường là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau, chè, dâu vượt mức cho phép, tỉ lệ caffeine thấp; mẫu thịt và mẫu giò chả có chứa vi sinh vật, chất phụ gia, hàn the; mẫu nước tiểu heo dương tính với chất cấm Salbutamol.
 
Để đánh giá tình hình sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, trong thời gian qua, cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã tiến hành điều tra việc sử dụng thuốc BVTV của 1.870 hộ, trong đó có 1.420 hộ trồng rau, 450 hộ trồng chè. Qua điều tra cho thấy, nông dân đang sử dụng nhiều chủng loại thuốc BVTV khác nhau, việc sử dụng thuốc có nhiều tiến bộ theo từng năm, tuy nhiên vẫn còn một số nông dân còn sử dụng thuốc BVTV chưa đăng ký sử dụng trên rau, chè. Khi sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại, nông dân thường tăng nồng độ sử dụng so với khuyến cáo (chiếm 46%), sử dụng thuốc đúng theo nồng độ khuyến cáo (chiếm 37%), sử dụng thuốc không đăng ký phòng trừ dịch hại trên rau (chiếm 38%). Nông dân chưa thực sự chủ động trong phòng trừ dịch hại, phun thuốc thường phun định kỳ mà không quan tâm đến việc điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, khi sử dụng thuốc còn phối trộn 2 - 3 loại thuốc trừ sâu hoặc trừ bệnh để phun, số lần phun trên vụ còn cao (từ 5 - 7 lần).
 
Ông Hoàng Sỹ Bích - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Sở đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu lượng thuốc BVTV được sử dụng trong phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng. Cụ thể như: Đã có sự liên kết mạnh mẽ giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất, một số sản phẩm chủ lực như cà phê, chè, rau, hoa đã hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm tăng năng suất, sản lượng, tăng giá trị và hiệu quả trên đơn vị diện tích; riêng đối với rau đã hình thành 29 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, thông qua chuỗi liên kết các cơ sở đã kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các viện, trường đại học, các công ty thuốc BVTV thực hiện nhiều khảo nghiệm để xác định các loại thuốc BVTV có hiệu quả phòng trừ một số dịch hại chưa có thuốc đăng ký trong danh mục và kịp thời ban hành các quy trình tạm thời phòng trừ các dịch hại này để kịp thời chỉ đạo sản xuất an toàn tại địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức các hội thảo giới thiệu, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm sinh học, các sản phẩm có độ độc thấp, thời gian cách ly ngắn cho nông dân sản xuất; tập huấn mô hình về phòng trừ sâu hại trên cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả đã giúp người sản xuất thay đổi nhận thức trong sử dụng thuốc BVTV. Qua đó, nông dân đã chú trọng hơn trong việc áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP giúp giảm bớt số lần phun thuốc BVTV, lượng thuốc BVTV và loại thuốc BVTV. Công bố các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo yêu cầu, chất lượng cho nông dân biết để lựa chọn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc kinh doanh, khuyến cáo hội thảo, sử dụng thuốc BVTV ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp và môi trường sinh thái.
 
Nhờ các biện pháp trên đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu lượng thuốc BVTV được sử dụng trong phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng. Theo điều tra, lượng thuốc BVTV thương phẩm hàng năm được nông dân Lâm Đồng sử dụng trước đây (năm 2010 - 2013) khoảng 8.000 - 10.000 tấn đến nay đã giảm xuống khoảng 5.000 - 6.000 tấn/năm. Từ năm 2011 đến nay, cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu giám sát 12.469 mẫu rau, quả, chè trên phạm vi toàn tỉnh để phân tích thì có 96% mẫu đạt chất lượng, chỉ tiêu về ATTP, còn 424 mẫu chiếm 4% số mẫu không đạt. Qua phân tích, việc sử dụng thuốc BVTV trên nông sản có chiều hướng giảm theo từng năm, từ hơn 6% (năm 2011) xuống còn dưới 1% (năm 2016). Điều này cho thấy, việc tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền đã có ảnh hưởng đến nhận thức và kiến thức của nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV, tuy nhiên vẫn còn một số sản phẩm của nông dân sản xuất theo tập quán, ít quan tâm đến thời gian cách ly và gia tăng nồng độ, liều lượng thuốc khi sử dụng. 
 
AN NHIÊN