Hạnh phúc khi được đi, học và viết

09:06, 21/06/2017

Cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác, họ đều là những người làm báo tử tế. Giữa thời buổi thị trường đồng tiền lên ngôi, lợi ích cá nhân được coi trọng…  thì những bài viết thấm đẫm hơi thở cuộc sống của họ, cái tâm cùng sự đam mê cùng tận với nghề nhà báo (NB) thực sự như những viên ngọc quý, để chúng ta, những người làm báo đôi lúc phải tự vấn, nhìn lại mình trong mỗi chặng đường đã đi qua.

Cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác, họ đều là những người làm báo tử tế. Giữa thời buổi thị trường đồng tiền lên ngôi, lợi ích cá nhân được coi trọng…  thì những bài viết thấm đẫm hơi thở cuộc sống của họ, cái tâm cùng sự đam mê cùng tận với nghề nhà báo (NB) thực sự như những viên ngọc quý, để chúng ta, những người làm báo đôi lúc phải tự vấn, nhìn lại mình trong mỗi chặng đường đã đi qua.
 
NB Nguyễn Văn Quang - Phòng Chuyên mục, Đài PTTH Lâm Đồng:  “… Hãy dành tình yêu cho nghề mình đã chọn, dẫu ít - dẫu nhiều…”
 
NB Nguyễn Văn Quang - gắn cả đời làm báo của mình với thể loại Phát thanh như một định mệnh (dù đã không ít lần anh rẽ ngang sang Truyền hình và cũng đạt không ít những thành công). Có lẽ cũng vì thế nghề đã cho anh quả ngọt sau rất nhiều bươn chải, trăn trở và cả những nỗi đau với từng con chữ mỗi khi anh viết ra. Nếu chỉ xét riêng về các giải thưởng trong hệ thống giải báo chí quốc gia, toàn quốc… tôi dám khẳng định anh là người giàu thành tích nhất trong làng báo Lâm Đồng. Ba năm trở lại đây, anh có từ khuyến khích đến giải B của giải báo chí uy tín hàng đầu Việt Nam - Giải Báo chí Quốc gia; riêng trong lĩnh vực phát thanh, anh đã có đầy đủ bộ sưu tập Vàng - Bạc - Đồng sau mỗi kỳ liên hoan và chưa kể đến hàng chục giải thưởng lớn nhỏ khác thuộc hệ thống giải báo chí toàn quốc mà anh đã từng tham dự trong hơn 25 làm nghề của mình.
 
Nhà báo Nguyễn Văn Quang (thứ ba từ phải sang) trong lễ trao giải của Liên hoan phát thanh toàn quốc. Ảnh: Võ Trang
Nhà báo Nguyễn Văn Quang (thứ ba từ phải sang) trong lễ trao giải của Liên hoan phát thanh toàn quốc. Ảnh: Võ Trang
PV: Thưa anh, là một nhà báo được rất nhiều giải thưởng trong hệ thống giải báo chí quốc gia, theo anh đâu là yếu tố quyết định mang đến sự thành công của một tác phẩm báo chí?
 
NB Nguyễn Văn Quang: Theo tôi, một tác phẩm báo chí thành công  có rất nhiều yếu tố hợp thành. Nhưng điều cần có đầu tiên và không bao giờ thiếu chính là sự chính kiến để thật thà kể lại câu chuyện vui và chưa vui về cuộc sống. Cuộc sống ấy, có thể chạm vào được cuộc đời, một phần nào đó thân phận của họ dù công chúng chỉ được xem qua truyền hình, nghe đài hay đọc trên mặt báo. Nhưng để cuộc sống ấy vào trong một tác phẩm báo chí có hơi thở, có sắc màu, có cảm xúc và hơn hết là sự đồng cảm thì chẳng dễ dàng chút nào. Đôi khi người viết cứ sa đà vào những con số, những sự kiện, kết quả, thành tích… mà quên mất giọt mồ hôi mặn chát của người nông dân giữa cái nắng chang chang hay đang ngụp lặn trong mưa lũ… thì sẽ chẳng bao giờ có một tác phẩm tử tế, chưa dám nói đến một tác phẩm được giải thưởng. Và giải thưởng đó sẽ ý nghĩa, trân trọng hơn khi được chính công chúng trao tặng.
 
PV: Với một người làm báo địa phương như anh, có rất nhiều áp lực và trở ngại liên quan đến yếu tố ngoài chuyên môn, bí quyết nào để anh có thể vượt qua những “vùng cấm” đó?
 
NB Nguyễn Văn Quang: Tôi không có khái niệm làm báo trung ương hay địa phương. Và tôi luôn tâm niệm rằng nghề này không có nhà báo lớn, càng không có nhà báo nào nhỏ. Điều quan trọng, là mỗi người làm nghề phải có tình yêu và sự tận tâm với công việc. Phải biết vui, buồn với mỗi tác phẩm của chính mình. Và để vượt qua những trở ngại, áp lực (nếu có) thì việc học luôn là hành trang mỗi ngày làm nghề cho dù công việc này đã gắn bó với tôi gần 25 năm qua. Ngày mới vào nghề, học là để biết những điều mình chưa biết và hiểu hơn những gì mình đã biết. Rồi mấy năm nay, khi được mời đứng trên bục giảng, trao đổi với sinh viên hay những người làm báo trẻ thì việc học là để được nghe những câu hỏi của các bạn dành cho mình mà mình… chưa biết.
 
PV: 25 năm trong nghề, đã vượt qua và chứng kiến nhiều thăng trầm, buồn vui của nghề, liệu anh có còn đam mê như lúc ban đầu và nhiều những trăn trở để chia sẻ không?
 
NB Nguyễn Văn Quang: Từng ấy thời gian gắn bó với công việc, từ chỗ nghĩ đơn giản chỉ là nơi đi - về hàng ngày để có một việc làm ổn định, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, đối với tôi bây giờ nghề báo còn là động lực để tôi yêu hơn cuộc sống này. Nhưng để có tình yêu đó, thì phải luôn cố gắng bằng tất cả sự tử tế có thể. Điều tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ rằng: Hãy cố gắng với công việc mình đang làm và hãy dành tình yêu cho cái nghề mà mình đã chọn, dẫu ít - dẫu nhiều …
 
PV: Xin cảm ơn anh, chúc anh hạnh phúc và thành công trong công việc!
 

 

NB Nguyễn Hữu Sang - Văn phòng Thường trú Báo Lâm Đồng tại Bảo Lộc: “Đi, yêu và viết bằng tất cả niềm say mê …”

21/6 - ngày của những người làm báo, lại thường gắn liền với những kỷ niệm tác nghiệp, của riêng tôi. Cách đây khoảng 3 năm, một đứa em đồng nghiệp là lính mới toe, chân ướt chân ráo lần đầu tiên lên Đà Lạt làm việc, alô bảo em được phân công làm cùng anh vụ xe quá tải né trạm cân. Hơn một tuần ăn dầm nằm dề ở trạm cân dưới đèo Bảo Lộc, anh em có bao nhiêu là kỷ niệm cũng như kinh nghiệm tác nghiệp. Từ chỗ chưa biết thế nào là xe 5 giò, chưa hiểu cách thức chung chi né trạm ra sao, chưa biết đường đi né trạm như thế nào, mà cuối cùng anh em chúng tôi dường như trở thành những lơ xe thực thụ. Có những đêm thức đến gần sáng để lân la với cánh tài xế và lơ xe để hiểu từng đường đi nước bước, có những ngày đội mưa canh chụp cho được một tấm ảnh xe né trạm, có khi bị lộ vì bị cò qua trạm dẫn dụ. Thế rồi, cuối cùng bài viết cũng hoàn thành. Ngày hai anh em hí hửng chạy xe về Đà Lạt cũng đúng ngày 21/6. Vừa đến đầu đèo, tòa soạn alô bảo ảnh chưa đạt, phải làm lại gấp. Bao nhiêu dự định vui chơi đành gác lại. Nhá nhem tối, chúng tôi lại đổ đèo, lại dẫn dụ xe né trạm, lại canh chụp ảnh nhưng đành thất bại. Trời mưa, anh em đành trở về tay không. Buồn vì không chụp được ảnh theo yêu cầu nhưng đau nhất theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là khi vừa lên đầu đèo Bảo Lộc, trời tối, tôi chạy xe máy đâm thẳng vào ổ gà trên đường. Cả hai anh em lộn nhào, một chiếc ô tô đậu ngay đó thay vì chủ xe xuống cứu giúp thì lại phóng xe đi ngay mà chắc có lẽ là sợ liên lụy. Thằng em ngồi sau xe có lẽ vì đói, vì lạnh và cả vì sợ nên nằm bất tỉnh. Tôi phải chạy chiếc xe khi đó bị cong vành, niểng đầu chở nó vào nhà người quen gần đó. Cuối cùng thì bài cũng được lên trang, ngoài nhuận bút còn được thưởng nhưng không đủ tiền sửa xe. 
 
Sau đó một năm, cũng ngày 21/6, tôi và vài anh em đồng nghiệp được nhận tiền thưởng nóng cho loạt bài điều tra về chè ở Bảo Lộc. Hơn một tháng đeo bám, bài lên trang, được đa phần anh em đồng nghiệp ghi nhận, nhưng hiếm ai biết được nhóm chúng tôi đã tác nghiệp như thế nào. Kinh nghiệm làm điều tra còn ít, phương tiện máy móc còn hạn chế nên để ghi âm, có hình ảnh là điều khó cực kỳ. Đứa em đồng nghiệp trẻ của tôi khi đó xin được vào làm công nhân ở một nhà máy chè đã liều mình giấu chiếc máy ảnh du lịch trong bụng, khi lôi ra quay hình xong sợ bị phát hiện thì buộc phải nhét đại xuống quần, rồi giả vờ đau bụng để vào toilet lấy máy ảnh ra. Ngày cuối cùng của phi vụ đó, chúng tôi căng như dây đàn khi một người cầm máy ảnh lớn có ngụy trang vào nhà máy chụp hình, những người còn lại vòng đảo bên ngoài chờ tiếp ứng. Điện thoại không dám gọi, vài tiếng trôi qua đầy căng thẳng, để rồi khi nhận được cuộc gọi đón nó, tôi như được cởi bỏ một khối đá nặng đè lên lồng ngực mấy tiếng liên tục. 
 
Một vài kỷ niệm viết cho ngày 21/6 nhưng tất cả như mới xảy ra, tất cả là những kỷ niệm và kinh nghiệm quý báu trong quãng thời gian làm báo hơn 10 năm của mình. Đó là những ngày làm báo mà tôi cứ như bụi đời khi cả ngày cứ quần đùi áo cộc. Đó là những ngày làm báo mà tôi quên đi mình là phóng viên mà mình như đang là một công nhân vệ sinh, một nông dân thực thụ hay một chủ doanh nghiệp bảnh bao. Làm báo dấn thân, có lẽ tôi chưa thuần thục, nhưng tôi luôn nghĩ đó là cách làm nghề của mình. Có những lúc công việc không thuận lợi, tôi cũng từng nghĩ hay bỏ cuộc không làm báo nữa, có những thời điểm tôi đã tạm gác việc viết báo lại. Thế nhưng, chỉ cần một cuộc gọi, một thông tin nóng từ bạn đọc thì máu nóng trong người tôi lại sôi sục. Tôi lại đi, yêu và viết bằng tất cả những say mê, nhiệt huyết và yêu thương dành cho nghề. 
 


NB Nguyễn Dũng - Văn phòng Thường trú TTX Việt Nam tại Lâm Đồng:  “Phóng viên thường trú như làm dâu trăm họ”

Là một phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Lâm Đồng được 7 năm, một thời gian không còn ngắn để nói mới vào nghề, cũng chưa đủ dài để lên “lão làng” như các anh chị đồng nghiệp. Tuy nhiên, thời gian ấy cũng đủ để tôi thấm thía cái gọi là phóng viên thường trú. Không giống như báo địa phương có hàng chục phóng viên, cả cơ quan thường trú Lâm Đồng chỉ vỏn vẹn 3 người, hầu như các sự kiện và vấn đề xảy ra trên địa bàn, anh em trong cơ quan đều phải phân công nhau tham dự. 
 
Thậm chí có nhiều sự kiện quan trọng, tuyến tin bài nóng, cả cơ quan cùng vào cuộc. Chẳng hạn như vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng (huyện Lạc Dương) hay vụ việc khai thác thiếc lậu trong Thung lũng Tình  Yêu, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đèo Prenn vào tháng 6/2016, các kỳ Festival hoa Đà Lạt… Ở các sự kiện này, chúng tôi phân công người phụ trách báo viết, người chụp ảnh, người làm truyền hình để kịp thời cung cấp thông tin chuẩn xác và nhanh nhất - đảm bảo chức năng “thông tin nguồn” của Thông tấn xã. 
 
Làm phóng viên thường trú, thoải mái và không bị gò bò, nhất là không bị tòa soạn soi nhất cử nhất động, nhưng không vì thế mà chểnh mảng công việc. Các tin tức thời sự, vụ việc nóng trên địa bàn luôn được anh em thường trú đưa tin và cập nhật rất kịp thời. Công việc là thế nhưng đôi khi, đời phóng viên thường trú cũng rất vui. Ngay tại Đà Lạt, chúng tôi cùng các anh em đồng nghiệp phóng viên thường trú như báo Thanh Niên, Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động, Tiền Phong, Dân Trí… cũng hay cùng nhau gặp gỡ, giao lưu. Nhất là các dịp như Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Tất niên, gặp mặt đầu năm. Những lúc này “Tổ viết báo xa mẹ” - như cách gọi vui của anh chị em đồng nghiệp, là thời gian mọi người gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ và vui vẻ hết cỡ. 
 
Dù vậy, vẫn còn nhiều trăn trở đối với nghề, đặc biệt đối với những phóng viên thường trú như chúng tôi. Đó là mỗi lần đi tác nghiệp cũng còn nhiều hạn chế về con người và phương tiện; đôi khi có sự kiện quan trọng, anh em thường trú phải tự lo phương tiện, lên kế hoạch đến dự và đưa tin cho kịp tính thời sự. Chúng tôi cũng mong địa phương sẽ quan tâm hơn nữa đến “Tổ bán báo xa mẹ” để phóng viên thường trú hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa tin, bài phản ánh, cả tích cực và tiêu cực, nhằm góp phần xây dựng một thành phố Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung thành một địa phương giàu mạnh cả về kinh tế lẫn văn hóa, tinh thần.
 
TUẤN LINH (ghi)