Đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của các hoạt động báo chí

09:06, 08/06/2017

Báo chí - một bộ phận cấu thành quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Báo chí - một bộ phận cấu thành quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vạch mặt bọn thực dân và phong kiến phản động, nêu bật yêu cầu cấp thiết phải thành lập chính đảng cộng sản ở Việt Nam - Khi hoạt động tại Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Thanh Niên và phát hành số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Trải 92 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời và đồng hành, phục vụ cách mạng, dân tộc. Trong sự nghiệp hơn 30 năm đổi mới đất nước, hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam càng thể hiện rõ nét vai trò, chức năng định hướng, soi đường như lãnh tụ giai cấp vô sản V.I. Lênin từng dạy: “tờ báo không phải chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ vũ tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể”.
 
Hội viên Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng tham gia Liên hoan Tiếng hát Người làm báo khu vực Tây Nguyên lần thứ VI. Ảnh: Việt Quỳnh
Hội viên Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng tham gia Liên hoan Tiếng hát Người làm báo
khu vực Tây Nguyên lần thứ VI. Ảnh: Việt Quỳnh
Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng
 
Để tôi rèn chất cách mạng của nền báo chí Việt nam, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người, đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (4/1959), Người dặn: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Huấn thị tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962), Bác khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy, là vũ khí sắc bén của họ”. 
 
Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng ta luôn chăm lo, tạo điều kiện cho sự nghiệp báo chí nước nhà trưởng thành, nhất là trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập. Tháng 10/1997, Bộ Chính trị (khóa VIII) ra Chỉ thị số 22-CT/TW “Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản”. Chỉ thị nêu rõ: “Người hoạt động báo chí, xuất bản phải theo định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tính chiến đấu cao, phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức sâu rộng, trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ ngày càng một nâng cao, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước”. Đáp ứng yêu cầu “nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền - cổ động, báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ, thông tin đối ngoại”, ngày 1/12/2004, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 162-TB/TW nêu rõ: “Quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ các nhà báo về nhận thức chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng khóa X (7/2007) đã ra Nghị quyết “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”. 
 
Tiếp tục nâng cao chất lượng tư tưởng, văn hóa, mở rộng đối tượng độc giả
 
Đến nay, hệ thống báo chí Việt Nam phát triển với quy mô lớn từ Trung ương đến các địa phương. Cả nước hiện có 861 cơ quan báo chí in; 150 báo, tạp chí điện tử; 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài PTTH (3 đài quốc gia, 64 đài địa phương); 183 kênh chương trình PTTH quảng bá, 75 kênh chương trình truyền hình trả tiền. Đội ngũ nhà báo cũng đã phát triển hùng hậu. Cả nước có gần 40 nghìn người làm việc trong các cơ quan báo chí. Trong đó có gần 24.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, 18.380 người được cấp thẻ nhà báo... 
 
Đánh giá vai trò của báo chí, Đại hội XII của Đảng ghi nhận: “Truyền thông đại chúng phát triển nhanh cả về loại hình, quy mô, lực lượng, phương tiện kỹ thuật và ảnh hưởng xã hội”. Đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ ra “Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận và xây dựng con người”. Từ đó, Đảng yêu cầu “Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam... Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất cho là thanh niên, thiếu niên”. 
 
Nâng cao vị thế, chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí thời toàn cầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thiết nghĩ, báo chí Việt Nam nói chung và hệ thống báo chí Lâm Đồng nói riêng cần tiếp tục bám sát và thực hiện tốt những nội dung cơ bản vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đã xác định. Đó là: Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của các hoạt động báo chí. Đồng thời, phải nắm vững, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội. Phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng. Tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, văn hóa, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ. 
 
Cùng với sự trưởng thành của nền báo chí cách mạng nước nhà, 42 năm qua, báo chí Lâm Đồng từng bước nỗ lực vươn lên, góp phần tích cực vào công cuộc giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí và thực sự là nhịp cầu giữa Đảng với nhân dân tỉnh nhà. Từ xuất bản 10 ngày 1 số với lượng phát hành chỉ 1.000 tờ, nay báo Lâm Đồng tăng lên 5 số/tuần với tia ra trên 7.000 tờ/kỳ, có bản tin Dân tộc - Miền núi, trang thông tin điện tử (trên 10.000 lượt truy cập/ngày) và đang chuẩn bị điều kiện để ra nhật báo, ra báo điện tử, xuất bản trang tiếng Anh đối ngoại trên Lâm Đồng online. Đài PT-TH Lâm Đồng tăng thời lượng phát sóng; phong phú và đa dạng các chuyên trang, chuyên mục; có bản tin PT-TH tiếng K’Ho và Chu ru; phủ sóng gần 100% địa bàn tỉnh... Tạp chí Langbian (Hội VH-NT tỉnh) xuất bản ổn định 1 kỳ/tháng... với hình thức và nội dung ngày càng được cải tiến, nâng cao chất lượng. Ngoài ra, trên địa bàn Lâm Đồng còn có gần chục bản tin của các sở, ngành và sự “đứng chân” của các văn phòng đại diện, văn phòng thường trú của các báo Trung ương, bộ, ngành và địa phương bạn... Cùng với mở rộng và nâng cao chất lượng quy mô hoạt động, các cơ quan báo chí Lâm Đồng cũng hết sức chú trọng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu “vừa hồng vừa chuyên”, “tâm sáng, lòng trong”... Tuy đạt nhiều thành quả nhưng nhìn chung so với một số tỉnh, thành trong khu vực, trong nước, “thế và lực” của báo chí Lâm Đồng cần được quan tâm tăng cường đầu tư nguồn lực hơn nữa. Đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng và khẳng định thương hiệu các “cây bút” trong từng lĩnh vực, phát huy tâm - tài của những người làm báo ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Trong thời hội nhập, bùng nổ thông tin, cùng với không né tránh đấu tranh chống tiêu cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, báo chí Lâm Đồng cũng tăng cường nâng cao sức chiến đấu, phản bác và đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch, chống phá mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà dân tộc ta đã sáng suốt lựa chọn.
 
NGUYỄN THANH ĐẠM