Lâm Đồng coi trọng bảo vệ môi trường

09:06, 05/06/2017

Chung tay bảo vệ môi trường không chỉ có ngày 5/6 hàng năm mà đây còn là "Tháng hành động vì MT". "Mục tiêu tối trọng là quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và tích trữ nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu" - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Lương Văn Ngự nhấn mạnh. 

Chung tay bảo vệ môi trường (MT) không chỉ có ngày 5/6 hàng năm mà đây còn là “Tháng hành động vì MT”. “Mục tiêu tối trọng là quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và tích trữ nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Lương Văn Ngự nhấn mạnh.       
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh (thứ nhất đến thứ ba từ trái qua) tham gia trồng cây phân tán năm 2017 tại Bệnh viện Nhi (Đà Lạt). Ảnh: Minh Đạo
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh (thứ nhất đến thứ ba từ trái qua) tham gia trồng cây phân tán năm 2017 tại Bệnh viện Nhi (Đà Lạt). Ảnh: Minh Đạo
Ưu tiên kiểm tra giám sát nhiều cơ sở 
 
Qua phân loại về lưu lượng xả nước thải (NT) trên toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng (tính đến 12/2016) có 21 cơ sở. Bao gồm: 4 nguồn thải có lưu lượng NT trên 1.000 m 3/ ngày đêm (dự án (DA) thoát nước, thu gom và xử lý NT thành phố Đà Lạt; DA Tổ hợp Bauxit nhôm Lâm Đồng; 2 DA Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Lộc Sơn và Phú Hội); 3 nguồn thải có lưu lượng NT từ 500 -1.000 m 3/ ngày đêm (DA Nhà máy nhuộm sợi len, chỉ vải, sản xuất tất, áo len, ống nhựa cuộn chỉ của Công ty (Cty) TNHH Dệt may và vớ Apex); DA Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Sacom-Tuyền Lâm và DA Nhà máy chế biến cà phê Arabica (Chi nhánh Cty TNHH Olam Việt Nam tại Lâm Đồng). 
 
Ngoài ra còn là 14 nguồn thải có lưu lượng NT từ 300-500 m3/ngày đêm. Gồm: Bệnh viện II Lâm Đồng; Cty TNHH Hồ Phượng; Cty CP Tổng Cty Dâu tằm tơ Việt Nam; Cty TNHH XNK Thủy Thuận Đà Lạt; Chi nhánh Cty TNHH Lê Đức Tiến; Cty CP Thực phẩm Lâm Đồng; Cty  TNHH Duy Ngọc Đạ Huoai; Cty TNHH MTV Nghiêm Phát; Cty TNHH Agrivina; Cty CP Sữa Đà Lạt; Chi nhánh Cty CP Bất động sản Việt - Nhật tại Đà Lạt; Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt; Cty CP Bốn Mùa Tuyền Lâm và Cty CP Tư vấn và Đầu tư Tâm Anh. 
 
Về chất thải nguy hại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các đơn vị  thuộc đối tượng phải đăng ký chủ nguồn thải đã đăng ký và được thẩm định cấp sổ lần đầu, số lượng số đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được cấp đến tháng 12/2016 là 74 đơn vị. Bao gồm, lĩnh vực y tế 19; xăng dầu, điện lực 18; bán, bảo trì, bảo dưỡng xe 13; dược 1; dịch vụ 4 và các ngành khác 19 đơn vị. 
 
Tổng số lượng chất thải nguy hại trong năm 2016 ước tính khoảng 350.000 kg; trong đó khối lượng chất thải nguy hại phát sinh nhiều nhất tại dự án Tổ hợp Bauxit-nhôm Lâm Đồng với khối lượng phát sinh ước tính từ 110.000 - 150.000 kg/năm, chiếm khoảng từ 32 - 42% tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh theo sổ chủ nguồn thải được đăng ký.
 
 Triển khai thực hiện Chỉ thị 25
 
Thay mặt UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Phạm S ký ban hành Công văn số 5993/UBND-MT gửi các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải, thu gom, vận chuyển, xử lý thải bỏ, chôn lấp các loại chất thải, nhất là chất thải nguy hại. Khẩn trương tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành kế hoạch xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo lộ trình trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô xả thải lớn yêu cầu lắp đặt các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT. 
 
Cùng đó, UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện việc hoàn chỉnh báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của DA xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung về hệ thống thu gom nước thải Khu Công nghiệp Phú Hội. Các Sở: Công thương, Tài chính, Xây dựng, Ban quản lý các khu công nghiệp và UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp thực hiện các nội dung như: kiểm tra, rà soát, có kế hoạch đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp; kiểm tra, rà soát và quy hoạch quản lý chất thải rắn; đánh giá khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn...
 
Trồng rừng góp phần quan trọng bảo vệ môi trường (trong ảnh: Lễ ra quân trồng rừng, trồng cây phân tán tại Đà Lạt năm 2017). Ảnh: Minh Đạo
Trồng rừng góp phần quan trọng bảo vệ môi trường (trong ảnh: Lễ ra quân trồng rừng, trồng cây phân tán tại Đà Lạt năm 2017). Ảnh: Minh Đạo
Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường
 
Chiều ngày 1/6, trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Lương Văn Ngự cho biết: Với chủ đề năm nay - “Sống hài hòa với thiên nhiên”, con người cần có cách nhìn nhận là phải làm sao sống gần gũi, hài hòa và gắn bó hữu cơ với thiên nhiên. Con người được ưu đãi từ thiên nhiên ban phát, vì vậy, nếu không tôn trọng thiên nhiên thì tất yếu sự ưu đãi đó sẽ mất đi. Con người ứng xử với thiên nhiên thế nào thì thiên nhiên sẽ ứng xử trở lại với con người như thế, nếu tàn nhẫn với thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ tàn nhẫn trở lại, như là một quy luật và quan hệ hữu cơ tất yếu. 
 
Lâm Đồng là một tỉnh đầu nguồn của lưu vực sông Đồng Nai, do đó, ngoài hoạt động hàng năm, còn có hoạt động từng ngày, từng giờ để bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước; góp phần vào bảo vệ trái đất, bảo vệ MT sống, không phải thế hệ bây giờ mà cho thế hệ muôn đời sau. Lâm Đồng thuận lợi là có 2 vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà và Cát Tiên đầu và cuối tỉnh, ngoài ra, UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang vào năm 2015 với tổng diện tích khoảng 235.000 ha. Chúng ta kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân chung tay bảo vệ từng ngày, từng giờ màu xanh trên cao nguyên này. 
 
Năm nay, hưởng ứng thiết thực Ngày MT thế giới và “Tháng hành động vì MT”, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Lễ phát động bảo vệ MT tại huyện Bảo Lâm vào ngày 5/6. Những hoạt động chính trong Lễ phát động bao gồm ra quân bảo vệ MT tại địa bàn Nhà máy Bauxit-nhôm; trồng cây tại các khu vực lân cận như Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh,... một số vùng hạ nguồn như Đạ Tẻh, Cát Tiên; đặt hệ thống pa-nô, quảng cáo cùng 24 bể chứa rác tại 10 điểm dọc tỉnh lộ 725 qua các xã Lộc Phú, Lộc Quảng, Lộc Ngãi...      
MINH ĐẠO