Làm khuyến học phải xuất phát từ tâm

10:06, 23/06/2017

(LĐ online) - Đó là quan niệm của các thầy cô giáo trường tiểu học K'Nai - một trong những trường vùng xa của huyện Đức Trọng. Với đa số là học sinh người dân tộc thiểu số theo học, trong những năm qua, cũng xuất phát từ quan niệm này, chi hội khuyến học trường tiểu học K'Nai (xã Phú Hội) đã có nhiều cách làm hay, thiết thực để vận động các em chăm chỉ đến trường.

(LĐ online) - Đó là quan niệm của các thầy cô giáo trường tiểu học K’Nai - một trong những trường vùng xa của huyện Đức Trọng. Với đa số là học sinh người dân tộc thiểu số theo học, trong những năm qua, cũng xuất phát từ quan niệm này, chi hội khuyến học trường tiểu học K’Nai (xã Phú Hội) đã có nhiều cách làm hay, thiết thực để vận động các em chăm chỉ đến trường.
 
Thầy giáo hiệu trưởng Võ Văn Tình (bên trái) cùng các thầy cô giáo trường tiểu học K’Nai tới thăm nhà và trao quà cho các em học sinh
Thầy giáo hiệu trưởng Võ Văn Tình (bên trái) cùng các thầy cô giáo trường tiểu học K’Nai tới thăm nhà và trao quà cho các em học sinh
Phân công công việc cụ thể
 
Theo thầy giáo Võ Văn Tình – Hiệu trưởng nhà trường, cũng là chi hội trưởng chi hội khuyến học rường tiểu học K’Nai, trong tổng số 426 học sinh theo học tại trường, học sinh người dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 65%. 
 
“Đây là một trong những khó khăn của nhà trường, vì là người dân tộc thiểu số nên chuyện quan tâm tới việc học của con em mình là rất ít. Thêm vào đó, vào mùa cà phê, các em thường theo cha mẹ vào rẫy ở tận Đam Rông, Tà Năng, Tà Hine… vài tuần lễ liền, chuyện bỏ học liên miên cũng như cơm bữa. Ngoài người dân tộc gốc Tây Nguyên, người Kinh ở đây cũng chủ yếu là người di cư, đến đây lập nghiệp vài năm rồi lại trở về quê nên việc duy trì bền vững sĩ số cũng gặp nhiều khó khăn” – thầy Tình bộc bạch.
 
Trước những khó khăn trên, chi bộ Đảng của nhà trường đã tiên phong trong công tác khuyến học, từng đảng viên trong chi bộ đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng. 
 
Theo đó, cả 8 đảng viên của trường đều được phân công phụ trách khuyến học từng tổ, khu vực trong thôn. Hàng tháng sẽ báo cáo lên chi bộ nhà trường 1 lần về tình hình học sinh khu vực mình phụ trách đến lớp như thế nào có gặp khó khăn gì không?... để chi bộ và Ban giám hiệu nhà trường kịp thời chỉ đạo, định hướng. Rồi khi có học sinh nghỉ học, các đảng viên được giao phụ trách từng khu vực sẽ cùng giáo viên chủ nhiệm và các đoàn thể của nhà trường đến nhà các em học sinh đó để vận động, thuyết phục các em đến trường.
 
Song song với đó, nhà trường cũng xác định vai trò của Ban Giám hiệu là những người trực tiếp chỉ đạo các công việc, nhưng cũng chính là những người phải xắn tay áo lên để cùng với các đoàn thể trong trường thực hiện nhiệm vụ, chỗ nào khó khăn thì Ban giám hiệu nhà trường cũng phải tiên phong trước.
 
Thầy giáo Tình cũng cho biết thêm, để vận động được các em trở lại trường, trung bình 1 năm học, Ban giám giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo phải đến nhà các em không dưới 15 lần. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi thầy cô không chỉ là tính bền bỉ, kiên trì, biết cách biến hóa hình thức tuyên truyền, vận động, sao cho cha mẹ các em và các em dễ hiểu nhất, mà điều lớn lao hơn là mỗi thầy cô giáo phải có một trái tim yêu nghề và yêu trẻ. Bởi, nếu làm khuyến học không xuất phát từ tâm, chắc chắn các thầy cô đã bỏ cuộc giữa chừng!
 
Hiệu quả rõ rệt
 
“Mỗi lần đến nhà vận động, chúng tôi phải bao quát, tìm hiểu và nắm bắt được tâm tư tình cảm của các em và cả cha mẹ các em để “tùy cơ ứng biến”, tìm ra được cách thuyết phục hay nhất!”  - thầy giáo Tình nói.
 
Và để công tác tuyên truyền thêm thuyết phục, Ban Giám hiệu nhà trường còn cho ghi câu khẩu hiệu của nhà trường “Học sinh trong tuổi đi học là niềm vui của các em, là trách nhiệm của gia đình và là sự phát triển của xã hội” vào bảng, đóng tại các tổ để người dân trong thôn ai cũng có thể đọc.
 
Song song với các hình thức trên, trong những năm qua, nhà trường còn làm tốt công tác phối kết hợp với hội cha mẹ học sinh, nhân dân, chính quyền địa phương, các đoàn thể nhà trường và các nhà tài trợ để xây dựng quỹ khuyến học. 
 
“Với những cách làm trên, việc vận động các em học sinh trên địa bàn đến lớp đã có hiệu quả rõ rệt. Nếu như trước đây, tỉ lệ đến lớp của các em trường tiểu học K’Nai chỉ đạt 95-96% thì vài ba năm trở lại đây, con số này là gần 99%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới, sẽ có thêm nguồn kinh phí bổ sung để xây dựng lại 3 phòng học (được xây dựng từ năm 1989) nay đã xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng rất băn khoăn vì học sinh của trường chủ yếu là học sinh vùng đồng bào dân tộc, nếu như trước tháng 10/2016, học phí của các em phải đóng là 50 ngàn đồng/tháng thì với mức đóng 60 ngàn đồng/em/tháng như hiện nay cũng khiến không ít các em gặp khó khăn. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em ngại đến trường!”.
 
Thy Vũ