Nhà báo biết ơn đời

09:06, 21/06/2017

Ngàn vạn nghề chân chính trong cuộc đời này đều cao cả, bởi cuộc sống không thể thiếu đi một nghề nào dẫu cho có giản dị đến mấy, và rằng từng khoảnh khắc trí não, từng giọt mồ hôi đổ ra đều là phục vụ cho hạnh phúc con người.

Ngàn vạn nghề chân chính trong cuộc đời này đều cao cả, bởi cuộc sống không thể thiếu đi một nghề nào dẫu cho có giản dị đến mấy, và rằng từng khoảnh khắc trí não, từng giọt mồ hôi đổ ra đều là phục vụ cho hạnh phúc con người.
 
Dẫu biết vậy, nhưng đời lại ít khi sòng phẳng và khó “phủ sóng” công bằng nên có những nghề được vinh danh bằng những ngày cụ thể, và ngàn vạn nghề kia lặng thầm - lặng thầm nhưng vẫn dâng trọn nghiệp vận phục vụ cuộc sống. Hoa ùa về với các tòa soạn, hoa hân hoan trên tay mừng tặng, những lời chúc mừng nhà báo và chuyện nghề, chuyện nghiệp được phát trên sóng truyền hình, đăng trên mặt báo in... nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Trong niềm vui ấy, “vì nghề báo” cũng cần tự vấn và rằng: Nhà báo nên biết ơn người đời trong những ngày này!?
 
Không có người đời, nghề khác, cơ quan này, ban ngành kia, đơn vị nọ, như ngư dân trên biển khơi, nông dân trên luống cày, công nhân trong xưởng máy... thì nhà báo lấy đâu tương tác, suối nguồn chất liệu để mưu sinh và để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. 
 
Những đóng góp lớn của báo chí những năm qua ra sao đã rõ, phơi cả ra trên sóng, trên mặt báo hàng ngày, ai cũng biết. 
 
Nhưng khi một nghề nào được “biệt đãi” tôn vinh quá vì vai trò và ảnh hưởng đặc thù của nghề đó có, thì hay xao nhãng, hoặc lạm dụng những lợi thế đó thường dễ xảy ra. 
 
Viết báo được trả nhuận bút, lãnh lương tháng của tòa soạn, công chúng tin yêu, xã hội trọng vọng, Nhà báo còn đòi giá trị gì thêm nữa so với nghề khác. Thực tế, không phải nhà báo nào cũng nhận phong bì khi đi dự hội họp, khởi công, lễ khánh thành, lễ ra mắt sản phẩm mới... dù công khai và  được xem là điều bình thường. Nhưng đôi khi cái phong bì nếu không làm sự với ít thật “ra đi” thì cũng làm méo mó sự thật, hoặc gây mất công bằng giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, tập thể khác... trên cùng một lĩnh vực.  
 
Cũng không loại trừ đây đó ở báo giới, có một số nhà báo dùng ảnh hưởng của nghề để kiếm gỗ, kiếm gạch cất nhà, ruộng rẫy, đặc sản để khoái khẩu, được “tặng” quảng cáo, xin việc làm cho người thân, trường tốt cho bè bạn, làm giấy tờ xe cộ, đất đai thuận tiện, nhanh hơn... Ai bảo đó không phải là những dạng tham nhũng? Cơ hội thuận lợi cho chỗ này thì sẽ nó teo táp ở chỗ kia. Ngoài những khó khăn từ thời cuộc, chính cái quyền được tiếp cận sự thật được dùng tạo ảnh hưởng lên đời sống để khai triển những lợi ích cá nhân cũng góp phần làm niềm tin vào báo chí nơi công cúng dễ bị sụt giảm.
 
Việt Nam đang hội nhập thì nền báo chí cũng cần hội nhập, đi thẳng vào văn minh, và hành động đầu tiên có thể ví dụ như chuyện nhà báo “đi lấy tin mà không cần phong bì”, khi đi công tác không làm phiền cơ sở, không cần ai lo bố trí ăn, ở, thư giãn... Hình như ở những ngày thế này, trong hoan hỉ và tự hào về nghề của mình, nhà báo cũng nên lắng lại để nghĩ về ơn nghĩa, về cái “suối nguồn chất liệu” cho nghề của mình, cho thành tựu cá nhân và chức phận của mình. Đất nước còn nghèo, nhân dân còn khổ cực... Nhà báo còn không dám “sống khổ” được thì ai đấu tranh để tất cả cùng thoát khổ, công bằng giăng khắp mọi ngóc ngách xã hội, và hạnh phúc được chia đều cho từng mái nhà…
 
NGUYỄN HÀNG TÌNH