Ly hôn - nạn nhân là con trẻ

08:06, 20/06/2017

Ly hôn không đơn giản là một cuộc giải thoát - không sống được với nhau thì trả lại tự do cho nhau giữa những người lớn; mà đằng sau những vụ ly hôn là một biến cố lớn trong đời của con trẻ. 

Ly hôn không đơn giản là một cuộc giải thoát - không sống được với nhau thì trả lại tự do cho nhau giữa những người lớn; mà đằng sau những vụ ly hôn là một biến cố lớn trong đời của con trẻ. 
 
Tổ ấm gia đình là điểm tựa để con trẻ vững bước vào đời. Ảnh: Thái An
Tổ ấm gia đình là điểm tựa để con trẻ vững bước vào đời. Ảnh: Thái An
Vấn nạn ly hôn tăng lên khi “cái tôi” ngày càng lớn 
 
Những năm gần đây, số vụ ly hôn không ngừng tăng lên, rất nhiều nguyên nhân được nêu ra để lý giải cho thực trạng này như: mâu thuẫn gia đình, ngoại tình, ngược đãi - đánh đập, bệnh tật, không có con, nghiện ma túy - rượu chè - cờ bạc, ngăn cách về địa lý, mâu thuẫn kinh tế, một bên mất tích... Nhưng có lẽ nguyên nhân thỏa đáng nhất có lẽ do xã hội phát triển, cái tôi cá nhân được đề cao, sức chịu đựng nhau của con người cũng giảm, lòng vị tha, độ lượng để làm nên một gia đình bền vững, hòa thuận giữa những người “không máu mủ ruột già” về sống chung với nhau đã trở nên phai nhạt. Cái tôi cá nhân làm cho chỉ cần va chạm trong cuộc sống hàng ngày, đụng chuyện gì là xảy ra mâu thuẫn đến cao độ. Cái tôi cá nhân cũng khiến nhiều người không còn vun vén cho gia đình, mà đi tìm vui ở những chốn không phải tổ ấm của mình. 
 
Theo thống kê, mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết đến hơn 2.000 vụ ly hôn, đặc biệt trong 4 năm trở lại đây số vụ ly hôn không ngừng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước từ 200 - 400 vụ. Nếu như năm 2013, toàn tỉnh giải quyết 2.069 vụ ly hôn, cho ly hôn 310 vụ; năm 2014, toàn tỉnh giải quyết 2.272 vụ ly hôn, cho ly hôn 352 vụ; thì năm 2015 giải quyết 2.650 vụ, cho ly hôn 405 vụ. Mới 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thụ lý hơn 1.100 vụ án ly hôn, giải quyết cho hơn 150 cặp vợ chồng đường ai nấy đi. Vợ chồng trong các vụ án ly hôn cũng ngày càng trẻ hóa, trong số các vụ ly hôn có đến 35 - 45% cặp vợ chồng tuổi đời từ 18 - 30 tuổi. Nhiều cặp vợ chồng mới lấy nhau đó, người thân và bạn bè còn chưa quên ngày cưới của họ, thì họ đã kéo nhau ra tòa đòi ly dị.
 
Một người bạn của tôi làm ngành tòa án cho biết: Để tiến hành một vụ án ly hôn phải trải qua cả một quy trình, không phải muốn ly hôn nộp đơn là được giải quyết ngay. Chỉ riêng “khâu” hòa giải đã phải trải qua 3 cấp từ tổ dân phố, khu dân cư tiến hành hòa giải đến cấp công đoàn cơ quan, doanh nghiệp (nếu đương sự là lao động tại các đơn vị trong và ngoài nhà nước) có biên bản hẳn hoi, rồi tòa án gọi lên hai - ba lần nói điều hơn lẽ thiệt, đến khi không hòa giải được, đôi bên thuận tình ly hôn thì mới cho ly hôn. Đáng tiếc nhất vẫn là những vụ ly hôn mà nguyên nhân rất vụn vặt chỉ là ý ăn ý ở chưa hòa hợp nhau, hoặc việc chấp nhặt nhau từng câu nói, từng hành động và tự quy kết một cách khắt khe “như thế là không thể chấp nhận được”. Nhiều cặp khăng khăng kiên quyết bỏ nhau, dù sự việc không đến mức, nhưng họ cố tình đẩy đi quá xa, không ai chịu nhường ai, không ai chịu tha thứ cho ai. Thế mới nói, khi lấy nhau thì cố lấy cho bằng được, quyền của hai người không ai có thể ngăn cản được; nhưng khi bỏ nhau, có pháp luật thì pháp luật cũng không thể ngăn được họ. Ly hôn không chỉ diễn ra ở thành thị văn minh, mà cả ở những vùng nông thôn hẻo lánh. 
 
Ở xã Phước Cát, huyện Cát Tiên - nơi vùng sâu vùng xa giáp ranh với tỉnh Bình Phước, các vụ ly hôn của những cặp vợ chồng trẻ cũng liên tục diễn ra khiến người dân nơi đây không khỏi có những câu chuyện để bàn tán. Thực trạng ly hôn diễn ra ở lớp già có thể lý giải do sống chung lâu ngày sinh “chán” nhau, phải chịu đựng “đợi” các con lớn thì đành vậy; nhưng với lớp trẻ và những cuộc hôn nhân ngắn ngủi, chóng vánh khiến người ta hoài nghi về lối sống của người trẻ tuổi, ngay cả đứng trước quyết định quan trọng lớn nhất của đời mình cũng “thích là nhích”. Khi cái tôi cá nhân được đề cao quá mức “mình phải sống cho mình”, không còn sợ dư luận, không còn sợ bị xã hội lên án, những vụ ly hôn đã kéo theo nạn nhân là những đứa trẻ - là kết tinh “tình yêu” một thời của họ.
 
Ly hôn - nạn nhân là con trẻ
 
Năm 2013, số vụ ly hôn có con chưa thành niên là 1.454 vụ; năm 2014, số vụ có con chưa thành niên là 1.135 vụ; năm 2015, số vụ ly hôn có con chưa thành niên là 1.366 vụ. Như vậy, có nghĩa là, ít nhất có từng ấy đứa trẻ chưa thành niên chịu ảnh hưởng - đó là chưa kể đến những gia đình 2 con. Ly hôn không đơn giản là một cuộc giải thoát - không sống được với nhau thì “trả tự do” cho nhau giữa những người lớn; mà đằng sau những vụ ly hơn là một biến cố lớn trong đời của con trẻ. Nỗi đau gia đình đổ vỡ sẽ tạo nên dư chấn tâm lý kéo dài đối với những đứa trẻ chưa thành niên đang rất cần vòng tay nuôi dưỡng chở che của cả cha lẫn mẹ để phát triển và hình thành nhân cách. 
 
Đã ly hôn chồng hơn 1 năm nay, nhưng chị N. vẫn chưa hết nguôi ngoai. Hơn 20 năm chung sống với nhau, từ hai bàn tay trắng, họ cùng nhau làm ăn, mua đất làm nhà, sinh 2 đứa con trai. Khi đã đủ đầy, người chồng bắt đầu quên đi những ngày tháng nhọc nhằn gây dựng cuộc sống, mà đạp đổ tất cả, đi theo người đàn bà khác với lý do “còn sức phải lo ăn chơi, chứ già thì làm sao chơi bời được nữa”. Từ đó, người chồng chỉ lo hưởng lạc, đi sớm về tối, cặp bồ “chơi cho sướng” (như lời anh ta nói) mà quên trách nhiệm với các con. Cảm giác đau đớn, bị phụ bạc, bị xúc phạm, chị N. quyết tâm ly dị. Ba mẹ con sống với nhau, chị như một lần nữa dốc sức làm lại từ đầu. Đứa con lớn 21 tuổi đang học đại học thấy bố mẹ bỏ nhau cũng vì hụt hẫng và bỏ học kiếm việc lao động phổ thông; cậu em bé mới 7 tuổi cũng phải chuyển trường theo mẹ đến học một ngôi trường mới, lạ bạn, lạ thầy. Từ ngày bố mẹ bỏ nhau, đứa bé luôn quấn quýt bên anh trai của mình như điểm tựa vững chắc. Chị N. tâm sự: May mà đứa lớn cách đứa bé 14 tuổi, nên đứa bé tựa vào anh để tìm cảm giác được bao bọc, an toàn.
 
 Ở tuổi lên l0, cậu bé B. đã làm thuần thục những công việc nội trợ như dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu cơm mà ngay cả nhiều bạn nữ cùng tuổi chưa biết làm và chưa phải làm. Bố mẹ bỏ nhau, B. và em trai theo mẹ. Mẹ gửi em ở nhóm trẻ gia đình gần nhà, hàng ngày quần quật vật với công việc để nuôi con, nên ở nhà, cậu bé phải tự nấu cơm, tự ăn, dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ, đến giờ tự đi học, không ai đưa đón, dù đường từ nhà đến trường xa đến gần 3 km. Em luôn tỏ trầm tĩnh, ít  nói, có suy nghĩ như người lớn, muốn học thật tốt để mẹ không buồn, để bù đắp nỗi buồn của mẹ.
 
Không phải đứa trẻ nào cũng biết tự an ủi mình, tự khâu lành vết thương cho mình ở tuổi còn quá nhỏ khi gia đình tan vỡ. Người lớn chịu đau và có thể mau chóng nguôi ngoai thì con trẻ phải chịu những nỗi đau âm ỉ kéo dài hơn. Với người lớn, hôn nhân tan vỡ giống như chiếc áo không còn lành nữa thì “cởi bỏ, ném đi” (lời của một người phụ nữ trong cuộc); nhưng với không ít đứa trẻ, khi cha mẹ bỏ nhau, chúng suy sụp, buồn chán sinh lêu lổng, buông xuôi, không muốn vươn lên, học hành sa sút, hổng kiến thức, rồi chán học và bỏ học, tương lai phía trước mờ mịt. Tệ hại hơn, nhiều đứa trẻ sa vào con đường tệ nạn, phạm tội... trở thành gánh nặng cho xã hội.
 
Gia đình bền vững luôn được vun đắp bởi lòng chung thủy, tình yêu thương, sự tôn trọng, sự bao dung, độ lượng. Con người vốn chứa đầy những mâu thuẫn, ngay cả trong cá nhân mỗi con người nhiều khi cũng mâu thuẫn với chính mình, chất vấn mình tại sao mình lại làm như thế, tại sao mình không thế này mà lại thế kia; thì trong một tổ ấm bao gồm các mối quan hệ giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái, giữa con cái với nhau, việc mâu thuẫn nhau là khó tránh khỏi. “Một điều nhịn chín điều lành”, “chín bỏ làm mười”, “chồng giận thì vợ ít lời, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”... là những cách giải quyết mâu thuẫn trong gia đình luôn luôn đúng mà các cụ xưa đã truyền lại. Hôn nhân thì dựa trên tình yêu, chỉ cần có tình yêu là người ta có thể gắn bó với nhau bằng một giấy đăng ký kết hôn và một đám cưới; nhưng để một cuộc hôn nhân bền vững, kéo dài tới “đầu bạc răng long” trở thành điểm tựa, thành nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách cho thế hệ tương lai thì lại dựa trên tình nghĩa, đạo lý. Mỗi con người, trước khi xây dựng gia đình, lập thành gia thất phải nhận thức nghiêm túc, xác định trách nhiệm trong việc xây dựng một tổ ấm, để không làm ảnh hưởng đến con trẻ vô tội. 
 
THÁI AN