Phủ xanh vành đai đường cao tốc

09:06, 20/06/2017

Liên Khương - Prenn là tuyến đường cao tốc đầu tiên ở Lâm Đồng, với gần 20 km nằm ở cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, đón mỗi năm hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Việc trồng cây dọc con đường này vừa khôi phục rừng, vừa phát triển vành đai xanh mang lại mỹ quan trên tuyến. 

Liên Khương - Prenn là tuyến đường cao tốc đầu tiên ở Lâm Đồng, với gần 20 km nằm ở cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, đón mỗi năm hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Việc trồng cây dọc con đường này vừa khôi phục rừng, vừa phát triển vành đai xanh mang lại mỹ quan trên tuyến.  
 
Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại dọc vành đai đường cao tốc. Ảnh: Minh Đạo
Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại dọc vành đai đường cao tốc. Ảnh: Minh Đạo
Tuyến đường... trống trải
 
Đường cao tốc Liên Khương-Prenn có chiều rộng 45 m, chiều dài 19,2 km với 4 làn xe chạy. Con đường khởi công ngày 30/4/2004, tổng vốn đầu tư 934 tỷ đồng, do Công ty 7/5 thuộc Quân khu 7 làm chủ đầu tư theo hình thức B.O.T. Đường đạt tiêu chuẩn loại B, tốc độ lưu thông cho phép 80 km/giờ. Điểm rộng nhất là vòng xoay Liên Khương có bề ngang mặt đường 121 m. Ngày 28/6/2008, con đường được khánh thành thông xe và trở thành một điểm nhấn về hạ tầng giao thông, một “lời chào” hấp dẫn đối với du khách trước khi vào thành phố du lịch Đà Lạt. 
 
Tuy nhiên, dọc tuyến đường, rừng và đặc biệt là loài thông đã mất đi không ít; một phần do giải phóng mặt bằng để thi công đường, phần khác, mất đi trong thời gian sau khi đường đã thông. Nguyên nhân chính là do công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp chưa chặt chẽ; còn để xảy ra tình trạng ken cây, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng công trình trái phép như nhà, chòi tạm hay công trình khác trên đất lâm nghiệp nhưng chưa được đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm theo quy định...
 
Trong thực tế, một số doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đã được giao, cho thuê đất lâm nghiệp để trồng rừng và thực hiện dự án đầu tư nhưng chưa thực hiện đúng theo phương án, dự án được phê duyệt; tiến độ đầu tư chậm,...
 
Trước tình hình nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ngành NN&PTNT và các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng huyện Đức Trọng triển khai kiểm tra, khảo sát đánh giá cụ thể thực trạng. Trên cơ sở những đề xuất, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1910/UBND-LN nhằm khôi phục rừng và phát triển vành đai xanh dọc đường cao tốc Liên Khương-Prenn. 
 
Sau 3 năm, có hành lang xanh? 
 
Ngày 13/6, trao đổi với Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT - ông Hoàng Tất Dương cho biết, căn cứ Quyết định của UBND tỉnh, đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án với nội dung trồng cây là Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Đại Ninh. Giám đốc BQL RPH Đại Ninh Nguyễn Văn Nhẫn cho chúng tôi biết, đơn vị đã làm tờ trình đề nghị thẩm định, phê duyệt hạng mục trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trước năm 2013 và trồng rừng vành đai thuộc Dự án. Trong lúc chờ thẩm định, đơn vị đã vận động được 173 hộ dân tham gia Dự án. 
 
Căn cứ Văn bản số 270/KL-QLR do Phó Chi cục Kiểm lâm Phạm Văn Huy ký, chúng tôi đã có một số thông tin cụ thể về thiết kế kỹ thuật. Khu vực trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép và trồng đai rừng tại một phần của 2 tiểu khu 268 và 277A, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Đây là lâm phần do BQL RPH Đại Ninh quản lý. Cụ thể, trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trước năm 2013 gồm 97 ha trồng  Muồng đen, mật độ 150 cây/ha; trồng đai rừng gồm 6,2 ha Thông 3 lá, mật độ 3.330 cây/ha. Sau khi triển khai thực hiện sẽ tăng độ che phủ rừng dọc tuyến cao tốc và tạo mỹ quan cho khu vực cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt. Về trồng xen, nguồn giống đảm bảo chiều cao từ 1-1,2 m; sinh trưởng phát triển tốt, không cong queo, sâu bệnh. Bắt đầu từ tháng 6 này đến 30/8/2017, đơn vị thực hiện Dự án cần trồng dặm những cây bị chết, cây gãy ngọn, còi cọc... sau khi đã trồng từ 15 ngày đến hết thời vụ trồng. Biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong 3 năm, trong đó năm 2017 chăm sóc 2 lần và năm 2018, 2019 chăm sóc 1 lần/năm. Mặt khác, quá trình này cần triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phòng trừ sâu hại một cách chặt chẽ. Đối với trồng đai rừng, thời gian thực hiện trồng từ tháng 10 - 12 hàng năm; tiến độ trồng và chăm sóc kéo dài từ năm 2017 - 2019. 
 
Nhiệm vụ khôi phục và phát triển vành đai cây xanh dọc đường cao tốc Liên Khương - Prenn là hết sức quan trọng. Vì vậy, đồng thời, đồng bộ trong triển khai các nội dung Dự án như: trồng đai rừng trên diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng giáp ranh diện tích sản xuất nông nghiệp của các hộ dân (khoảng 5,1 ha); trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trước năm 2013 (khoảng 97 ha). Đó còn là trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thuê; trồng rừng trên diện tích đất đã giải tỏa của các công trình xây dựng trái phép; trồng cây phân tán dọc hai bên đường cao tốc... Mặt khác, cần được quan tâm chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, cả rừng mới trồng và cả những hiện trạng rừng hiện có. Nếu không hoàn thành tốt đồng thời hai nhiệm vụ này thì câu chuyện khôi phục màu xanh, tăng độ che phủ dọc tuyến đường cao tốc Liên Khương - Prenn sẽ khó đạt được như chủ trương của tỉnh đề ra. 
 
 Có như vậy thì tuyến đường cao tốc Liên Khương - Prenn nối liền sân bay Liên Khương đến chân đèo Prenn mới sớm được trả lại không gian vành đai xanh trong một ngày gần nhất.        
                                     
MINH ĐẠO