Quá tải bệnh nhân chạy thận nhân tạo

08:06, 07/06/2017

Khoa Lọc máu - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đang quá tải bệnh nhân chạy thận nhân tạo (CTNT). Các máy chạy hết công suất (4 ca/ngày đêm) đến tận 1 giờ đêm mới nghỉ. Trong khi trước đây chỉ tới 9 giờ tối đã xong ca cuối cùng để cho máy và bác sĩ, điều dưỡng nghỉ ngơi sớm hôm sau tiếp tục vận hành chu kỳ mới. 

Khoa Lọc máu - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đang quá tải bệnh nhân chạy thận nhân tạo (CTNT). Các máy chạy hết công suất (4 ca/ngày đêm) đến tận 1 giờ đêm mới nghỉ. Trong khi trước đây chỉ tới 9 giờ tối đã xong ca cuối cùng để cho máy và bác sĩ, điều dưỡng nghỉ ngơi sớm hôm sau tiếp tục vận hành chu kỳ mới. 
 
BSCKI Phan Thạch Khuê đang theo dõi sức khỏe bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Ảnh: A.Nhiên
BSCKI Phan Thạch Khuê đang theo dõi sức khỏe bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Ảnh: A.Nhiên
Bệnh nhân dồn ứ chờ xếp lịch CTNT
 
BVĐK tỉnh đã 13 năm triển khai CTNT, bệnh nhân gắn bó lâu nhất với bệnh viện đã 14 năm CTNT, người lớn tuổi nhất 93 tuổi, nhỏ nhất 17 tuổi. Bệnh nhân Nguyễn Thị L. 38 tuổi đã 11 năm chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh cho biết: “Nhiều năm CTNT tôi thấy có khỏe hơn nhiều so với trước đây. Nhờ có BHYT và được bệnh viện giúp bữa cơm từ thiện, bánh mì từ thiện, được bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tốt nên tôi yên tâm mỗi tuần đến đây 3 lần để CTNT”. 
 
Đảm bảo an toàn cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo
 
Ths-BS Nguyễn Thị Hiếu Hòa - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế cho biết: Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo (CTNT) là BVĐK tỉnh (có 26 máy, gồm 24 máy chạy chu kỳ nhưng đã hỏng 1 máy và 2 máy HF online, chạy trung bình cho 75-80 bệnh nhân/ngày), BVĐK II (ở Bảo Lộc có 9 máy với 40 bệnh nhân/ngày) và Trung tâm Y tế Đà Lạt (có 8 máy với 10-12 bệnh nhân/ngày). 
 
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế về việc bảo đảm an toàn cho người bệnh CTNT, để phòng tránh các sự việc tương tự như ở Hòa Bình (có 8 bệnh nhân tử vong), Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị có thực hiện CTNT trong tỉnh tuân thủ đúng Hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo được ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014, Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận ban hành kèm theo Quyết định số 1338/2004/QĐ-BYT ngày 14/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn. 
 
Đồng thời, rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy chạy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống sốc phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.
 
DIỆU HIỀN

Khoa Lọc máu có 19 người (3 BS, 15 điều dưỡng, 1 hộ lý), trang thiết bị có 1 hệ thống lọc nước siêu tinh khiết RO đáp ứng cho 30 -35 máy CTNT/1 lần. Khoa hiện có 24 máy CTNT (đã hỏng 1 máy), 2 máy HF online, có 3 máy rửa quả lọc tự động để tái sử dụng màng lọc, trang thiết bị cấp cứu và tất cả những vấn đề thuốc men đáp ứng cho Khoa Lọc máu đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế. Hiện đang có 189 bệnh nhân đang CTNT tại khoa. 

 
BSCKI Phan Thạch Khuê - Trưởng khoa Lọc máu của BVĐK tỉnh cho biết: “Trước đây, khoa triển khai CTNT từ sáng đến 9 giờ tối có 3 ca (sáng, trưa, chiều), nhưng gần 2 tháng nay, Khoa Lọc máu đã quá tải mà chúng tôi không thể nào lắp thêm máy được, thiếu nguồn máy và thiếu chỗ để đặt. Chúng tôi phải tăng cường chạy ca đêm mà không biết kéo dài tình trạng tăng cường này đến lúc nào. Khoa Lọc máu ở đây đã khác những nơi khác là chạy 1 tuần 7 ngày liên tục (không được nghỉ chủ nhật giống như các nơi khác), bây giờ tăng cường ca đêm nữa, nhân lực chúng tôi rất vất vả nhưng cũng vì bệnh nhân chờ đợi nên chúng tôi cố gắng để làm. Hiện tại, Khoa Nội B đang có 8 bệnh nhân suy thận mãn được chúng tôi đã xử lý qua giai đoạn cấp cứu, đang nằm chờ để xếp lịch chạy. Tuy nhiên, khó khăn chưa thể sắp xếp được, chưa có máy để có thể chạy chu kỳ, bởi nhiều bệnh nhân chúng tôi cho chạy cả đêm, quá tải về máy móc và không có đủ nhân lực, thời gian để đảm bảo lâu dài”.
 
“Thực tế bệnh nhân cần CTNT số lượng đông hơn nhiều nhưng bệnh viện chỉ đáp ứng chưa đến 200 bệnh nhân. Bệnh nhân CTNT có chu kỳ rồi, nên người quen có nhờ cậy chúng tôi cũng không xếp lịch được”. Ths-BS Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc BVĐK tỉnh
 
Quá tải bệnh nhân CTNT là quá tải theo hướng càng ngày càng tăng chứ không phải quá tải cục bộ như những khoa khác. Bởi các khoa khác một đợt dịch bệnh có đông bệnh nhân lên thì sau đó giảm xuống, còn bệnh nhân CTNT là chạy suốt đời. Hiện Khoa Lọc máu đang vận hành theo chu kỳ liên tục 4 ca CTNT kéo dài đến 1 giờ sáng. BS Khuê cho biết thêm: “Ca đêm chúng tôi sắp xếp 2 điều dưỡng xử trí được cho 8 - 10 ca/đêm. Vì buổi sáng hôm sau lại tiếp tục chu kỳ CTNT mới nên cũng phải có người để làm việc tiếp ngày hôm sau nữa, việc tập trung người làm đêm thì ngày hôm sau không có người làm. Cứ 1 ca chạy thận kéo dài 4 tiếng đồng hồ, rồi sau đó chúng tôi xử trí máy móc, rửa sát khuẩn màng lọc phải mất 45 phút sau mới đến ca chạy tiếp theo. Do nhân lực của Khoa Lọc máu phải có chuyên môn sâu nên tăng cường những người khoa khác không thể làm được, phải mất thời gian đủ lâu để học, đào tạo thì mới có thể làm được tại khoa này”.
 
BS Khuê bày tỏ bức xúc: “Tình trạng quá tải bệnh nhân nên không đảm bảo được số lần chạy thận hoặc bệnh nhân muốn chạy thận mà không có chỗ để mà chạy buộc phải nằm chờ đến khi nào những bệnh nhân có sắp lịch đột ngột vắng thì thay vô chạy liền hoặc phải về TP Hồ Chí Minh rất xa xôi. Trong khi tất cả các kỹ thuật CTNT chúng tôi ở đây đã làm được rất đầy đủ chỉ bị vướng kỹ thuật HF online do vướng mắc BHYT”.
 
Lãng phí kỹ thuật HF online
 
BS Khuê nói: “BVĐK tỉnh triển khai kỹ thuật chạy máy HF online từ năm 2012, đây là kỹ thuật cao và mới, nhân lực được đào tạo bài bản với 2 ê kíp, quá trình làm đã chuyển giao cho tất cả nhân viên trong khoa, kỹ thuật rất yên tâm không phải lo, tuy nhiên vướng việc thanh toán BHYT”. 
 
2 máy HF online được dự án JICA đầu tư cho bệnh viện khoảng hơn 700 triệu đồng/máy, dành cho tất cả các trường hợp bệnh nhân CTNT phải trải qua một thời gian bắt buộc chạy máy HF online để lọc các chất mà máy CTNT không lọc được, ví dụ: sắt, vi lượng, một số chất gây dị ứng, phốt pho… để lọc các chất tồn dư trong máu giúp nâng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lên một bậc so với CTNT nhưng vướng trong thanh toán BHYT. Đó là, BHYT quy định bệnh nhân có CTNT thì áp dụng chạy máy HF online chỉ lọc 2 lần/3 tháng. Tuy nhiên, về chỉ định chuyên môn, mỗi đợt lọc như vậy phải tới 12 lần thì mới lọc sạch các chất độc (mỗi đợt từ 15 - 30 ngày). 
 
“Rõ ràng cái máy để đó mà bệnh nhân không được hưởng. Nhu cầu bệnh nhân ít nhất 1 tháng chạy 1 lần để lọc các chất mà máy chạy CTNT không làm được.  Nếu chạy quá số lần quy định thì bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra, nhưng hiện tỉnh cũng chưa có quy định về giá cho kỹ thuật này khi bệnh nhân tự chi trả” - BS Khuê nhìn 2 chiếc máy HF online bỏ trống trong khi cả Khoa Lọc máu đang quá tải bệnh nhân mà ngậm ngùi xót xa.
 
Giải quyết quá tải và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân như thế nào?
 
Trưởng Khoa Lọc máu BVĐK tỉnh cho biết: “Trong quá trình tiếp xúc với máu thường xuyên như thế này thì bệnh nhân rất dễ lây nhiễm hoặc vi rút lây nhiễm trong cộng đồng dân cư đối với viêm gan siêu vi B, C lây lan rất nhiều. Khi sử dụng máy để đảm bảo tránh lây lan bệnh, chúng tôi phân những bệnh nhân nào bệnh viêm gan chạy máy riêng, những bệnh nhân không bị viêm gan sẽ bố trí chạy máy riêng và ở đây chúng tôi chia bệnh nhân theo khu vực (một bên là bệnh nhân chạy máy có viêm gan hơn 70 người và một bên chạy máy không có viêm gan khoảng 120 bệnh nhân). 
 
Chính vì vậy, cũng có nhiều khó khăn trong sử dụng máy, đôi khi có những ca bệnh nhân viêm gan nhiều hơn do điều kiện địa lý xa xôi (dưới huyện lên) không chạy đúng giờ giấc nhưng phải chờ đợi máy. Chúng tôi có nghiên cứu đánh giá tỉ lệ lây nhiễm viêm gan trong bệnh nhân CTNT rất cao mấy năm trước đây, nhưng từ khi thành lập Khoa Lọc máu (năm 2014) chúng tôi kiểm soát thường xuyên các quy trình kỹ thuật phân bệnh ra, phân máy riêng, chú ý tất cả các khâu vô trùng thì việc lây nhiễm chéo giảm mạnh, trong số rất nhiều bệnh nhân gia tăng thì chỉ có 4 - 5 bệnh nhân bị lây nhiễm chéo”.
 
Ths-BS Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc BVĐK tỉnh cung cấp thông tin, mới đây UBND tỉnh có chủ trương cho phép BVĐK tỉnh cải tạo mở rộng Khoa Thận - Lọc máu. Dự kiến cần đầu tư 10 tỷ đồng để tăng cường thêm khoảng 15 máy và có một khu để cho bệnh nhân nằm nội trú điều trị chuyên ngành thận để đảm bảo nâng chất lượng điều trị bệnh nhân lên, giải quyết được một phần quá tải hiện nay. Do nhu cầu bệnh nhân càng nhiều, chắc chắn bệnh viện phải tăng cường nhân lực đào tạo, đào tạo lại liên tục để đảm bảo thực hiện theo các quy trình kỹ thuật của chuyên ngành lọc máu.
 
Giám đốc BVĐK tỉnh cũng băn khoăn là đối tượng CTNT đa số nghèo, khó khăn; một số bệnh nhân không có thẻ BHYT và đối với bệnh nhân có thẻ BHYT đồng chi trả 20% hoặc 5% cũng là gánh nặng cho họ, nên cả gia đình, bệnh viện và xã hội phải chung tay giúp bệnh nhân tiếp tục CTNT. Bên cạnh đó, còn vấn đề thanh toán giữa BHYT và bệnh viện nói riêng, ngành y tế nói chung cũng có một số chưa thống nhất trong giải quyết chi trả về lọc máu, nhất là lọc máu màng bụng cho đối tượng bệnh nhân thực hiện tại nhà và áp dụng kỹ thuật chạy máy HF online. 
 
Ths-BS Thuận khẳng định, mặc dù quá tải nhưng để đảm bảo an toàn trong CTNT, bệnh viện lâu nay làm đúng theo quy định của Bộ Y tế, bắt buộc tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn. Nhờ quá trình xử trí của Khoa Lọc máu mọi thứ đều ổn nên được bệnh nhân tin tưởng. 
 
AN NHIÊN