Rút ngắn thời gian thông quan

08:06, 23/06/2017

Chi cục Hải quan Đà Lạt nhiều năm nay đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính tại đơn vị, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. 

Chi cục Hải quan Đà Lạt nhiều năm nay đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) tại đơn vị, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. 
 
Giải quyết thủ tục hành chính qua mạng tại bộ phận một cửa Chi cục Hải quan Đà Lạt. Ảnh: V.Trọng
Giải quyết thủ tục hành chính qua mạng tại bộ phận một cửa Chi cục Hải quan Đà Lạt. Ảnh: V.Trọng
Rút ngắn thời gian thông quan
 
Theo ông Hồ Đức Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Đà Lạt, nhờ đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nên đến nay Chi cục đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng. 
 
Là một chi nhánh của Cục Hải quan Đắk Lắk với địa bàn 3 tỉnh gồm Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, trong đó, Chi cục Hải quan Đà Lạt quán xuyến địa bàn Lâm Đồng, địa phương có công tác xuất nhập khẩu sôi động nhất hiện nay.
 
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 200 doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến việc xuất nhập khẩu, trong đó đăng ký làm thủ tục tại Chi cục từ 130 - 140 doanh nghiệp, số còn lại chọn làm thủ tục ở các tỉnh khác. Hàng hóa xuất khẩu của Lâm Đồng chủ yếu là nông sản các loại, khoáng sản, hàng cơ khí, dệt may, tơ tằm… trong khi hàng nhập khẩu là nguyên liệu cho sản xuất, máy móc cùng trang thiết bị đi kèm, trang thiết bị y tế, nhà kính - thép; rượu làm nguyên liệu sản xuất…
 
Trong năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của Lâm Đồng đạt 520 triệu USD; trong 5 tháng đầu năm nay, Chi cục Hải quan Đà Lạt đã giải quyết thủ tục hải quan cho 4.665 tờ khai với kim ngạch 299,1 triệu USD, trong đó số thu về thuế đạt gần 174 tỷ đồng; dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Lâm Đồng sẽ tăng cao so với năm trước, đạt khoảng 600 triệu USD.
 
Điểm thuận lợi, theo ông Bình, hầu hết các thủ tục hải quan đến nay đều thực hiện qua một cửa điện tử theo hệ thống VNACCS/VCIS của ngành Hải quan, trong đó thực hiện tại Lâm Đồng khoảng 100 thủ tục, tất cả đều qua mạng cấp độ 4. Các doanh nghiệp tại Lâm Đồng có hoạt động xuất nhập khẩu đến nay hầu hết đều đã quen với thực hiện các thủ tục qua mạng.  
 
Để giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được các thủ tục hành chính mới cũng như các bộ thủ tục trong phạm vi quản lý của Chi cục, bên cạnh việc niêm yết công khai hóa tại bộ phận một cửa Chi cục tại Đà Lạt và tại trụ sở Đội Nghiệp vụ 2 ở Bảo Lộc, Chi cục còn thường xuyên gửi các văn bản mới này đến các doanh nghiệp qua hệ thống hộp thư điện tử của từng đơn vị.
 
Chi cục cũng thực hiện tốt việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục hải quan, thủ tục nộp thuế và các thủ tục khác tại nơi làm việc; hướng dẫn và giải đáp cụ thể cho người khai hải quan, người nộp thuế bằng văn bản.
 
Trong những tháng đầu năm nay, Chi cục đã ban hành 17 lượt văn bản thông báo đến các doanh nghiệp biết và thực hiện liên quan đến hệ thống dịch vụ công trực tuyến; kết quả kiểm tra C/O; nộp tiền thuế, tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước; xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa; đối chiếu, lắp ráp đồng bộ hệ thống chắn sáng, nhà kính trồng hoa; khảo sát thực tế địa điểm kiểm tra hàng hóa tại cơ sở sản xuất; thông báo về kết quả kiểm tra sau thông quan…
 
Chi cục cũng không ngừng đào tạo đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ của mình theo hướng tinh thông nghiệp vụ, đủ năng lực giải quyết các vướng mắc ngay tại hiện trường. Từ cuối năm 2016 đến nay, Chi cục đã bố trí cán bộ tại sân bay Liên Khương để giải quyết thủ tục hải quan tại chỗ cho các chuyến bay quốc tế ở đây. 
 
Chi cục yêu cầu cán bộ nhân viên trong công việc luôn nâng cao tinh thần phục vụ; duy trì kỷ luật làm việc, kỷ cương hành chính; tăng cường giám sát phòng ngừa kiên quyết không để xảy ra hiện tượng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. 
 
Tiêu chí đặt ra là không có trường hợp doanh nghiệp phải đi lại 2 lần trở lên để giải quyết 1 vụ việc, không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bất cứ khoản phí, lệ phí nào ngoài quy định. 
 
Một giải pháp khác để đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan, theo ông Bình, chính là việc Chi cục áp dụng cơ chế quản lý rủi ro bằng cách phân loại doanh nghiệp theo các tiêu chí cụ thể. “Đặc thù của Lâm Đồng là nhập hàng để sản xuất, ít có doanh nghiệp nhập lậu gian lận hàng hóa…”, ông Bình cho biết. Chính vì vậy, theo ông Bình, khoảng 90% hàng hóa hầu như được miễn kiểm tra trong thực tế, con số 10% còn lại có kiểm tra nhưng cũng rất nhanh. Với hàng hóa xuất khẩu, hàng mã xanh và mã vàng thủ tục giải quyết chỉ trong vòng 8 giờ, ngay cả với hàng hóa mã đỏ cũng chỉ giải quyết trong vòng 2 ngày.
 
Phát triển quan hệ đối tác với doanh nghiệp
 
Để thủ tục tiến hành nhanh, một điều rất quan trọng theo ông Bình chính là sự cộng tác của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, Chi cục luôn tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo và nộp hồ sơ thông qua hệ thống thông quan điện tử, áp dụng các chương trình vệ tinh, dịch vụ công trực tuyến, nộp thuế và các khoản thu khác thông qua hệ thống ngân hàng thương mại có phối hợp thu với cơ quan Hải quan.
 
Chi cục lâu nay cũng chú trọng xây dựng mối quan hệ đối tác giữa ngành Hải quan với các doanh nghiệp trong tỉnh. “Chúng tôi hằng năm có chương trình lựa chọn các doanh nghiệp trong tỉnh làm đối tác, như trong năm 2016 vừa qua là các doanh nghiệp ngành may mặc tại Bảo Lộc” - ông Bình cho biết. Với các đối tác này, chi cục thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn, trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp về các chuyên đề thực thi chính sách pháp luật. 
 
Cùng đó, Chi cục cũng thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp hằng năm nhằm lắng nghe ý kiến, giải đáp các vướng mắc, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xuất nhập khẩu; vận động doanh nghiệp về làm thủ tục tại Chi cục để tăng nguồn thu cho tỉnh.
 
 VIẾT TRỌNG